Khi Inter giành chức vô địch C1/Champions League thứ 3 trong lịch sử vào năm 2010, Man City mới chỉ chơi vỏn vẹn 2 trận ở đấu trường danh giá nhất châu Âu.
Trong quá khứ, các đội bóng Italia vào chung kết C1/Champions League thường xuyên hơn các đại diện Anh (28 so với 25). Tuy nhiên, những CLB xứ sương mù lại làm tốt hơn, với 14 lần giành chiến thắng và 5 đội từng lên ngôi vô địch. Italia chỉ thắng 12 lần với 3 nhà vô địch. |
Đó là lý do Olivier Jarosz, cựu Giám đốc Hiệp hội CLB châu Âu, mô tả trận chung kết Champions League 2022/2023 tại Istanbul như thể cuộc chạm trán giữa “một đội thuộc giới quý tộc lâu đời” và “một đội thuộc tầng lớp lao động”. Tuy nhiên Jarosz bổ sung thêm, rằng đội bóng thuộc giai tầng thấp kia “đã có cuộc hôn nhân hạnh phúc với tiền bạc”.
Không lâu sau khi Inter đăng quang năm 2010, Sheikh Mansour tới và biến Man City thành một CLB giàu có bậc nhất. Chưa dừng lại ở đó, bằng chiến lược thông minh và phát triển dài hạn, The Citizens hiện được coi là đội bóng kiểu mẫu. Họ vận hành hiệu quả, được dẫn dắt bởi HLV thiên tài, chơi theo phong cách xác định và đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác.
Bây giờ Man City đang ở nấc thang cuối: vô địch Champions League và chen chân vào tầng lớp quý tộc châu Âu, nơi bao gồm Real, Barca, Bayern, Milan, MU, Liverpool và cả Inter.
Chỉ có điều, khi nhắc tới, Inter mang lại sự hoài niệm hơn là niềm tin vào hiện tại cũng như tương lai. Nhiều năm trước Giuseppe Meazza là điểm hẹn của những danh thủ hàng đầu, được mua bởi số tiền kỷ lục. Vào thời điểm năm 2010, họ vẫn có thể tập hợp một số tên tuổi lớn, như Samuel Eto’o, Maicon và Wesley Sneijder.
Còn trong thời đại Man City khuynh đảo thế giới bóng đá, Nezzaruzzi dần lùi sâu vào bóng tối. Không còn những ngôi sao thượng thặng, cũng đánh mất vị thế hàng đầu từ lâu, đội quân của HLV Simone Inzaghi là tập hợp các cầu thủ bình thường, thậm chí tầm thường. Họ cũng đi ngược với tiêu chuẩn của bóng đá hiện đại, khi không xác lập một hệ tư tưởng chiến thuật rõ ràng. Họ chơi bằng động lực, kết nối với nhau theo kiểu gia đình và được cổ vũ bởi quá khứ vinh quang của CLB.
Man City không có quá khứ để dựa vào. Họ đang chiến đấu vì tương lai và cố xua đi quá khứ, với những thất bại liên tiếp tại Champions League. Trong 12 năm miệt mài tìm kiếm vinh quang, có vài thời điểm tưởng như The Citizens có thể chạm đến đỉnh cao, song bằng cách nào đó họ vẫn cúi đầu đau khổ.
Vào những năm tồi tệ nhất, cuối thập niên 1990, khi nửa xanh thành Manchester phải rớt xuống hạng 3, HLV Joe Royle thốt lên rằng với đội bóng này mọi điều đều có thể xảy ra, và thường theo kịch bản tồi tệ nhất. Câu nói này sau đó được áp dụng ở mặt trận châu Âu. Với bộ óc siêu việt của Guardiola, Man City vẫn thua đau đớn, trước Tottenham 2019, Lyon 2020, Real 2022 và Chelsea ở chung kết 2021.
Pep bị cáo buộc luôn suy nghĩ quá nhiều, để rồi đề xuất những thay đổi bất thường và làm suy yếu Man City. Liệu lần này điều đó một lần nữa lặp lại, và một kịch bản không tưởng xảy ra ở Istanbul? Hầu hết đều cho rằng đây là trận chung kết chênh lệch nhất trong kỷ nguyên Champions League.
Ngoài vấn đề tiền bạc (tổng giá trị đội hình của Man City lên đến 1,3 tỷ USD, riêng Jack Grealish là 126 triệu, cao hơn toàn bộ giá trị các cầu thủ Inter cộng lại) còn là sức mạnh sân cỏ.
Chỉ cần nhìn vào Erling Haaland sẽ thấy. Chân sút người Na Uy đã ghi 52 bàn ở mọi đấu trường mùa này, bao gồm 12 ở Champions League. 3 tiền đạo Inter, gồm Lautaro Martinez, Romelu Lukaku, Edin Dzeko kết hợp chỉ nhỉnh hơn một chút, 56 bàn, với 10 ở mặt trận châu Âu. Vì lẽ đó, phân tích của FiveThirtyEight nói rằng Man City có 75% cơ hội giành chiến thắng trong trận chung kết còn Inter chỉ có 25%.
Mặc dù vậy, bóng đá không phải trò chơi của những con số. Tại Istanbul, nơi từng tạo nên “đêm huyền diệu” năm 2005, với màn ngược dòng khó tin của Liverpool, một đội bóng Anh, trước Milan, đại diện của nước Italia, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.