Luyện thi tốt nghiệp THPT: Như dạy tiểu học

Trước giờ làm bài thi tốt nghiệp THPT 2009 (ảnh chỉ có tính minh họa)
Trước giờ làm bài thi tốt nghiệp THPT 2009 (ảnh chỉ có tính minh họa)
TP - Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngay từ đầu năm học, nhiều trường THPT công lập của Hà Nội có điểm tuyển sinh đầu vào thấp đã tổ chức các lớp học đặc biệt nhằm vực sức học của những học sinh yếu kém. Tuy nhiên cách thức ôn tập này dường như bó tay với Sử, Địa...
Trước giờ làm bài thi tốt nghiệp THPT 2009 (ảnh chỉ có tính minh họa)
Trước giờ làm bài thi tốt nghiệp THPT 2009 (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Phạm Yên

Từ mốc 0

Nguyễn T.H. là một trong những học sinh được xem là học yếu nhất lớp 12A4 trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) năm học 2009 – 2010. Nhìn vào điểm số các môn học của T.H, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A4 e ngại rằng em sẽ là một trong những học sinh có nguy cơ cao trượt tốt nghiệp năm nay.

T.H không phải là trường hợp đặc biệt. Trong 11 lớp 12 của trường Hoàng Văn Thụ, hầu như lớp nào cũng có dăm ba em lực học yếu tương tự. Sau khi ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 họp bàn với các phụ huynh có con học lớp 12 của trường, một lớp học đặc biệt được thành lập.

“Học sinh của lớp này là những em học yếu tất cả các môn. Chi đoàn giáo viên nhận trách nhiệm phân công người dạy. Tiêu chuẩn để được dạy lớp này là tự nguyện, kiên trì và có phương pháp cũng như trình độ chuyên môn tốt.

Vì không thu tiền của học sinh nên chúng tôi định lấy kinh phí nhà trường trả cho các giáo viên. Tuy nhiên các thầy cô giáo bày tỏ với nhà trường là họ muốn dạy hoàn toàn không công cho các em”, cô giáo Nguyễn Thị Phấn, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết.

Lớp học có 45 học sinh. Buổi sáng các em ngồi học ở lớp học chính khóa, chiều các em ngồi cùng nhau (3 buổi/ tuần) trong lớp học đặc biệt. Cô giáo Mai Hương (dạy Hoá 12A4 và 12A9) được phân công làm chủ nhiệm lớp này.

“Những buổi đầu tiên dạy lớp học đặc biệt chúng tôi đều thấy mệt, một số người cảm thấy nản vì các em vừa hổng kiến thức, vừa lười. Như môn của tôi chẳng hạn, hầu hết các em dường như chưa bao giờ biết làm bài tập. Giáo viên gần như phải theo sát để cầm tay chỉ việc cho từng em, làm bài tập phải theo các bước thế nào, trình bày ra sao.v.v... Nhưng giờ đây thì tôi tự thấy có thể thở phào nhẹ nhõm”, cô Mai Hương chia sẻ.

Được biết, hôm 24-5, tại tiết học Hoá chính khoá của lớp 12A4, khi được cô giáo giao cho một bài tập, em T.H đã trả lời được 32/40 câu (tương đương mức 8 điểm). “Dù có thể em T.H gặp may nhưng đó vẫn là một thành tựu vượt bậc với em ấy bởi xuất phát điểm của em gần như là con số 0”, cô Mai Hương nhận xét. Một học sinh khác của lớp 12A4 (Lê Đ.H) là thành viên lớp đặc biệt cũng làm được 24 câu (tương đương 6 điểm).

Dạy lớp 12 như dạy tiểu học

Mô hình lớp học đặc biệt đã được trường Hoàng Văn Thụ cũng như một số trường THPT công lập có điểm chuẩn đầu vào thấp áp dụng thành công từ nhiều năm nay như THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng); THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân); THPT Trương Định.v.v...

Chị L.T (ngõ Giếng Mứt, phố Bạch Mai, Hà Nội), một cựu phụ huynh trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng) nhớ lại: “Tôi đã từng nghĩ rằng con mình sẽ trượt tốt nghiệp khi thấy kết quả học kỳ I năm lớp 12 của cháu rặt điểm 3 điểm 4. Nhờ được học lớp chọn ngược do trường tổ chức mà con tôi cũng đã đỗ tốt nghiệp năm 2007 dù đó là năm coi thi rất gắt gao”.

Năm nay trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng) tiếp tục chọn ra những em học sinh học kém nhất của khối 12 để tổ chức 6 lớp cho các môn Toán, Văn, Hoá, tiếng Anh (30 học sinh/ lớp).

Tuy nhiên, theo nhiều hiệu trưởng thì lớp học đặc biệt có thể hiệu quả với một số môn đòi hỏi phải tính toán, phân tích, hoặc cần được rèn luyện kỹ năng làm bài như Toán, Văn, Hoá, tiếng Anh. Còn với các môn Sử, Địa, việc tổ chức lớp học đặc biệt chỉ làm mất thời gian của thầy và trò.

Cán bộ quản lý một trường THPT chia sẻ: “Đây là hai môn học đòi hỏi học sinh phải nhớ được một khối lượng kiến thức đã học trong suốt một năm học nên một vài tiết học chung trên lớp không giúp gì mấy học sinh. Buổi học thành buổi truy bài và nếu thế thì chỉ cần các buổi học chính khoá là đủ”.

Điều lo ngại của nhiều giáo viên dạy Sử, Địa, các trường THPT là nhiều học sinh có thái độ “giơ tay hàng” hai môn này ngay từ khi chưa học. Ngay cả việc giáo viên yêu cầu học sinh làm đề cương các em cũng không thực hiện. Nhiều trường chỉ đạo cho tổ chuyên soạn luôn đề cương chi tiết rồi phát cho học sinh. Đến tiết học chính khoá, giáo viên gạch các ý chính của từng bài học lên bảng, sau đó yêu cầu học sinh nêu tiếp các chi tiết cụ thể (có sẵn trong tài liệu).

“Dạy học sinh lớp 12 mà cứ như dạy học sinh tiểu học, chỉ thiếu nước giáo viên xướng lên từng câu cho học sinh đọc ê a theo! Tuy nhiên đó là cách duy nhất buộc các em phải nhớ đến các nội dung đã được học. Các em học trước quên sau nên chúng tôi thấy chán nhưng không thể bỏ cuộc”, một giáo viên phàn nàn.

Dù việc chuẩn bị cho kỳ thi với các môn Sử, Địa chưa tìm được phương thức tốt nhất nhưng nhìn chung các hiệu trưởng vẫn tỏ ra lạc quan. “Đợt thi thử gần đây nhất trường tôi có 80% học sinh đạt từ 30 điểm thi trở lên cho 6 môn. Điểm xét tốt nghiệp bao gồm điểm thi và điểm khuyến khích. Hy vọng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thực tế của trường tôi sẽ cao hơn”, thầy Nguyễn Quốc Thắng, hiệu trưởng trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng) nói.

MỚI - NÓNG