Giá sữa ngoại ở Việt Nam cao nhất thế giới:

Lương tâm doanh nghiệp ở đâu?

Lương tâm doanh nghiệp ở đâu?
TP - Chủ nhiệm một CLB người tiêu dùng thốt lên, tìm siêu lợi nhuận với sữa – thứ thực phẩm thiết yếu cho sức khỏe con người từ trong bào thai đến bệnh nhân, người già – thì lương tâm doanh nghiệp ở đâu, trách nhiệm xã hội ở đâu.

Hôm qua đã diễn ra hội thảo “Người tiêu dùng chọn sữa thông minh”.

Đắt do quảng cáo, tiếp thị và tâm lý sính ngoại

TS Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nêu lại thực tế, chính tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng hàng ngoại nhập đắt tiền và tâm lý hàng đắt tiền luôn là hàng tốt của người Việt Nam đã ảnh hưởng đến giá cả thị trường sữa.

Người tiêu dùng cần liên kết để bảo vệ mình

“Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm CLB Người tiêu dùng Nữ: Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến cho rằng, mấu chốt của việc giá sữa Việt Nam quá đắt là do các công ty hưởng siêu lợi nhuận.

Sản xuất kinh doanh cần có lợi nhuận, nhưng siêu lợi nhuận với mặt hàng sữa, thực phẩm thiết yếu cho sức khỏe con người từ trong bào thai đến những bệnh nhân, người già, thì lương tâm của các doanh nghiệp ở đâu? Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở đâu?.

Việt Nam xếp vào nhóm quốc gia nghèo nhất thế giới, một đất nước còn đang phát triển, không thể để tình trạng “người tiêu dùng gánh giá sữa, doanh nghiệp thu lợi nhuận” kéo dài mãi được.

Đã đến lúc người tiêu dùng Việt Nam cần liên kết lại, tìm ra những mô hình để bảo vệ quyền lợi của mình. Tại Nhật Bản từng thành lập các CLB Seikatsu với thành viên là những phụ nữ đang nuôi con.

CLB này đã gây sức ép buộc các hãng sữa phải cùng hợp tác để đưa ra các sản phẩm sữa an toàn, giá cả hợp lý”.      

Từ năm 2007 đến nay, sữa liên tục tăng giá, đặc biệt là sữa ngoại. Một điều không bình thường là giá sữa nguyên liệu thế giới hiện đã giảm 40 phần trăm so với năm 2008 và giảm 60 phần trăm so với năm 2007, nhưng giá sữa trong nước lại chỉ có tăng và tăng.

Một thông tin rất đáng lưu ý, số tiền khổng lồ mà các công ty sữa tung ra để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm. Tại Việt Nam năm 2008, các nhãn sữa ngoại đã chi khoảng 30 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình và 60- 70 triệu USD cho các hoạt động PR, hội thảo khoa học, hoa hồng tiếp thị…

Chính vì vậy, thị phần sữa bột ngoại đã chiếm hơn 80 phần trăm, trong đó riêng hãng Abbott chiếm tới 30 phần trăm thị phần.

Theo tiết lộ của một nhà phân phối sữa, đối tượng nhắm tới của các hãng sữa ngoại là các bệnh viện sản và lão khoa. Với số tiền hoa hồng lớn, không bị khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, các hãng sữa nước ngoài sẵn sàng chi đậm cho các bác sỹ sản, chuyên gia dinh dưỡng để kê các loại sữa ngoại đắt tiền cho những em bé sơ sinh mà mẹ thiếu sữa và những người bệnh, người già.

Khi bé đã dùng quen một loại sữa thì các bà mẹ đành lòng thắt lưng buộc bụng để mua sữa ngoại giá cao về cho trẻ. Thực tế, không phải người giàu mới mua sữa đắt tiền, mà các bà mẹ mặc dù đời sống còn rất khó khăn cũng sẵn sàng chắt bóp để mua sữa ngoại cho con. Chính vì tâm lý này của người Việt mà các hãng sữa bột ngoại đang làm mưa làm gió trên thị trường.

Sữa ngoại chưa hẳn tốt cho trẻ em Việt

Lương tâm doanh nghiệp ở đâu? ảnh 1
Theo một nghiên cứu, sữa ngoại chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh

TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định, kết quả nghiên cứu lâm sàng trên 560 trẻ em nhằm so sánh hiệu quả của công thức sữa nội với công thức sữa ngoại cho thấy, nhóm trẻ sử dụng sữa nội phát triển tương đương về mặt chiều cao và phát triển hiệu quả hơn về mặt cân nặng so với sữa ngoại.

Điều này minh chứng, sữa ngoại có thể tốt cho trẻ em nước ngoài, nhưng chưa chắc đã phù hợp hoàn toàn cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam.

Phó tổng Giám đốc Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) Trần Bảo Minh cho biết, sữa tươi mới là sữa tốt nhất. Tại Mỹ, Chính phủ quy định, loại sữa bò tốt nhất sẽ được chế biến thành sữa tươi. Sữa loại hai chế biến làm bơ, pho mát, sữa chua. Sữa loại ba được chế biến làm sữa bột và xuất khẩu sang nước thứ ba. 

Như vậy, sữa bột là sữa hạng ba ở các nước này, khi về Việt Nam giá được đẩy lên gấp 3- 4 lần giá thành.

Các hãng sữa ngoại đang dựa vào việc chưa có những nghiên cứu cụ thể về các chất bổ sung như DHA, ARA để quảng cáo quá mức chất lượng sữa. Một hãng sữa vừa quảng cáo tăng thêm ba lần DHA thì hãng khác ngay lập tức đưa ra thông tin đã bổ sung thêm năm lần DHA.

“Vinamilk hoàn toàn có thể bổ sung thêm sáu lần DHA, tuy nhiên chúng tôi không làm như vậy. Quan điểm của công ty là phải tìm ra công thức sữa phù hợp nhất với tố chất của trẻ em Việt Nam chứ không phải chạy theo các hãng sữa ngoại giá cao ngất ngưởng”-   Ông Minh nói.

Quảng cáo sữa khiến các bà mẹ lầm tưởng rằng DHA và ARA chỉ có trong sữa, rằng chỉ có uống sữa ngoại con mình mới thành thần đồng.

Cần làm rõ vì sao giá sữa Việt Nam đắt nhất thế giới

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam:

Giá sữa Việt Nam cao không phải do các kênh phân phối. Theo khảo sát từ các doanh nghiệp phân phối, lợi nhuận qua bán lẻ tối đa cũng chỉ được 12 phần trăm. Thậm chí đối với sữa bột nhập khẩu, một hộp sữa, nhà bán lẻ chỉ được 10.000 đồng.

Mấu chốt của việc giá sữa tại Việt Nam quá đắt là do các công ty sản xuất, nhập khẩu hưởng siêu lợi nhuận. Do vậy, cần có ngay các cuộc nghiên cứu thị trường toàn diện từ sản xuất/nhập khẩu- phân phối- bán lẻ, từ đó, làm rõ mức lợi nhuận của doanh nghiệp là bao nhiêu.

Con số lợi nhuận từ 22- 86 phần trăm là mức chênh lệch quá lớn giữa các loại sữa bột. Chúng ta không thể chậm trễ trong việc làm rõ vì sao giá sữa tại Việt Nam lại đắt nhất thế giới.

MỚI - NÓNG