Mái ấm gia đình

Mái ấm gia đình
TP - Một hôm lâu rồi, tôi đọc trên mạng một mẩu tin, thoạt đầu thì buồn cười nhưng sau đó lại đăm chiêu. Đăm chiêu xong lại muốn viết tâm tình và suy nghĩ của mình như một tầng sâu tự nhủ.

> Đáng yêu quá, những tài tử 3 thế hệ

Minh hoạ: Đỗ Đức
Minh hoạ: Đỗ Đức.

1. Tin đó như sau: “Bé gái rao bán bà trên mạng. Trang web đấu giá trực tuyến eBay đã cấm một bé gái 10 tuổi rao bán bà ngoại mình trên mạng, vì vi phạm luật buôn bán người. Bé Zoe Pemberton đã quảng cáo bà mình Marion Goodall 61 tuổi, sống tại Clacton, Essex, Anh, trên website eBay và miêu tả bà khó tính, thích chơi đố chữ và hay ôm ấp mọi người.

Nhưng người quản lý eBay đã dỡ bỏ đoạn quảng cáo đó bởi trang web không cho phép buôn bán người. Theo Telegraph, phát ngôn viên eBay cũng cho biết: “Mẩu quảng cáo này mang tính chất vui đùa và bà ngoại của cô bé cũng biết rõ. Mẩu tin đã nhận được khá nhiều thư trả lời”.

Đọc mẩu tin này, tôi liên tưởng đến bài tập làm văn của thằng cu Cườm xóm tôi. Cu Cườm đã tả ông nội mình như sau: “Nhà cháu có nuôi một ông nội. Tóc rụng hết nhưng râu còn. Ông nội kình la đủ chuyện. Ăn xong lại nằm. Không làm gì cả mà cứ kêu mệt. Lạ kỳ quá chừng”. Đọc xong, đầu tiên cũng buồn cười, nhưng sau lại cũng đăm chiêu.

2. Dĩ nhiên bài văn của cu Cườm và hành động của bé Zoe Pemberton đúng là của trẻ con, nhưng gây nhiều suy nghĩ cho người lớn ví như tôi đây. Tôi thấy rằng hai đứa bé đã nêu trên, chúng không có gì giả dối, thậm chí còn rất chân thành.

Chúng nghĩ sao nói vậy, bụng muốn thì tay làm, không trách chúng được.Và như thế, toàn bộ vấn đề sẽ rơi vào người lớn chúng ta. Và chính xác hơn, là thế hệ già đang sống chung với thế hệ trẻ trong một mái ấm gia đình.

Ông bà mình vẫn bảo “trẻ đeo hoa, già đeo tật”. Tật ấy có thể đã tốt một thời với thế hệ già, nhưng chưa chắc tốt đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ con. Đại khái những tật mà người già thường mắc phải như lắm lời, xơ cứng trong suy nghĩ, hờn giận những chuyện không đâu, thủ cựu, độc tài, hành xử như được lập trình sẵn…làm cho lớp trẻ mệt mỏi.

Nghĩ như nhà thơ Lê Đạt thì đượm tàn nhẫn nhưng xem ra cũng có phần đúng: “Những kiếp người sống lâu trăm tuổi/ Y như những chiếc bình vôi/ Càng sống càng tồi/ Càng sống càng bé lại”. Đúng thì cũng có đúng, nhưng dù sao cũng không nên nghĩ tội nghiệp như thế. Những người “sống lâu trăm tuổi” họ đâu có muốn thế.

3. Trong quá trình sống một đời người, ai trải qua tuổi thơ, tuổi thanh xuân, rồi tuổi già. Nhưng khi đã tại vị ở tuổi già, người già lại sinh lắm tật trước khi vào quan tài. Dường như đó là qui luật chung, nhưng qui luật đó trẻ con không thể nào hiểu nổi. Do không hiểu nổi nên chúng suy nghĩ và hành động theo lối trẻ con là rao bán bà ngoại và tả ông nội như tả một con mèo khổng lồ.

Những việc này không đáng trách. Việc rao bán bà ngoại, nguyên do nằm ở bà ngoại. Nếu bà ngoại của bé Zoe Pemberton dễ tính, vui vẻ, không ôm mọi người…thì bé ấy đâu có rao bán. Bé ấy đã quá chán và mệt mỏi bà ngoại lắm nên mới làm như thế mà thôi.

4. Đây cũng là một bài học đậm chất khôi hài nhưng lại thấm thía cho người lớn, đặc biệt là người già. Rằng người già nên biết cách già. Biết cách già nghĩa là biết “bớt già”, để cho lớp trẻ, đặc biệt là trẻ con, chúng dễ thở và quí mến.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG