Hoa màu chết "tức tưởi"
Ông Phạm Văn Tư ở ấp An Quới, xã Mỹ An Hưng B (Lấp Vò, Đồng Tháp) đứng trên bờ mẫu nhìn hơn 0,4 ha bắp (ngô) chuẩn bị thu hoạch chết chìm trong nước mà lòng nghẹn đắng. “Bắp đang trong giai đoạn no hạt, còn chưa đầy 10 ngày nữa là thu hoạch, tuy nhiên nước lên nhanh tràn vô trở tay không kịp, chết tức tưởi”, Ông Tư nói.
Theo ông Tư, hơn tuần trước, nước tràn vô ngập tới ngực. Chưa kể, mấy chục công lúa lân cận đang trong giai đoạn trổ bông cũng chung số phận. “Bắp chết bỏ uổng, hàng xóm xin chặt lấy thân về cho bò ăn nhưng họ chặt chưa được một nửa rồi cũng bỏ”, ông Tư buồn bã nói.
Cánh đồng bắp chết nằm phơi khô giữa đồng, số thì trái non trôi lờ đờ trên mặt nước, vợ con ông tiếc của nên lấy trái đem vô nấu bán để vớt vác chút đỉnh. “Phải chi hạt no bán người ta mua, còn của mình non èo, nấu đem ra chợ khách chê, không muốn mua”, vợ ông Tư than thở.
Cùng hoàn cảnh, cách nhà ông Tư vài trăm mét, gần 0,6 ha dưa leo, bí của ông Bùi Tấn Phước (hay còn gọi Ba Tèo) mới vừa bẻ bông được một lần cũng bị ngập nước, héo queo. “Dưa leo và bí năm nay trúng giá, cho trái nhiều. Tuy nhiên chưa được hưởng nữa thì nước ngập rụi hết”, ông Ba Tèo nói.
Theo ông Tèo, ngoài 0,6 ha hoa màu mất trắng thì ông còn 0,6 ha khoai môn cũng đang bơm nước suốt 10 ngày qua để hy vọng không bị ngập, bù đắp lại khoản lỗ. Bà Nguyễn Thị Huệ (vợ ông Tèo) cho biết thêm, mọi năm thời điểm này chưa ngập nên tranh thủ trồng sớm. Nếu không ngập cũng kiếm được 50 – 60 triệu đồng nhưng giờ ngập lỗ nặng.
Cùng ấp, bà Ngô Thị Thu Nhi thuê 1,2 ha với chi phí 36 triệu đồng/năm, bà lấy một nửa diện tích trồng khoai môn, còn một nửa trồng bắp. Tuy nhiên, khoai gần đến ngày thu hoạch, nước chụp lên nhanh phải bán tháo được 26 triệu đồng, lỗ cả trăm triệu đồng. “Hiện tại, 0,6 ha bắp đang cho trái non, chồng tôi thức canh bơm nước suốt 3 tuần nay, hy vọng không ngập để gỡ gạt lại phần nào”, bà Nhi nói.
Chìm trong nước
Rời xã Mỹ An Hưng B sang xã Vĩnh Thạnh (cùng huyện Lấp Vò) khoảng dăm cây số bắt gặp cảnh thân khoai môn nổi trắng đồng. Ông Nguyễn Văn Chiến ở ấp Hòa Thuận bơi xuồng dẫn phóng viên ra cánh đồng mênh mông nước, nhấn chìm hơn chục héc ta khoai môn của ông và nhiều hộ khác.
Bà Nguyễn Ngọc Hạnh cầm rổ khoai nhặt được đem vào nhà
Cùng xóm với ông Chiến, bà Nguyễn Ngọc Hạnh bị nước nhấn chìm 1 ha khoai môn trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Lúc đó, bà bán tháo 0,6 ha, còn lại 0,4 ha chìm trong nước, lỗ trên 100 triệu đồng. “Năm rồi thời điểm này nước đâu có dữ như vậy, cứ nghĩ ít ngày nữa thu hoạch xong rồi nước lên cũng không sao, ai ngờ…”, bà Hạnh nghẹn ngào nói.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, công chức nông nghiệp – nông thôn mới xã Mỹ An Hưng B cho biết, vụ thu đông năm nay toàn xã xuống giống 1.100 ha trong đê bao, đến thời điểm này được 60 ngày tuổi, còn tháng nữa thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay nước về sớm hơn năm trước gần cả tháng. Vì thế, xã huy động lực lượng dân quân tự vệ và người dân gia cố, bảo vệ lúa trong đê bao an toàn.
Theo ông Tuấn, khó khăn hiện nay là công tác vận động vì một số hộ dân không chịu đắp cống để bảo vệ. “Những hộ bị thiệt hại do nước nhấn chìm là ở ngoài đê bao, đất thấp với khoảng 30 ha, còn lại đều an toàn”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Hồng Lợi, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh cho biết, toàn xã có trên 1.100 ha lúa, hoa màu trong đê bao được bảo vệ an toàn, còn lại trên 1.000 ha xả lũ để lấy phù sa. Thời điểm này nước cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trong khi một số hộ dân ngoài đê bao chủ quan, nghĩ nước nhỏ nên tranh thủ trồng thu hoạch sớm nhưng khi nước chụp lên nhanh đành… phải chịu.