Mắc kẹt giữa đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
Một dãy phòng trọ ở TPHCM. Ảnh: Uyên Phương
Một dãy phòng trọ ở TPHCM. Ảnh: Uyên Phương
TP - Dịch COVID-19 nổ ra đẩy công nhân và những người yếu thế vào tương lai bất định. Họ chỉ đăm đắm một câu hỏi: Bao giờ hết dịch?

Đi không được, ở không xong

Xóm trọ công nhân nằm trong con hẻm 57 (P. Tân Tạo, Q.Bình Tân, TPHCM) đóng cửa im lìm, nhiều nơi còn treo tấm biển “Người lạ không vào khu trọ để phòng, chống COVID-19”. Trò chuyện với chị Lê Thị Thanh (40 tuổi, quê Cần Thơ) qua điện thoại, chị kể đang “mắc kẹt” giữa mùa dịch.

“Cty may đã tạm ngưng hoạt động gần nửa tháng qua. Lúc đầu tôi nghĩ chắc đóng cửa vài hôm rồi gọi công nhân đi làm lại như những lần trước. Nhưng chờ hoài, chờ mãi vẫn chưa thấy động tĩnh; trong khi tiền ăn uống đã cạn kiệt, sắp tới tháng tiền trọ không biết lấy gì đóng. Giờ có muốn về quê cũng không được vì đã có lệnh không cho người dân ra khỏi thành phố”, chị Thanh cho biết.

Dãy trọ lụp xụp bằng tôn ở số 994A/39 Huỳnh Tấn Phát, Q.7 chủ yếu là công nhân làm ở Khu chế xuất Tân Thuận thuê để ngả lưng qua đêm. Gần 1 tháng qua, khu vực này bị phong tỏa, nhiều người sống nhờ vào sự cứu trợ của các đoàn từ thiện. Chị Cẩm Nhung kể, chồng chị làm phụ hồ với mức lương 4 triệu đồng/tháng, chỉ tạm đủ duy trì cuộc sống theo ngày, nhưng đã mất việc gần 2 tháng qua do dịch bệnh, nguồn thu nhập chính cũng không còn. “Nếu không có rau, củ, gạo… từ các đoàn thiện nguyện, chúng tôi không biết sống sao”, chị Nhung nói.

Tài chính ngày càng cạn kiệt, anh Minh T., lao động tự do (quê Bến Tre) đánh liều chạy xe máy về quê. Tuy nhiên đến chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Long An, anh T. được yêu cầu quay đầu. Theo lực lượng trực chốt, người dân không được tự ý rời khỏi thành phố để về quê, mà cần phải liên hệ với chính quyền địa phương để được tiếp nhận và hướng dẫn về quê bằng các chuyến xe được tổ chức sẵn để đảm bảo an toàn chống dịch.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM cho biết, TPHCM sẽ có “Túi an sinh xã hội” cho người dân nghèo khó trong thời gian giãn cách xã hội. Dự kiến trong sáng nay (3/8), Ban Thường vụ Thành ủy, các Thành ủy viên của các sở ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội sẽ chia làm 24 đoàn đi đến từng quận, huyện trực tiếp đến khu vực phong tỏa trao những phần quà cho các hộ nghèo không bị F1, F0... Còn những hộ F0, F1 thì nhờ Tổ COVID-19 cộng đồng chuyển những phần quà này đến với họ.

DUY QUANG

“Giờ phòng trọ đã trả do không còn tiền thuê, về quê cũng chẳng được. Đi không được, ở chẳng xong, tôi biết sống thế nào trong những ngày sắp tới”, anh T. thở dài.

Không biết trụ được bao lâu

Anh Võ Tấn Pha rời Đồng Tháp lên Sài Gòn làm công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức, TPHCM được 2 năm. Rời quê 24 tháng, chưa bao giờ anh mong mỏi trở về nhà như lúc này nhưng đành bất lực. Giữa tháng 7, phường Linh Trung bị phong tỏa do phát sinh nhiều ca bệnh ngoài cộng đồng. Chưa kịp gỡ phong tỏa thì khu nhà trọ anh Pha ở số 43/7, đường số 4, khu phố 3, phường Linh Xuân lại bị phong tỏa do có ca F0.

“Không chỉ tôi mà hàng chục công nhân ở khu nhà trọ này đã mất việc 2 tháng nay, tiền tiết kiệm đã vơi dần. Hai vợ chồng chia nhau từng gói mì tôm để dành tiền lo cho đứa con mới 1 tuổi”, anh Pha nói và cho biết, đến nay chưa nhận được gói hỗ trợ nào. Sáng 27/7 phong tỏa dãy nhà trọ thì chiều cùng ngày, phường có mang tới cho một bịch khoai lang rồi thôi. Các chỗ khác bị phong tỏa có người gác để nhờ mua mớ rau con cá, còn ở đây thì không có ai canh. Phòng trọ của ai còn gì thì anh chị em công nhân mang ra san sẻ cho nhau, nhưng cũng không biết, sẽ còn trụ được bao lâu.

Rối bời khi không biết lấy gì sinh sống trong những ngày tới, anh Phong (55 tuổi, lao động tự do) thuê trọ gần bến Phú Định (P.16, Q.8, TPHCM) kể, anh đã thất nghiệp hơn một tháng qua. “10 năm qua, tôi mưu sinh bằng nghề chở hàng thuê cho tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền giao cho người bán lẻ ở Bình Tân, quận 8… Thu nhập đủ để trả tiền thuê trọ, chăm lo 2 đứa con ăn học. Chỉ trừ lúc bệnh, còn bình thường dù nắng hay mưa, tôi đều cố gắng. Vậy mà nay, khi chợ đóng cửa, tôi cũng mất việc theo”, anh Phong nói.

Cũng theo anh Phong, lúc đầu anh cũng tính đưa vợ con về quê ở Vĩnh Long tránh dịch, nhưng sợ đi rồi khó quay lại Sài Gòn nên gắng gượng, hy vọng dịch mau qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này, anh Phong đã đuối sức khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, thành phố tiếp tục giãn cách; chợ vẫn đóng cửa nên người đàn ông trụ cột gia đình này nối dài chuỗi ngày thất nghiệp.

“Về quê có thể cũng không có việc làm nhưng gạo, rau… không thiếu; còn trên này, ngày nào không có thu nhập coi như đói ngày đó. Chưa kể đủ thứ tiền nhà trọ, điện, nước, ăn uống… Dù chủ nhà trọ có thương tình giảm tiền thuê nhà nhưng vẫn còn nhiều thứ phải lo. Tôi không biết sẽ tiếp tục cầm cự bằng cách nào”, anh Phong bộc bạch.

Khi hỏi về khoản hỗ trợ an sinh của Chính phủ, anh Phong lắc đầu, buồn thiu nói: “Tôi không có giấy tờ gì, kể cả chứng minh nhân dân; nhà trọ cũng không đăng ký tạm trú nên khoản hỗ trợ ấy chắc không tới mình. Ngay cả những đợt dịch trước, tôi cũng không có tên được nhận. Giờ chỉ mong dịch mau qua, chợ mở lại để mình tiếp tục được làm việc nuôi gia đình”, người đàn ông với vẻ khắc khổ mong mỏi.

MỚI - NÓNG