Luyện thi đại học bằng trí tuệ nhân tạo: Xu hướng mới ở Trung Quốc

AI có thể hỗ trợ học sinh tốt hơn giáo viên truyền thống.
AI có thể hỗ trợ học sinh tốt hơn giáo viên truyền thống.
Nhiều công ty đang muốn đưa trí thông minh nhân tạo vào các lớp học, luyện thi để tăng cường hệ thống giáo dục hiện nay.

Ở Trung Quốc, phần lớn phụ huynh tin rằng vào được một trường đại học tốt là sự đảm bảo chắc chắn cho cuộc sống thành công sau này. Đó cũng là lý do khiến họ chấp nhận tốn kém và bỏ ra không ít nỗ lực để chuẩn bị cho con cái mình trước các kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm. Tuy nhiên giờ đây, thay vì phù thuộc vào khả năng giúp đỡ của các giáo viên, nhiều bậc phụ huynh đang dần tin tưởng hơn vào sự hỗ trợ của các robot.

Theo SCMP, Yixue Education là một trong số các công ty phần mềm đang phát triển mạnh ở lĩnh vực này. Theo chia sẻ của người đồng sáng lập công ty Li Haoyang, người máy "giúp học sinh hiểu bản thân mình một cách tốt hơn".

Hồi tháng 10 vừa qua, trong một cuộc cạnh so tài thực tế giữa phần mềm giả lập trí tuệ nhân tạo của Yixue và các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy trung bình 17 năm, những cỗ máy đã cho thấy chúng có khả năng cải thiện điểm kiểm tra tốt hơn một cách đáng kể so với con người. Nó được tổ chức dưới dạng một cuộc thi tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam với 78 học sinh, dưới sự giám sát của văn phòng giáo dục địa phương và công ty phân tích Internet iResearch.

"Cách giảng dạy truyền thống trong các lớp học mang lại hiệu quả rất thấp vì điểm yếu của mỗi học sinh là khác nhau", ông Li chia sẻ. "Nhiều sinh viên lãng phí thời gian học lại các kiến thức mà họ đã nắm vững, bởi vì giáo viên muốn truyền đạt nó tới những người chưa biết rõ điều đó. Nhưng ngay cả như vậy, những người học chậm hơn vẫn có thể bị bỏ lại vì giáo viên không thể dành đủ thời gian để giúp đỡ họ".

Theo ông, phương pháp học tập mà Yixue sử dụng cho AI là xác định điểm yếu của từng học sinh, sau đó điều chỉnh việc dạy kèm để củng cố các nội dung này. Và phần mềm này đang hướng tới việc phục vụ học sinh từ cấp tiểu học đến trung học. Công ty cũng dự định sẽ giới thiệu cho các sinh viên đại học vào năm tới.

Yixue chỉ là một trong các doanh nghiệp mới đang cạnh tranh và tranh giành nhau miếng bánh thị phần hấp dẫn trong ngành công nghiệp giáo dục trực tuyến của Trung Quốc, được iResearch dự đoán sẽ tăng hơn 70% so với năm ngoái lên 269,26 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41 tỷ USD) trong năm 2019. Hiện có khá nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo khác ở Trung Quốc sử dụng AI, bao gồm cả việc dạy các ngôn ngữ như tiếng Anh.

Sau 4 ngày tập luyện chuyên sâu, các học sinh sử dụng phần mềm của Yixue đã cho thấy điểm kiểm tra môn toán tăng trung bình 36,13 điểm, so với 26,18 điểm từ các học viên được giáo viên dạy kèm. Hà Nam, địa phương được chọn để tổ chức bài kiểm tra, là tỉnh có tỷ lệ cạnh tranh thi vào các trường đại học cao nhất Trung Quốc. Năm 2017, trên 860.000 người tham gia kỳ thi đại học nhưng chỉ có 10% vào được các trường đại học "trọng điểm", tỷ lệ thấp nhất cả nước.

Luyện thi đại học bằng trí tuệ nhân tạo: Xu hướng mới ở Trung Quốc ảnh 1

Luyện thi đại học ở Trung Quốc. Ảnh: Beijing Cream.

Ông Li cho biết công ty đã nhận được 270 triệu nhân dân tệ (khoảng 41 triệu USD) vốn tài trợ vào giữa năm 2017 và bước tiếp theo là mở rộng sang thị trường Hong Kong và Đài Loan, sau đó là Đông Nam Á và cuối cùng là châu Âu và Mỹ. Ông khẳng định phần mềm này có thể thích ứng với sinh viên trên toàn thế giới bất kể ngôn ngữ nào.

Khách hàng của công ty hiện có hơn 100.000 người dùng trả tiền, với khoảng 10.000 chi tiêu trên 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.500 USD). Một số học sinh có thể chi tới 50.000 nhân dân tệ khi tham gia nhiều khóa học. Tỷ suất lợi nhuận gộp hiện ở mức khoảng 80% đến 90%.

Yixue gần đây đã liên hệ với Hanson Robotics, công ty đằng sau dự án robot được cấp quyền công dân Sophia Humanaid, nhằm tạo ra những robot trông giống con người để tương tác tốt hơn với người dùng.

"Những đứa trẻ thực sự phải đối mặt với rất nhiều khó khăn", Li nói. "Bằng cách xây dựng hệ thống này, tôi hy vọng có thể giải phóng bớt áp lực cho chúng".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG