Nhiều chính sách nhân văn cho người hưu trí
Một trong những sửa đổi quan trọng lần này của Luật là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, các đối tượng mới thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh của hộ có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian.
Đáng chú ý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia BHXH, tăng tính bao trùm, toàn diện của chính sách BHXH, Luật BHXH giảm thời gian hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm nhằm
Quy định này mở ra cơ hội với những trường hợp trước đây không được hưởng lương hưu hoặc tham gia không liên tục (hoặc không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH) có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm chính sách BHYT; đồng thời, góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Nhiều quy định mới tăng quyền lợi cho người hưu trí được bổ sung trong Luật Bảo hiểm xã hội |
Cùng với đó, Luật BHXH mới cũng bổ sung quy định khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Theo đó, người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đặc biệt, Luật quy định sẽ cấp chế độ hưu trí hàng tháng cho công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên hoặc từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo BHXH hằng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ). Điều này sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT thêm khoảng 800.000 người cao tuổi.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Đồng thời, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Khi chết sẽ được tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng.
Những thay đổi trong chính sách trợ cấp hưu trí xã hội được đánh giá hết sức nhân văn, được người dân mong đợi. Chính sách đã thể chế hóa một bước chủ trương điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của Nghị quyết số 28 nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội;…
Bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Cùng với các chính sách về quyền lợi của người hưu trí, Luật BHXH mới cũng hướng tới việc đảm bảo và tăng quyền lợi cho người lao động.
Vấn đề quan tâm nhất trong thời gian qua là tình trạng người lao động rút BHXH một lần có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều này dẫn đến nguy cơ hệ thống an sinh xã hội khó bảo đảm tính bền vững và về lâu dài, khi tuổi già người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, Luật BHXH sửa đổi đã đưa ra phương án nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Theo Luật mới, việc hưởng BHXH một lần vẫn được thực hiện đối với các trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH; bị bệnh hiểm nghèo; ra nước ngoài định cư; suy giảm khả năng lao động trên 81%.
Luật Bảo hiểm xã hội bổ sung nhiều quy định nhằm ngăn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động. |
Riêng đối với trường hợp chưa đủ 20 năm đóng BHXH sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc và cũng không tham gia BHXH tự nguyện thì chỉ những người đã tham gia BHXH trước ngày 1/7/2025 mới được rút. Người tham gia từ ngày 1/7/2025 sẽ không còn được rút BHXH một lần như hiện nay.
Luật cũng bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Theo đó, Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chủ sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Các hình thức xử lý được quy định cụ thể bao gồm yêu cầu nộp phạt khi đóng chậm; ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm; hoãn xuất cảnh; hay khởi kiện và kiến nghị khởi tố chủ sử dụng lao động đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Luật bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (khoản 6 Điều 24). Qua đó, tăng nhận thức, trách nhiệm cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đối với quyền lợi người lao động, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Các chế độ như BHYT, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp vẫn bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng. Người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.