Lớp ôn thi miễn phí tại đình làng Lại Đà. Ảnh: Kiến Thức. |
Phương pháp giảng dạy đặc biệt
Chớm vào hè, càng đông học sinh tự nguyện tự tìm đến nhà "thầy giáo" Nguyễn Tiến Phương, cựu sinh viên ĐH Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp để đăng kí lớp luyện thi cấp tốc tại đình. Sau hai năm hoạt động, lớp luyện thi miễn phí tại đình làng Lại Đà do thầy Phương khởi xướng đã có thành tích đặc biệt.
Cầm những lá đơn trong tay, Phương hào hứng chia sẻ: "Đây là niềm vui cũng là áp lực lớn đối với đoàn thanh niên trong thôn. Qua mỗi năm, khi số lượng học sinh trong làng đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hay các trường công lập tăng, chúng tôi lại có thêm nhiều động lực để tiếp tục duy trì và mở rộng lớp học này".
Dẫn chúng tôi ra đình làng để dự giờ một tiết học toán của các em lớp 9, Phương vừa đi vừa chia sẻ về lớp luyện thi này: "Do số lượng học sinh tăng nên gặp khó khăn trong địa điểm học, năm nay chúng tôi phải mượn cả thư viện thôn và được sự hỗ trợ của nhà chùa, lớp học có thêm nhiều bàn ghế cho các em".
Lớp học tại đình được tổ chức một tuần 3 buổi, vào các tối thứ ba, thứ sáu và chủ nhật. Có 3 địa điểm chính, tại đình làng dành cho học sinh ôn thi đại học, cao đẳng, nhà văn hóa và thư viện là nơi ôn của các em lớp 9 luyện thi vào lớp 10. Lớp ôn thi chuyển cấp được chia làm hai nhóm khác biệt: nhóm cơ bản được các anh chị kèm cặp một thầy một trò, nhóm nâng cao dành riêng cho các bạn khá giỏi.
Năm nay, lớp ôn thi vào đại học có 18 em thì có 5 em là học sinh xã bên, còn lớp ôn thi vào cấp 3 có đến 48 em đăng kí xin học. Để phụ trách ôn luyện cho hơn 50 em học sinh, có 19 giáo viên "đứng lớp” theo đúng sở trường của mình.
Lớp chia ra làm hai ban: ban Tự nhiên do nhóm trưởng Nguyễn Tiến Phương đảm nhiệm cùng với nhóm phó Nguyễn Khắc Kiên, đang là sinh viên năm thứ ba của Đại học Bách Khoa. Ban Xã Hội do thầy Nguyễn Đình Phương (24 tuổi) - giáo viên trường cấp 2 Đông Hội đảm trách” - Tiến Phương bộc bạch.
Bạn Ngô Trường Chinh, cựu sinh viên trường ĐH Bách Khoa chia sẻ: "Phương pháp dạy của lớp là đào sâu và kiến thức hổng cho học sinh yếu kém, nâng cao chất lượng bài thi và kiếm điểm 9, 10 cho học sinh khá giỏi. Chủ yếu các em được luyện làm các đề thi và được hướng dẫn cách làm bài kiếm điểm cao".
Đặc biệt, sau khai giảng, các em được làm bài kiểm tra phân loại từng môn thầy cô sẽ có phương án đặc biệt cho từng lớp ôn luyện, Chinh nói thêm.
Học sinh thi vào trường THPT có đến gần 50 em theo học. Ảnh: Kiến Thức. |
Làm thầy kiêm xe ôm
Năm nay lớp học có thêm một số em ở các xã lân cận đến học, khó khăn lớn nhất của các thầy cô giáo là đường xá khó đi và tối.
Em Lê Thị Lan, thôn Đông, xã Tàm Xá là 1 trong 5 học sinh của xã khác theo học lớp ôn thi đại học của "thầy" Phương ngay những ngày đầu tiên. Dù đường từ nhà đến lớp gần 5 km nhưng chưa ngày nào Lan nghỉ học . Lan cho biết, 2 ngày đầu, em được bố mẹ đưa đón, giờ đã quen đường nên em tự đến lớp học. Hết giờ, em lại đạp xe một mình về nhà. Thấy không an tâm, các thầy cô lại tình nguyện lập ra một tổ chuyên đưa đón học sinh.
"Các em nhà xa lại về muộn, chúng tôi không dám nhận đơn xin học, nhưng thấy các em tha thiết xin vào lớp, mọi người lại bàn nhau lập thêm một đội chuyên đưa đón học sinh"- nhóm trưởng Phương cho biết.
Bạn Ngô Duy Thái, sinh viên ĐH Công Nghiệp chia sẻ: "Những ngày đầu, sau khi hết giờ, một nhóm dọn bàn ghế trả nhà chùa, một nhóm đưa các em học sinh về. Sau đó, chúng tôi đã vận động được một đội thanh niên các thôn, xã làm "xe ôm " đưa đón các em. Vì vậy, các phụ huynh rất an tâm hơn cho con em đến lớp".
Nguyện vọng lớn nhất của các thầy cô tại lớp học miễn phí này là năm sau quy mô lớp học được mở rộng hơn nữa.
Đội trưởng đội hậu cần, Lương Xuân Vĩ cho biết: "Năm nay chúng tôi đã thành lập được đội đưa đón học sinh, rất cần giúp đỡ thêm của các đoàn viên xã khác. Đã có đủ giáo trình và tài liệu cho từng môn học, các anh chị giáo viên luôn theo sát chương trình học của các em để có phương án ôn luyện tốt hơn. Năm tới, chúng tôi sẽ có thêm một lớp luyện thi trên thị trấn Đông Anh, sẽ cần thêm nhiều nhân lực giáo viên trẻ nữa...".
Theo Hòa Anh
Kiến Thức