> Toàn cảnh lũ quét miền Tây Nghệ An
Đêm về sáng 28-6, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, kết hợp với hội tụ gió trên cao, miền Bắc có mưa, mưa rào và giông rải rác. Riêng các tỉnh thuộc khu vực phía tây Bắc Bộ có mưa trên diện rộng. Tuy nhiên mưa không đồng đều, lượng mưa phổ biến từ 15-35mm.
Do mưa diện rộng nên nước từ thượng nguồn sông Hồng ầm ầm đổ về đoạn chảy qua thành phố Lào Cai (tỉnh biên giới phía bắc Lào Cai). Lúc 11 giờ ngày 28-6, trạm Thuỷ văn Lào Cai quan trắc được mực nước lên đến 78m28. Đây là mức lũ cao nhất tính từ đầu mùa lũ đến nay và nước vẫn đang tiếp tục dâng cao.
Nhiều diện tích rau màu ven sông bị nước lũ càn quét. Tại công trình đang thi công cầu Cốc Lếu qua sông Hồng, một phà chở cần cẩu bị nước lũ cuốn trôi.
Nếu chỉ do mưa trên địa bàn Lào Cai như nêu trên thì lũ sông Hồng chảy qua Lào Cai không thể lớn nhanh và mạnh như thế. Nguyên nhân có thể một phần do lũ ở thượng nguồn sông Hồng trên lãnh thổ Trung Quốc đổ về. Được biết, lưu vực thượng nguồn sông Hồng (thuộc Trung Quốc) cũng có mưa lớn.
Theo Th.S Trịnh Thu Phương, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTV), thượng nguồn sông Hồng bên Trung Quốc có trên 15 đập thủy điện bao gồm cả dòng chính lẫn dòng nhánh. Vào mùa lũ, bình thường lưu lượng lũ từ Trung Quốc đổ về chiếm 20-25% tổng lưu lượng dòng chảy trên sông Hồng.
Nhưng câu hỏi đặt ra là lượng nước do các hồ thủy điện ở Trung Quốc xả vào mùa mưa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt ở hạ lưu sông Hồng bên phía Việt Nam hay không? Chưa thấy cơ quan nào trả lời câu hỏi này.
Thượng lưu sông Hồng bên phía Việt Nam, còn gọi là sông Thao, có 4 trạm thủy văn ở dòng chính và bốn trạm dòng nhánh. Các trạm này nằm ở hạ lưu các trạm thủy điện Trung Quốc nên chỉ có thể xác định được kết quả điều tiết nước của các đập thủy điện Trung Quốc. “Chúng tôi chỉ có thể biết kết quả điều tiết nước chứ không được biết kế hoạch điều tiết nước của các hồ thủy điện ở thượng nguồn”, Th.S Trịnh Thu Phương nói.