Lùm xùm cấp phép nhà 4 tầng hầm ở Hà Nội: Khoảng trống pháp lý

Công trình 5 tầng nổi và 4 tầng hầm nằm đối diện tòa nhà 8B Lê Trực
Công trình 5 tầng nổi và 4 tầng hầm nằm đối diện tòa nhà 8B Lê Trực
TP - Công trình nhà ở riêng lẻ tại ngõ 15 phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình 5 tầng nổi nhưng có tới 4 tầng hầm đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận chưa có quy hoạch không gian ngầm nên “khó khăn trong quản lý cấp phép”.

Mới đây, các hộ dân ở khu ngõ 15 phố Sơn Tây (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) phản ánh đến báo chí và cơ quan chức năng về việc UBND quận Ba Đình cấp GPXD “lạ” đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại lô đất B3 (phía Nam số 13 Sơn Tây, nay là số 1 ngõ 15 Sơn Tây).

Cụ thể, ngày 24/9/2019, ông Tạ Nam Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (hiện là Chủ tịch UBND quận Ba Đình) đã ký GPXD số 447 cho công trình “nhà ở riêng lẻ” tại thửa đất lô B3 (diện tích 311,7m2) cho ông Lê Công và bà Lương Thị Lan Anh.

Ban đầu GPXD công trình cao 5 tầng + 1 tầng hầm, với chiều cao công trình tính từ cốt hè phố Trần Phú đến mái công trình là 19,35m (tổng diện tích sàn xây dựng là 1.420 m). Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng (ngày 19/12/2019), ông Tạ Nam Chiến đã cấp GPXD số 617, điều chỉnh nội dung của GPXD số 447 (lần 1).

Tại GPXD lần này công trình được cấp phép tới 4 tầng hầm (thêm 3 tầng hầm so với 1 tầng hầm ban đầu- PV), tổng diện tích sàn xây dựng điều chỉnh lên tới 2.223,1m2 (trong đó riêng tổng diện tích sàn tầng hầm lên đến 1.070,8m2, chiếm gần một nửa diện tích công trình).

Theo đại diện hộ dân có đơn thư, việc cấp phép đến 4 tầng hầm tại khu dân cư đông đúc khiến nền đất xung quanh bị ảnh hưởng, từ các công trình hạ tầng đến nhà dân xung quanh. 

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện UBND quận Ba Đình cho biết, 4 tầng hầm này sau khi điều chỉnh có công năng sử dụng gồm: để xe ô tô, xe máy, hệ thống kỹ thuật và kho chứa. Chiều cao các tầng hầm đều là 3,3m, phù hợp với Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 2004 và văn bản số 4174 của UBND Thành phố Hà Nội.

Ông Bùi Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cũng đã có văn bản trả lời đơn thư của các hộ dân. Theo đó, căn cứ văn bản số 4174/UBND-ĐT năm 2017 của UBND TP Hà Nội về việc “Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn”, đã nêu: “Các công trình nhà dân thuộc nhóm các dự án khuyến khích xây dựng bổ sung thêm diện tích tầng hầm (phải đảm bảo đáp ứng đủ chỗ đỗ xe cho nhu cầu của bản thân công trình).

Đơn vị này dẫn chứng, theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2004 “Nhà ở cao tầng - tiêu chuẩn thiết kế” thì tầng hầm có thể được sử dụng làm tầng kỹ thuật, chỗ để xe, bố trí tủ điện và máy bơm nước cho tòa nhà”…

Quản lý không gian ngầm: Khe hở lớn!

 Đại diện lãnh đạo Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội thông tin: Hà Nội cũng như nhiều đô thị lớn hiện chưa có quy hoạch không gian ngầm. Việc quản lý quy hoạch mới chỉ quản lý về mặt không gian phía trên mặt đất. “Hiện tại vẫn chưa có định hướng về quy hoạch không gian dưới mặt đất”, lãnh đạo Viện khẳng định.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, về việc cấp phép 4 tầng hầm của quận Ba Đình, thì trong Nghị định 46 và Thông tư 05/2015 của Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ lại không nhắc đến nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng hầm. Trong các văn bản chỉ quy định tầng hầm xây dựng theo quy hoạch, ở đây quận Ba Đình là cơ quan quản lý quy hoạch địa phương, do đó việc cấp phép của quận là đúng. "Thành phố chỉ cấp phép cho nhà ở tại 27 tuyến phố chính, nhà ở riêng lẻ trong ngõ thuộc thẩm quyền của cấp quận" đại diện Sở Xây dựng cho hay.

Thành ủy, UBND Thành phố đã có chủ trương khuyến khích xây dựng nhiều tầng hầm, hiện nhiều chủ đầu tư cũng có hồ sơ xin Sở Xây dựng về xây dựng 5 tầng hầm. “Tuy nhiên, phải nói rằng chưa có quy định cụ thể nào về quản lý tầng hầm”, đại diện Sở Xây dựng cho hay. 

Phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi: Tăng thêm 4 tầng hầm tức là tăng hệ số sử dụng đất khá nhiều. Vậy mức tăng như vậy có phù hợp?”. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, hiện có nhiều “khoảng trống” pháp lý trong quản lý cấp phép với nhà ở riêng lẻ, trong đó có quy định về hệ số sử dụng đất. Tại nhiều quốc gia, việc quản lý không gian ngầm cũng giống như không gian trên mặt đất, rất cụ thể. Nhiều thành phố còn xây khách sạn, hệ thống tàu điện ngầm dày đặc dưới lòng đất.

 KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, không gian ngầm là nơi mở rộng không gian công cộng, trung tâm thương mại, tàu điện ngầm… Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội chỉ mới có quy hoạch hạ tầng ngầm: đường điện, thoát nước, cáp viễn thông… chứ chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị. Việc buông lỏng quản lý không gian ngầm sẽ tạo nên bất cập trong việc hình thành và quy hoạch không gian ngầm về sau này. Thậm chí có thể gây hậu quả là không thể phát triển đô thị ngầm được nữa. 

Khi nào Hà Nội có quy hoạch không gian ngầm và việc cấp phép tầng hầm được kiểm soát? Đây là câu hỏi đang chờ lời giải đáp từ UBND thành phố Hà Nội.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, hiện có nhiều "khoảng trống" pháp lý trong quản lý cấp phép với nhà ở riêng lẻ, trong đó có quy định về hệ số sử dụng đất.

MỚI - NÓNG
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
TPO - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay có thể đạt mức tăng 7% như mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý một số rủi ro trong quý IV về cơ cấu tăng trưởng, nhu cầu thị trường thấp...