Nhiều lúc tôi nghĩ nếu không có trend, thì thời gian một ngày, một tuần của số đông chúng ta trôi đi bằng cách nào? Nhưng nay thì toàn thế giới đang bội thực trend. Từ đòn thuế, trừng phạt thương mại, phỉ báng nhau để bảo vệ thần tượng chính trị, đến những màn quảng cáo láo bán hàng hóa, thuốc men giả của vô số các idol, các kols, “chiến thần”. Đến nỗi u mê dai dẳng sùng tín những hiện tượng mạng... Thời gian vật chất vốn dành cho sản xuất và tư duy xã hội, cho sách vở, nghệ thuật nay bị tiêu tốn vào những ồn ào tranh cãi thị phi không hồi kết.
Chúng ta đang bị thời đại cuốn đi mà khó đảm bảo cho mình quyền tự quyết, mang theo một tâm thế lưỡng lự. Giữa thói say mê hóng hớt, soi mói vào mọi nơi, mọi xó, mọi sự riêng tư của người khác. Nhưng lại sợ cuộc sống, suy nghĩ bản thân mình bị giám sát và bóc trần bởi mạng xã hội và các thuật toán AI. Chúng ta thừa nhận tính đặc hiệu của cơ chế giám sát bằng công nghệ giúp giải quyết và xử lý nhanh chóng, chính xác những hành vi vi phạm pháp luật, những sự việc/hiện tượng sai trái trong xã hội. Nhưng chúng ta cũng luôn muốn thoát xa mọi ống kính camera để được an yên với thế giới riêng mình. Để đến lúc phải thừa nhận một sự thật cay đắng, rằng khả năng thoát khỏi những “máy soi sự thật” (chữ của Yuval Noah Harari) - là mạng xã hội và AI, là không thể.
Trong cuốn sách mới nhất của mình “Nexus: Lược sử của những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ nhân tạo”, Yuval Noah Harari mơ ước mỗi mạng lưới thông tin của con người cần làm đồng thời hai việc: Khám phá sự thật và thiết lập trật tự. Nhưng rồi ông cũng phải thừa nhận "Lịch sử của những mạng lưới thông tin của con người là những bước đi hồi hộp trên dây xiếc, cố cân bằng giữa sự thật với trật tự. Và cho đến thế kỷ 21, chúng ta vẫn không khá khẩm hơn tổ tiên Thời đại Đồ đá trong việc tìm kiếm một điểm cân bằng phù hợp... Việc tăng tốc độ và hiệu suất của công nghệ thông tin một cách đơn thuần chưa chắc đã biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn".
Máy tính hoạt động không bao giờ nghỉ, sẽ đẩy con người sinh học vốn có nhu cầu nghỉ ngơi “đến một kiểu tồn tại mới, mà ở đó chúng ta luôn phải kết nối và luôn bị theo dõi”.
Rối loạn lưỡng cực là tên gọi căn bệnh rối loạn tâm thần/trầm cảm của con người. AI có rối loạn lưỡng cực không? Không, bởi AI không có cảm xúc như con người. Có, bởi tính hai mặt của nó. Vừa hỗ trợ con người mở ra những khả năng chưa từng có, nhưng cũng đồng thời “lột trần” và thao túng chính họ.