Thí nghiệm tâm lý nổi tiếng tại nhà tù Stanford năm 1971 được đạo diễn Đức Oliver Hirschbiegel dựng thành phim Das Experiment. Hai mươi nam giới không quen biết chơi trò phân vai giám thị và tù nhân. Mặc dù đầu bài yêu cầu giám thị không được dùng bạo lực nhưng quyền hành trên trời rơi xuống dần dần biến đổi họ. Mâu thuẫn giữa hai bên gia tăng cho đến lúc họ căm thù nhau thật và sẵn sàng giết nhau.
Môi trường trong nhà trẻ Mầm Xanh cũng tương tự. Các cô giáo ngày càng trở nên mất kiểm soát, từ bảo mẫu dần trở thành ác mẫu lúc nào không hay. May báo chí kịp thời khui ra sự việc. Nếu không sẽ rất dễ xảy ra án mạng. Mà nạn nhân rất có thể là chính cô giáo, một khi “thú tính” trong một bậc phụ huynh nào đó trỗi dậy.
Có quá nhiều điều cần phải suy nghĩ và chấn chỉnh ngay lúc này. Người ta sẽ nghĩ ngay đến trách nhiệm liên đới của cơ quan cấp phép và quản lý ngôi trường kia. Nhưng nhìn rộng ra một chút, bạo lực có vẻ rất đi đôi với một không gian chật hẹp, nhận trông quá nhiều trẻ với mức phí thấp. Môi trường đó, hoàn cảnh cầm chắc gây căng thẳng trường diễn cho cả cô và trẻ…
Quy hoạch đô thị ảnh hưởng đến chất lượng sống cư dân là thế. Nhà trẻ, trường học, bệnh viện… là những không gian đáng ra phải được quan tâm đầu tiên thì thực tế thường không phải thế. Và khi mọi thứ trong đô thị trở nên quá tải, mọi người đều trở nên stress thì mọi khủng hoảng sẽ được trút dần xuống những người yếu thế nhất. Trong trường hợp này chính những mầm non tương lai lĩnh đủ. Chỉ mong vụ Mầm Xanh ngoài gây làn sóng phẫn nộ còn dẫn đến những hành động tích cực thay đổi tình thế.