Luật Giáo dục Đại học: Bộ vẫn bao sân?

Luật Giáo dục Đại học: Bộ vẫn bao sân?
TP - Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2013 và không ít người kỳ vọng rất nhiều về việc thực thi luật này. Tuy nhiên, 9 tháng đã đi qua, các văn bản hướng dẫn luật vẫn mới ở giai đoạn soạn thảo và điều các trường mong mỏi nhất là quyền tự chủ thì vẫn... đang ở phía trước.

> Nhiều biện pháp cứu các trường ngoài công lập
> Không thể thay ngay toàn bộ chương trình và SGK

Trong khi đó, nhiều trường bức xúc về quyền tự chủ ở các mặt khác nhau. Khi nào các trường đại học được hoàn toàn tự chủ? là câu hỏi của nhiều trường.

Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ HN, tự chủ trong luật giáo dục ĐH thì quan trọng nhất là tự chủ mở ngành. Tuy nhiên, theo ý kiến của các trường khu vực Hà Nội được hỏi, việc mở ngành hiện nay vẫn phải làm việc theo cơ chế xin-cho và rất mất thời gian.

Ông Hóa đề nghị: Bộ đã cho thành lập trường thì phải cho các trường tự chủ mở mã ngành trên cơ sở kiểm tra xem trường có đủ giáo viên, đủ cơ sở vật chất không.

Việc mở mã ngành, theo miêu tả của một lãnh đạo trường ĐH, chỉ cần hồ sơ sai một chữ cũng phải trả lại để sửa và có khi mất hàng tháng trời. Một số trường khác bức xúc là các trường được cấp bằng ĐH nhưng vẫn không được in phôi bằng mà phải mua phôi của Bộ GD&ĐT với giá 12.000 đồng/phôi và phải đi lại nhiều.

Ngay cả việc thanh kiểm tra cũng có những điều bất hợp lý, một phó hiệu trưởng một trường đH ở Hà Nội phản ánh: Sở GD&ĐT đã kiểm tra điều kiện, cơ sở vật chất của trường ĐH! Theo vị này, Sở GD&ĐT chỉ nên được giao quyền kiểm tra trường phổ thông vì có những vấn đề chuyên sâu của ĐH, Sở sẽ khó bao quát đúng tầm.

Dư luận vẫn chưa quên vụ thẩm tra mở ngành hy hữu ở HN khiến một trường ĐH phải nộp mấy trăm triệu đồng khi được thẩm tra chương trình và phải lên tiếng ở Quốc hội vấn đề mới được giải quyết.

Quyền tự chủ tuyển sinh được nói đến nhiều trong 2 năm trở lại đây hiện nay vẫn chưa có hướng cụ thể. Ông Vũ Văn Hóa cho rằng ngành GD&ĐT nên quyết định về việc theo hay không theo nghị định 57 - tuyển sinh căn cứ vào số lượng giáo viên và diện tích mặt sàn; nếu trường nào xác định chỉ tiêu quá tiêu chuẩn thì mới bị phạt. Luật có rồi nhưng quyền tự chủ chưa có, ông Hóa kết luận.

Chờ hướng dẫn

Khi được hỏi về hiệu lực của Luật GDĐH, ông Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng ĐH Hàng hải trả lời: “ Hiện nay chưa có hướng dẫn thực hiện, hy vọng cuối năm sẽ có”. Ông Nhớ cho biết thêm: tự chủ tài chính và nhân lực là hai điều quan trọng nhất nay chỉ chờ cụ thể hóa.

Còn ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết: gần đây Bộ GD&ĐT mời 4 trường góp ý đề án thí điểm tự chủ về tài chính; trong đó, một số vấn đề nổi lên là: tự chủ về quy định học phí, hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo... Ông Châu cho biết thêm, điểm mới là các trường có thể thu học phí cao lên gấp hai, ba lần mức thu phí quy định theo nghị định 49 và tiền thu học phí không phải đưa vào kho bạc có thể đưa vào ngân hàng thương mại để lấy lãi.

Về liên kết đào tạo, trong tình hình phức tạp hiện nay, ông Châu đề xuất, Bộ GD&ĐT nên quy định tiêu chí công khai của liên kết đào tạo; ví dụ: trường nào được liên kết; liên kết với trường ĐH quốc tế nào, ở hạng nào... để tránh cơ chế xin- cho và Bộ cũng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Một loạt vấn đề chưa được hướng dẫn và các trường đang chờ đợi như: chương trình khung, hội đồng trường tự chủ bằng cấp...

Một hiệu trưởng nêu vấn đề các trường đang rất bức xúc là việc công nhận bằng cấp đào tạo ở nước ngoài. Dư luận các trường phản ánh về việc người đi học ở nước ngoài về, kể cả ĐH Harvard, cũng phải lên Cục Khảo thí (Bộ GD&ĐT) nộp lệ phí, để được cấp công nhận... bằng nước ngoài. Ông Hoàng Văn Châu đề nghị: Bộ GD&ĐT cần lên danh mục các trường ĐH quốc tế được công nhận bằng cấp một cách công khai để những người đi học ở các trường đó nghiễm nhiên được công nhận hợp pháp mà không phải trải qua quy trình rắc rối của cơ chế xin-cho.

Trong công cuộc đòi quyền tự chủ của các trường, theo ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường đH Ngoại Thương, việc tự in phôi bằng không thể thực hiện tràn lan mà chỉ cho phép một số trường có đủ uy tín thực hiện, nếu không, sẽ rất nguy hiểm.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.