Mặc cả với Tổ quốc

Mặc cả với Tổ quốc
Người hâm mộ phải hụt hẫng, rồi phẫn nộ khi biết được "mùi tiền bạc" đã nhuốm lên màu cờ, sắc áo của đội tuyển trước khi các cầu thủ bước vào trận chung kết.

U23 VN đã không "chạm" tay đến chiếc HCV như niềm tin và kỳ vọng của người hâm mộ. Hàng triệu người hâm mộ cũng dễ dàng thông cảm và chia sẻ với các cầu thủ, rằng phải thừa nhận U.23 Thái Lan hơn hẳn ta về đẳng cấp.

Sẽ không là người chiến thắng, nếu...

Tôi đã đọc từng trang viết của bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ khi biết một số cầu thủ của U23 VN đã "mặc cả" chuyện tiền bạc trước khi vào trận chung kết.

Số tiền "ngất ngưởng" gần 10 tỷ đồng tiền thưởng của LĐBĐVN và một số nhà tài trợ treo lơ lửng trước mắt các cầu thủ. Với không ít cầu thủ thì lúc này là tiền, chứ không phải là danh dự Tổ quốc, là lợi ích quốc gia.

Một bạn đọc đã viết: "Cần phải trảm những tư tưởng chưa làm mà đã đòi tiền công. Khoác áo đội tuyển mà không đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu thì họ sẽ không bao giờ là người chiến thắng, cho dù họ có đá thắng".

Theo một bạn đọc khác: "Thật ra không ai muốn xúc phạm đến các cầu thủ, vì dù sao, họ cũng đã đổ mồ hôi, sức lực. Nhưng họ phải nhìn nhận lại chính mình và phải biết mình là ai".

Có bạn đọc lại tính chi ly số tiền thưởng 6 tỷ đồng của LĐBĐ sẽ bằng số tiền đền bù cho hơn 400.000 con gia cầm bị tiêu huỷ, bằng số tiền ấy có thể xây dựng được hơn 300 ngôi nhà tình nghĩa và đủ để nâng cấp hơn 7.000 mộ liệt sĩ đã xuống cấp...

Tất cả sự bức xúc và phẫn nộ ấy, tôi đã "trút" lên đầu cựu danh thủ quốc gia Ngô Xuân Quýnh vào lúc hơn 22 giờ đêm mùng 5/12. Ông cười buồn: "So sánh như vậy có thể nói là khập khiễng, nhưng cũng đúng thôi. Các cầu thủ cần phải biết mình là ai trong mặt bằng xã hội, khi mà thu nhập của một đầu người/năm chỉ là 500USD".

Ông muốn tìm nguyên nhân, lãnh đạo LĐBĐ phải "mổ xẻ" vấn đề, sự thật, góc khuất nằm ở đâu thì sự phán xét mới có sự công tâm. "Còn quan điểm của riêng tôi, - Ông Quýnh nói - mỗi VĐV đều là một chiến sĩ, đấu trường SEA Games cũng được coi là mặt trận. Người chiến sĩ ra trận không được phép mặc cả với Tổ quốc.

Trong chiến tranh vì sự trường tồn của Tổ quốc, có người lính nào cầm súng ra trận, khi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, lại mặc cả với Tổ quốc. Mỗi tấm huy chương đều được quý như nhau.

Nhưng nhân dân ta quá yêu bóng đá nên mới dành quá nhiều "ưu ái" cho các cầu thủ. Tôi không thể nào quên được sự hy sinh lớn lao của VĐV Như Ý.

Mẹ em mất mà người cha nén đau thương nói với HLV hãy để em thi đấu, đừng vội báo tin buồn. Để có được tấm HCV, người thân của Như Ý đã biết để nỗi đau cá nhân dưới lợi ích của quốc gia.

Nếu ai đó đặt "cái tôi" lên trên hết thì lấy ai dám hy sinh, ai làm việc khó...".

Cần phải sòng phẳng

Tôi với ông sẽ không bàn về chuyện chuyên môn hay kỹ thuật, nhưng điều mà những người yêu bóng đá rất cần được biết, đâu là nguyên nhân dẫn đến "cái tôi" quá lớn ở các cầu thủ hạng "sao".

Trong con người có hai phần, một phần là ý chí, nghị lực, phẩm chất...; một phần là bản năng, tài năng... Những năm gần đây, tôi thấy rằng khi các cầu thủ tập trung ở đội tuyển cũng như rất nhiều đội bóng thì người ta quan tâm nhiều hơn đến chuyên môn, còn dường như phần "hồn" của các cầu thủ thì bị lãng quên.

Việc các cầu thủ nghĩ gì, sống như thế nào thì được coi là chuyện riêng. Còn nhiều chuyện mà các cầu thủ "sao" làm mình làm mẩy, khiến cả HLV cũng không dám "đụng" đến khuyết điểm.

Tôi có cảm giác sự tôn trọng tài năng trong lĩnh vực bóng đá là hơi quá. Yêu chiều quá khiến các cầu thủ trẻ dễ "ngộ nhận" về tài năng của mình.

Chúng ta hãy nhìn sang nước bạn, khi đội tuyển mang về tấm HCV bóng đá, họ coi tấm HCV đó cũng như tất cả những tấm HCV mà các VĐV đã giành được, với các cầu thủ thì: "Họ còn quá trẻ để được ca ngợi, mà cần được tôi luyện nhiều hơn nữa để đóng góp nhiều cho đội tuyển, để nhắm đến mục tiêu ở cấp độ châu lục và thế giới. Muốn đuổi kịp Nhật Bản, Hàn Quốc đến năm 2014 thì còn quá nhiều việc phải làm".

Tôi còn nhớ hơn 2 năm trước, đau lắm BHL mới dám "chém" cầu thủ Như Thành vì anh ta cùng một số cầu thủ đã "bán mình cho quỷ". Chứng kiến cảnh Như Thành lầm lũi bước chân ra khỏi cổng Trung tâm HLQG 1, một quan chức của ngành thể thao đã ngậm ngùi: "Cái giá phải trả khi anh ta quay lưng lại với Tổ quốc".

Vế thứ hai mà người yêu bóng đá đặt ra là giải quyết chuyện này như thế nào?

Ai cũng biết lãnh đạo LĐBĐVN đều có mặt tại Bacolod trước khi đội tuyển bước vào trận chung kết. Và chuyện mặc cả tiền bạc của các cầu thủ thì lãnh đạo LĐBĐ ai cũng biết.

Vậy trách nhiệm của LĐBĐ đến đâu, xử lý đến đâu về chuyện "rắc rối" tiền bạc này. Nếu lãnh đạo LĐBĐ đã làm hết trách nhiệm của mình thì cần phải "sòng phẳng", nghiêm khắc với các cầu thủ đã quay lưng với Tổ quốc.

Còn nếu việc giải quyết tiền bạc không đến nơi đến chốn của lãnh đạo LĐBĐ để làm ảnh hưởng, tác động đến tinh thần thi đấu của các cầu thủ thì đó là một trong những nguyên nhân quả là đau xót.

Người yêu bóng đá đang chờ đợi tiếng nói của LĐBĐ về câu chuyện đau lòng này.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của anh Quýnh: "Mỗi cầu thủ ra sân là một chiến sĩ ...". Xem U23 Việt Nam đá chung kết SEA Games 23 với U23 Thái Lan , rất dễ nhận thấy là ta đã thua ban hẳn một cái đầu.

HÃY TỈNH TÁO nhìn nhận và hãy học theo người xưa: treo trái đắng này lên mà nhấm nháp hàng ngày để phấn đấu. Xin đừng "Dậu đổ bìm leo" tội cho các VĐV đã phải khóc tức tưởi sau tiếng còi mãn cuộc.

Cho dù có sự cố tiền bạc hay không thì tấm huy chương bạc bóng đá hôm nay là những gì đúng thực chất nhất mà U23 đã thể hiện. ..."Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là quyết định..."

Các đội bóng lớn, các đội tuyển lừng danh đã chẳng thua tan tác trước các đối thủ mà trước đó họ thắng dễ dàng chăng? Mong mọi người hãy giúp đội tuyển của ta THẮNG chứ đừng đổ lỗi vì họ THUA.

MỚI - NÓNG