Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã thành lập ngân hàng máu cuống rốn cộng động đồng. Ngân hàng tại Viện lưu giữ miễn phí máu cuống rốn từ dây rốn của các sản phụ sau sinh.
“Máu dây rốn là nguyên liệu ban đầu để tách lấy tế bào gốc máu cuống rốn. Tế bào gốc này được sử dụng cho các trường hợp bị bệnh ác tính hệ tạo máu có chỉ định ghép tế bào gốc”, GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết.
Theo chuyên gia, các dây rốn này được lựa chọn rất kỹ lưỡng. Hằng ngày các kỹ thuật viên của Viện sẽ trực tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, lựa chọn 3 dây rốn chất lượng nhất từ hơn 100 ca sinh tại mỗi ngày.
“Nguyên liệu” này được thu giữ với sự chấp thuận của sản phụ đồng ý hiến tặng cho ngân hàng lưu trữ, sử dụng. “Nếu không có ngân hàng lưu giữ, các dây rốn này cũng bỏ đi. Tuy nhiên với ứng dụng công nghệ cao, máu cuống rốn đó đã trở thành sản phẩm cung cấp tế bào gốc giúp điều trị các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo”, GS-TS Nguyễn Anh Trí cho biết.
Theo chuyên gia, dây rốn tốt sẽ thu được nhiều máu, từ đó tách chiết lấy tế bào gốc để dành cho điều trị bệnh nhân bị ung thư máu có chỉ định ghép tế bào gốc. Chi phí xử lý một dây rốn thành phẩm cho điều trị khoảng 15 - 20 triệu đồng.
Tế bào gốc từ máu dây rốn của các sản phụ được lưu giữ miễn phí tại ngân hàng có thể đảm bảo được chất lượng trong 15 - 17 năm. Viện sẽ sử dụng tế bào gốc này ghép cho các bệnh nhân bị ung thư máu có chỉ định ghép và các chỉ số phù hợp.
“Đặc biệt, trong trường hợp người hiến dây rốn cần tế bào gốc để điều trị bệnh cho bản thân hoặc người thân sẽ được tiếp nhận trở lại tế bào gốc của mình từ ngân hàng lưu trữ mà không phải trả một khoản phí nào”, GS-TS Nguyễn Anh Trí khẳng định.
Theo ThS Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh ác tính hệ tạo máu đã được ứng dụng thành công tại Viện.
Để ghép tế bào gốc, có thể lấy từ nguồn hiến là người thân, nhưng việc này rất khó khăn bởi người phù hợp không phải lúc nào cũng đủ điều kiện sức khỏe cho phép thực hiện hiến tế bào gốc (lấy từ tủy xương). Với nguồn tế bào gốc do ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn cộng đồng cung cấp cũng có thể đủ điều kiện cho ghép trên người bệnh không cùng huyết thống. Bởi vì ghép tế bào gốc trong cùng chủng tộc thì cũng có một tỷ lệ phù hợp.
Theo GS-TS Nguyễn Anh Trí, ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn đã được áp dụng rất tốt tại Nhật Bản. Tại đây thường xuyên có 3.000 mẫu lưu giữ, mỗi tháng cung cấp được khoảng 10 mẫu tế bào gốc dây rốn phù hợp với các ca bệnh có chỉ định ghép tế bào gốc.
ThS Bạch Quốc Khánh cho biết ghép tế bào gốc đồng loại là phương pháp điều trị nhằm phục hồi lại tủy xương của bệnh nhân. Tế bào gốc của người cho sẽ đi đến tủy xương của bệnh nhân và sản xuất các tế bào máu mới cho bệnh nhân.
Tỷ lệ thành công chung cho ghép tế bào gốc trên bệnh nhân bị bệnh ác tính hệ tạo máu đạt khoảng 70%. Đã có 9 bệnh nhân được ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại, trong đó có những bệnh nhân đã lui bệnh hoàn toàn và trở về với cuộc sống bình thường.