Luật hóa hình thức kỷ luật 'xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm'

Ông Nguyễn Bắc Son bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng do liên quan thương vụ AVG
Ông Nguyễn Bắc Son bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng do liên quan thương vụ AVG
TP - Chiều 25/11, với trên 88% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. 

Giải trình, tiếp thu về chính sách đối với người tài, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khái niệm “người có tài năng” rất rộng; tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau.

Do đó, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng là khó khả thi, không phù hợp. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không đưa định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ vào dự thảo luật. Tuy nhiên, luật cũng bổ sung, quy định chính sách của Nhà nước trong phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng; giao Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Về đề nghị thay đổi phương thức tuyển dụng công chức, không thực hiện thi tuyển để hạn chế phát sinh tiêu cực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về thi tuyển công chức đã có trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành và thực tế phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Để bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan thì việc tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển là cần thiết. Bên cạnh đó, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung làm rõ các trường hợp thuộc diện xét tuyển công chức, trường hợp được tiếp nhận vào làm công chức không qua thi tuyển.

Liên quan xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về hình thức xử lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra để vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, nhưng bảo đảm tính nhân văn. Có ý kiến đề nghị cân nhắc thay hình thức kỷ luật “xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” bằng hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách đang được hưởng…

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất. Do đó, đề nghị quy định trong luật nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. “Quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân”, ông Phúc lý giải.

MỚI - NÓNG