Tất nhiên là sách đẹp y lời “quảng cáo”. Không có gì lạ bởi sách của doanh nhân Việt, cuốn nào cũng đẹp. Gần nhất là cuốn “Giấc mơ sông Thương” đẹp vô đối, của ông chủ tập đoàn taxi tải Thành Hưng, nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành. Cuốn thơ của Miên Di so về độ hoành tráng của hình thức không bằng “Giấc mơ sông Thương” nhưng độ cầu kỳ, tỉ mẩn trong trang trí không kém. Miên Di cũng là một nhà thơ- doanh nhân.
Tên thật của anh: Lê Xuân Hòa. Anh sinh năm 1976, hiện đang sống tại phố Núi Pleiku, Gia Lai. Miên Di được biết đến là một nhà thơ, nhà phê bình. Nhưng ngay cả những bài phê bình của anh cũng núp dưới những cái tên quyến rũ, thí dụ “Nàng thơ dậy thì & cơn đói đương đại” chẳng hạn. Thơ anh, theo cá nhân tôi, trước tiên được lòng đàn bà. Chẳng thế mà nữ phó giám đốc NXB Hội Nhà văn nói riêng với tôi: “Tôi đọc thích quá nên trực tiếp làm mỹ thuật và nội dung cuốn này”. Còn ở phía sau bìa sách, có trích cảm nghĩ của một người đàn bà bán rau tên Mây nói về thơ Miên Di: “Tôi chỉ là một người đàn bà buồn bã không biết gì về văn thơ, vô tình đọc được những bài thơ đau đớn của Miên Di, không biết vì sao đã khiến tôi vui sống trong nỗi buồn thân phận mình”. Thế đã là thành công.
Ngày trước, Xuân Quỳnh đưa dưa cà mắm muối vào thơ, đưa bàn tay với những ngón chẳng thon gầy vào thơ, khiến cho thơ bà tìm được sự đồng cảm mạnh mẽ nơi độc giả nhiều thế hệ: “Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo/Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn” (Thơ vui về phái yếu). Miên Di cũng đưa những thứ bình dị, đời thường vào thơ mình: “Anh vẫn khen nồi cá kho ngon/Khi em lỡ tay nhiều muối/Mà em mặn chát cả đời vì lỡ lấy anh/Để món ăn từng nấu cho anh/Giờ đem nấu cho người đỡ đần em điều anh không làm được/Có việc nào làm em bỗng nhớ anh không?...”. Đó là một đoạn trong bài thơ khai thác hoàn cảnh cắc cớ “Vợ đi lấy chồng”. Đọc Miên Di tôi nhớ đến một nữ thi sĩ có những bài thơ được nhiều bạn trẻ yêu thích, đó là Nồng Nàn Phố. Cô lấy lòng người đọc nhờ những thủ thỉ đàn bà của mình, thế thôi: “Anh ngủ thêm đi anh/Em phải dậy lấy chồng/Mùa thu vừa rụng lá/Lòng em đã sang đông/Đừng cười và đừng khóc/Đừng tin và đừng nghi/Hãy bình thường mà sống/Em lấy... kẻo lỡ thì”. Nhưng ở độ tuổi 40 với những trải nghiệm của mình, Miên Di thỉnh thoảng đưa ra triết lí song lại bắt nhịp xu hướng người trẻ, khi tô những triết lí ấy bằng màu sắc ngôn tình bắt mắt: “Có những đau khổ trong đời/Mà nếu được làm lại, ta vẫn rộn ràng không từ chối”. Những “ghi chú rời rạc” trong “Lũ buồn hoang” không độc nhưng điệu, có khi tới đây sẽ được bạn trẻ dùng để nói thay tiếng lòng, tâm trạng hoặc đơn giản chỉ để làm duyên, “thả thính: “Tài sản của đàn ông gồm nhiều điều. Trong đó, phải có nỗi buồn xứng đáng”; “Trong tình yêu, người ta chỉ hạnh phúc với ai có thể làm mình đau khổ”; “Vẻ đẹp bí mật của người nữ ở trong vết thương họ từng trải. Bức tranh tuyệt tác không bao giờ là tờ giấy trắng”...
“Lũ buồn hoang”, một cuốn sách thai nghén trong gần 6 năm của Miên Di, đưa độc giả khảo sát nỗi buồn muôn hình vạn trạng song không gieo bi quan, chán nản mà giúp họ cảm nhận đổ vỡ, đớn đau cũng có vẻ đẹp riêng. Đó là tính nhân văn của cuốn sách. Miên Di viết: “Có một tài khoản vô biên, đó là tình yêu thương”. Đáng kể trong “Lũ buồn hoang” là những bài thơ dạng văn xuôi ngọt ngào, hấp dẫn, khiến người ta quên không tranh luận lập luận của tác giả đúng hay sai: “Hình như mỗi người đều nhầm khi đặt tên cho “mối tình đầu” của mình. Chúng ta lấy thứ tự trước sau để gọi tên tình đầu, lấy sơ sài đặt tên cho sâu đậm. Non nớt mà ta tưởng là tình đầu, thật ra là tình chập chững. Mối tình đầu đến rất sau, khi đã trải qua nhiều tan vỡ. Để rồi, mới biết yêu bằng tất cả những gì tình yêu là. Mới ngỡ ngàng thấm thía được nguyên chất hạnh phúc lẫn khổ đau”.