Lũy xanh biên thùy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mưa xuân lất phất giăng đầy trên cành mai, cành mận làm cảnh sắc nơi xứ Lạng thêm trữ tình, lãng mạn. Theo chân những người lính Biên phòng Ba Sơn (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đi tuần tra biên giới, tôi bắt gặp những rặng tre ngút ngàn, trải dài theo dải biên cương mà thấy tim mình trào dâng niềm kiêu hãnh khó tả.
Lũy xanh biên thùy ảnh 1
Trung tá Đặng Hùng Cường (bìa phải) nhận hoa chúc mừng mô hình “Lũy tre biên giới Việt” từ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ảnh: Duy Chiến

Thế trận lòng dân

Chúng tôi ngược dốc đi theo 1.500 bậc thang lên cột mốc mang số hiệu 1211 lồng lộng gió thuộc xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc. Từ đây, phóng tầm mắt xuống sườn đồi nhấp nhô, thấp thoáng những ngôi nhà trình tường của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao sinh sống, bám trụ giáp biên giới Việt- Trung. Nơi đây vẫn nguyên vẹn bản sắc cổ kính, chất phác giữa thiên nhiên hoang sơ, đẹp như tranh vẽ.

Theo Trung tá Đặng Hùng Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Sơn, những lần đi kiểm tra đường biên, mốc giới, trong anh lại nhớ về một thuở oanh liệt của Khu du kích Ba Sơn đánh thắng giặc Pháp, giành lại quê hương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), Khu du kích Ba Sơn là căn cứ địa quan trọng ở xứ Lạng…

“Bằng mưu trí, gan dạ, dũng cảm, lợi dụng địa hình, địa vật, quân dân địa phương đã làm bạt vía quân thù. Tiêu biểu vào chiều 5/3/1949, hơn 100 tên địch trong đồn Ba Sơn đã xin đầu hàng, quân ta hoàn toàn làm chủ Đồn Nà Phia, giải phóng toàn bộ khu vực”… Tư liệu lịch sử như cuốn phim quay chậm ấy làm mỗi cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Ba Sơn tự hào, học tập, noi theo. Và từ đây, ý tưởng xây dựng phòng tuyến biên giới mềm nảy sinh”, Trung tá Cường chia sẻ.

Đồn trưởng Biên Phòng Ba Sơn lập tức triệu tập cuộc họp Ban chỉ huy để bàn thảo, triển khai xây dựng “Lũy tre biên giới”. Ý tưởng này được cán bộ, chiến sỹ ủng hộ nhiệt tình vì xưa nay cây tre đã thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam. Việc trồng tre dọc theo biên giới sẽ tạo thành một hàng rào biên giới “mềm”, vừa khẳng định chủ quyền lãnh thổ, vừa đem lại thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân từ việc khai thác măng.

Lũy xanh biên thùy ảnh 2
Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn tặng tre cho dân bản giáp biên. Ảnh: Duy Chiến

Trung tá Cường tâm sự, với hơn 41km đường biên và 57 cột mốc, Đồn Biên phòng Ba Sơn là đơn vị quản lý tuyến biên giới dài nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Địa hình khó khăn hiểm trở, đa phần là người dân tộc thiểu số sinh sống, hạn chế về nhận thức nên đời sống còn khó khăn, tình hình an ninh trật tự phức tạp, có đối tượng nghiện hút…

Ban Chỉ huy Đồn Biên Phòng xác định phải đoàn kết nhân dân tạo sinh kế vững bền và kế hoạch có tên gọi “Biên giới lòng dân vững bền mãi mãi”, trong đó chương trình “Lũy tre biên giới Việt” là trọng tâm nhanh chóng thực hiện. Lực lượng Biên phòng tham mưu và phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương kêu gọi toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và đường biên giới, mốc chủ quyền được giao cho các hộ gia đình, các cụm dân cư tự quản. Đặc biệt, khuyến khích người dân tự giác làm chủ, tham gia phát triển kinh tế- xã hội cùng địa phương.

“Với mô hình này, chúng tôi vừa giúp bà con tận dụng các vị trí đất trống để trồng tre lấy măng phát triển kinh tế gia đình, vừa bảo vệ môi trường sinh thái lại tạo ra hàng rào mềm, phục vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”.

Trung tá Đặng Hùng Cường,

Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Sơn

Chung sức, đồng lòng

Trong cuộc họp triển khai “Lũy tre biên giới Việt”, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên Phòng Ba Sơn nhận thấy giống tre Bát Độ lấy măng dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết trên địa bàn. Thêm nữa, chi phí trồng, chăm sóc cây tre không cao, thời gian cây trưởng thành và cho thu hoạch măng khoảng 2 năm, mang lại giá trị kinh tế…

“Chúng tôi lựa chọn kỹ lưỡng giống tre Bát Độ từ vùng đất Phú Thọ và mang về trồng thử nghiệm. Trước khi trao tặng cây tre giống đến tay người dân, cán bộ Biên phòng đi địa bàn nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc, sau đó hướng dẫn lại cho bà con. Để có kinh phí thực hiện công việc, đơn vị vận động xã hội hóa, đề nghị cấp ủy, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp vào cuộc, chung tay giúp sức.

Đợt đầu 3.500 cây tre được giao cho Chi hội Cựu chiến binh hai thôn Tẩu Lìn (xã Xuất Lễ), thôn Sông Danh (xã Cao Lâu) và 16 hộ gia đình có đất đồi rừng sát biên giới quản lý. Tre đã được trồng trên tuyến dài gần 6 km từ cột mốc 1189 đến 1195. Từ mô hình này, Đồn Biên phòng tiếp tục trao tặng 6.300 cây tre giống cho người dân đỉnh núi Mẫu Sơn, xã Cao Lâu, tạo nên tinh thần sôi nổi, rộng khắp. Đến nay Đồn Biên phòng đã giao 52 hộ tự quản đường biên, mốc giới…”, Trung tá Cường phấn khởi giới thiệu

Lũy xanh biên thùy ảnh 3
Đoàn thanh niên tham gia trồng tre biên giới. Ảnh: Duy Chiến

Tôi thấy những hàng tre thẳng đứng vươn lên trên trời cao trên sườn non trập trùng và cảm phục tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” của đồng bào và chiến sỹ nơi đây. Để có những khóm tre xanh tươi, Bộ đội cùng người dân phải gánh bộ lên non cao. Thời tiết khắc nghiệt thường có sương giá, băng tuyết nhưng không ai chùn bước lên núi trồng cây, chăm sóc, phát cỏ.

Tối gặp ông Hoàng Văn Tùng, 50 tuổi, dân tộc Tày, trú tại thôn Bản Vàng, xã Cao Lâu đang đi đến khu vực cột mốc 1186/1. Ông Tùng cho biết, mỗi ngày gia đình đều cử người lên nương rẫy, đến trông nom rặng tre được Bộ đội giao cho gia đình từ đầu năm 2023. Ngoài việc phát triển kinh tế, ông và người dân địa phương trong quá trình lên biên giới phát hiện dấu hiệu bất thường, người vượt biên trái phép kịp thời báo cho Đồn Biên phòng Ba Sơn phối hợp xử lý.

“Nhà tôi có khoảng 10 héc ta đất rừng sát biên giới. Trước đây, chúng tôi chỉ làm nương, rẫy trồng khoai mì không đủ ăn. Bây giờ được Bộ đội Biên phòng tặng 200 cây tre, khi mới trồng cây chỉ cao độ 40-50 cm, bây giờ đã lớn trên 1 mét, xanh tốt. Hy vọng hai năm sau gia đình sẽ được thu hoạch măng. Thêm nữa từ cây tre, chúng tôi dự kiến tổ chức cho con cháu đan lát, làm rổ, rá, làn… mang bán ở các chợ phiên”, ông Tùng phấn khởi bày tỏ dự định tương lai.

“Lũy tre biên giới Việt” của đồn Biên phòng Ba Sơn đã được Trung ương lựa chọn là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được tôn vinh trong chương trình “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng năm 2023”.

Từ điểm tựa biên giới, chúng tôi thấy sự bình yên. Và bên kia biên giới, phía bạn đã xây dựng tuyến hàng rào dây thép gai kiên cố, vững chãi nhằm chống buôn lậu và xuất nhập cảnh trái phép. Còn ta, hàng tre mềm mại, xanh ngắt như những người lính mang quân hàm xanh kiên trung. Lũy xanh đảm bảo che chắn biên giới rất tốt, tạo thế phòng thủ, tác chiến, tăng cường cho công tác bảo vệ đường biên vững chắc.

“Việc triển khai mô hình Lũy tre biên giới Việt không chỉ hình thành một vành đai xanh trên tuyến biên giới mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân địa phương, tích cực giúp đỡ các cán bộ chiến sỹ Biên phòng trong việc gìn giữ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Qua đó, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cho đơn vị và tạo hàng rào mềm độc đáo trên biên giới”, Trung tá Đặng Hùng Cường nói.

MỚI - NÓNG