Giải do Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Mỹ Tho tổ chức. Có 80 tàu mô hình của hơn 40 thành viên đến từ 20 câu lạc bộ, nhóm, đội của các tỉnh, thành khu vực miền Đông và Tây Nam bộ, TPHCM… tham dự giải. |
Các vận động viên tranh tài ở 3 nội dung: đua tàu 1 thân (Mono), tàu 2 thân (Catamaran) và nội dung tự do (Open Hull &Open CC). Mỗi nội dung chọn 3 tàu giải I, II, III vào tranh Siêu cúp (Best of the best). Mỗi đợt đua gồm 8 - 9 chiếc tàu. |
Theo ông Hồ Hữu Hoàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Mỹ Tho: ca nô nước hay tàu mô hình điều khiển từ xa là một bộ môn thể thao giải trí không còn quá xa lạ đối với nhiều người hiện nay và thậm chí còn là sở thích, niềm đam mê bất chấp lứa tuổi dù già hay trẻ. |
Chơi tàu mô hình giống như các trò điều khiển từ xa khác. Tàu mô hình cần sự khéo léo, nhanh nhẹn để hạn chế các sự cố, từ va chạm, chết máy, lật thuyền… Vì vậy, mỗi buổi chơi đều có đội cứu hộ chạy thuyền máy để làm nhiệm vụ "cứu nạn". |
Một thành viên đội đua cho biết, mỗi chiếc tàu có 1 chiến thuật để đua khác nhau. Sau khi mua máy (nhập từ nước ngoài), các chủ tàu sẽ “độ” theo chiến thuật riêng: “nước đề” (tăng tốc sau khi khởi động) hay “nước hậu” (tăng tốc khi về đích) bằng nhiều hình thức: thêm chân vịt, làm lốc máy, chế tác các chi tiết theo cách riêng…chẳng khác gì “độ” xe máy. Và mỗi người có một “bí quyết” không thể tiết lộ. |
Anh còn cho biết, Việt Nam hiện nay đã chế tạo được vỏ tàu và được dân “chơi tàu” nước ngoài đặt hàng. |
Rất đông người dân đứng xem và cổ vũ. |
Kết quả: Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 1 Nhì, 1 Ba và 2 giải khuyến khích cho mỗi nội dung và trao 1 giải Siêu cúp. Vận động viên Văn Trọng Nguyên, đội Sài Gòn - Chợ Lớn đã xuất sắc giành Siêu cúp. |
Giải đấu nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng 77 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945- 19/8/2022) và Quốc khánh 2/9. |