Là trường đào tạo bài bản nhất môn nghệ thuật múa, nơi cung cấp nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo và đoàn biểu diễn nghệ thuật trên cả nước, Cao đẳng Múa Hà Nội có những điểm rất khác với trường đại học, cao đẳng bình thường.
Hiếm gặp học sinh, sinh viên Hà Nội ở trường Múa
Khoảng 90% học sinh, sinh viên Cao đẳng Múa Hà Nội ở các tỉnh ngoài Hà Nội. Điều này trái ngược hoàn toàn với các trường đại học, cao đẳng khác đóng trên địa bàn thủ đô.
"Ở những thành phố lớn như Hà Nội, nhiều trung tâm, câu lạc bộ múa mở ra thu hút rất đông người học, cho thấy nghệ thuật múa không hề thiếu sức hút. Nhưng nhiều phụ huynh không đồng ý cho con em theo học chuyên nghiệp vì chỉ coi đây là bộ môn năng khiếu, học để giải trí chứ không phải để lập nghiệp", thầy Nguyễn Văn Quang - Hiệu trưởng nhà trường lý giải. Cũng chính vì thế công tác tuyển sinh của nhà trường gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo số lượng và chất lượng cho mỗi kỳ tuyển sinh, nhà trường phải đến từng xã vùng sâu trên khắp cả nước tìm kiếm thí sinh. Cô Bùi Thúy Huyền - Giảng viên khoa Múa dân tộc, kể khi mới đến một địa phương làm công tác truyền thông, mọi người hào hứng tới nghe, nhưng đến lúc thu hồ sơ thì không được mấy người.
Thầy Quang giải thích, cứ nghe nói phải học 5-6 năm, tuổi nghề chỉ 10-15 năm và ra trường nhận được lương theo quy định của nhà nước với bậc cao đẳng là phụ huynh không cho con ứng tuyển.
Trường Múa nổi tiếng khắt khe trong việc lựa chọn thí sinh có năng khiếu, gương mặt sáng, hình thể đẹp, tỷ lệ cơ thể cân đối. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số tiêu chuẩn phải hạ xuống để đảm bảo tổng số lượng học sinh, sinh viên trong trường luôn ở mức hơn 300.
"Trước đây, những thí sinh cận thị hay hơi lệch vai đều bị loại khỏi vòng sơ tuyển. Nhưng giờ trường đã tạo điều kiện cho những em như vậy", cô Huyền chia sẻ và nhận định dù hạ một số tiêu chuẩn nhưng nhà trường vẫn phải về từng địa phương lựa chọn và vận động phụ huynh cho con em theo học.
Vừa mặc áo mưa, vừa nhảy để giảm cân
Nhìn hình ảnh học sinh mặc áo mưa đứng nhảy trong phòng học, nhiều người nghĩ cả thầy và trò không bình thường. Nhưng đó lại là chuyện rất thường ở trường Múa.
Với môn nghệ thuật múa, hình thể là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Tăng cân, béo đùi hay béo bụng cực kỳ tối kỵ. Để nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức giữ gìn hình thể, một số thầy cô yêu cầu các em mặc áo mưa trong khi luyện tập. Đối với học sinh, đây vừa là hình phạt, vừa là cách giảm cân hữu hiệu.
Số lượng áo mưa phụ thuộc vào cân nặng của từng học sinh. Ảnh: Mai Hương
Cô Nguyễn Thu Trang - Giảng viên ballet khẳng định: “Không thầy cô nào buộc các em ép cân, nhưng tất cả chúng tôi luôn nhắc nhở rằng hình thể đẹp là một trong những yếu tố giúp các em thành công trong nghề”. Hầu hết học sinh, sinh viên ý thức được điều đó và khi bị tăng cân, các em chấp nhận hình phạt, chấp nhận ăn kiêng để giữ hình thể.
Cân nặng được giảng viên điều chỉnh theo chiều cao và tỷ lệ cơ thể của từng học sinh. Ví dụ: Em cao 1,6m cần giữ cân nặng ở mức 45kg và phải làm sao để sau hơn 6 năm học trong trường, số cân nặng tối đa chỉ ở mức 48kg. Với giờ học của cô Trang, các em sẽ phải bước lên cân 2-3 lần một tuần.
Tú Anh, học sinh năm 2 cho biết chỉ cần tăng nửa cân là sẽ phải mặc một chiếc áo mưa để chạy quanh sân trường hoặc nhảy, cũng có lần phải mặc lồng hai chiếc. Số lượng áo mưa phụ thuộc vào số cân nặng của từng học sinh. Tú Anh cho rằng việc mặc áo mưa giúp các em đốt cháy nhiều năng lượng hơn để có hình thể đẹp chứ không phải một hình phạt nặng nề.
Ngoài việc vừa mặc áo mưa, vừa luyện tập, thầy cô có thể yêu cầu các em dọn nhà vệ sinh, chạy 10 vòng quanh sân trường hay tập những động tác sợ hãi nhất mỗi khi tăng cân.
80% học sinh Cao đẳng Múa Hà Nội ở độ tuổi 11-15. Ngoài việc học và luyện tập các môn chuyên ngành, các em tham gia lớp học văn hóa như học sinh ở các trường trung học khác. “Lịch học rất căng. Tập luyện nhiều thì không thể ăn và ngủ nhiều. Dù nhắc nhở các em ăn uống, ngủ nghỉ điều độ hàng ngày để giữ hình thể, nhưng để thực hiện thì rất khó”, cô Huyền - Giảng viên khoa Múa Dân tộc nói và nhận định dưới áp lực học tập và việc ăn ngủ thiếu điều độ, đau dạ dày là bệnh cả thầy và trò đều hay gặp phải và việc tăng cân mạnh khó có thể xảy ra.
Vị trí đứng tập xác định sự cố gắng của học sinh
Ở các trường đại học, cao đẳng, sinh viên bước vào lớp có thể chọn một vị trí tùy ý. Ở bậc trung học, giáo viên sẽ sắp xếp cho học sinh ngồi theo nhiều tiêu chí như chiều cao, thị lực. Nhưng ở trường Múa, vị trí trong lớp được sắp xếp theo năng lực và sự cố gắng của học sinh, sinh viên.
Giảng viên như người cha, người mẹ thứ hai của học sinh. Ảnh: Thanh Tâm
Với những bài biểu diễn múa, diễn viên tập đẹp nhất được đứng giữa đội hình và trong phòng tập múa cũng vậy. Như ở môn ballet, học sinh đứng chính giữa gióng tập múa ngang phòng tập là người xuất sắc. Vì vậy, bất kỳ ai bước vào phòng tập cũng có thể xác định được học sinh nào đang thể hiện tốt và bất kỳ em nào cũng cố gắng để được vào gióng giữa.
Cô Trang cho biết dù biểu diễn hay thi học kỳ, người đứng chính giữa bao giờ cũng được chú ý nhất và thường được đánh giá cao nhất. Tuy nhiên, trong quá trình tập luyện, không phải lúc nào thầy cô cũng để học sinh tốt nhất đứng gióng giữa.
"Việc sắp xếp học sinh đứng gióng giữa của tôi phụ thuộc vào sự cố gắng của các em trong tuần học. Như vậy, học sinh nào cũng có cơ hội đứng ở vị trí này dù xuất phát điểm của em đó không cao và học sinh nào cũng sẽ tự ý thức phải cố gắng vì vị trí đứng, tránh trường hợp nhiều em đứng gióng cạnh lâu ngày sẽ tự nghĩ giảng viên không quan tâm, dẫn đến trầm cảm", cô Trang chia sẻ.
Giảng viên kiêm bảo mẫu
Đa số học sinh, sinh viên lựa chọn trường Múa đều ở các tỉnh ngoài Hà Nội nên phải học tập xa nhà và sống tự lập từ rất sớm. Hiện tại, những học sinh này được sắp xếp ở ký túc xá của Bộ Văn hóa.
Thầy Quang cho biết 80% học sinh của trường dưới 15 tuổi. Việc các em 11-12 tuổi phải ở chung ký túc xá với các anh chị lớn hơn dẫn đến sinh hoạt có nhiều bất tiện. Nhiều em bị ảnh hưởng tư tưởng, nếp sống của các anh chị, thấy các anh chị yêu đương cũng bắt chước nên đôi khi việc học tập bị ảnh hưởng.
Trong điều kiện chưa có ký túc xá riêng, thầy cô, bao gồm cả những người trực tiếp hướng dẫn các em học múa và những người chỉ giữ vai trò đệm đàn cho các em tập đều là bảo mẫu nhắc nhở các em từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ đến tắm giặt và những chuyện tế nhị ở lứa tuổi dậy thì.
Diệp Anh (14 tuổi) từ Quảng Bình ra Hà Nội học coi các thầy cô trong trường như người cha, người mẹ thứ hai. "Thầy cô rất quan tâm, thậm chí còn hiểu chúng em hơn bố mẹ vì chúng em tâm sự với thầy cô hàng ngày còn bố mẹ thì cả năm mới được gặp một, hai lần", nữ sinh chia sẻ.
Chị Mai Hương, phụ huynh của một học sinh Hà Nội, chia sẻ: "Có lẽ tôi là phụ huynh đến trường nhiều nhất và tôi rất hiểu tình cảm giảng viên trong trường dành cho học sinh, sinh viên".
"Mặc dù nghề múa cho phép các con được trang điểm nhưng cô giáo con tôi luôn bắt các em không được đánh son lên lớp. Không phải vì không muốn các con đẹp mà cô muốn nhìn màu môi để phát hiện xem con bị mệt, bị sốt hay không, từ đó điều chỉnh việc tập luyện. Các thầy cô trường Múa luôn cẩn thận như vậy", chị Hương nói.