Huy giải mã những câu hỏi kiến thức: Cây dừa xuất hiện ở miền Nam từ lúc nào? Tại sao nơi có nhiều dừa nhất Việt Nam người ta không gọi là Bến Dừa mà gọi là Bến Tre? Cách chế biến nước dừa – nước cốt dừa trong ẩm thực Việt? Ăn cơm dừa, uống nước dừa có tác dụng gì với sức khỏe?…
Chỉ là chuyện cây dừa, nhưng có quá nhiều điều để bàn. Xoay quanh đó là rất nhiều vấn đề về y học, văn hóa, ẩm thực, lịch sử các chuyến di dân, hình thành vùng đất mới… những kiến thức tưởng chừng đơn giản nhưng khi được cung cấp, người nghe đều “mắt chữ O mồm chữ A”.Chuyện về cây dừa là một trong những chuyên đề hấp dẫn mà Phan Khắc Huy mang đến cho các bạn trẻ trong dự án “Lớp học vui vẻ”, do chính Huy khởi xướng.
Bỏ Y khoa
Huy chia sẻ về con đường đến với dự án: Huy đến từ Mỹ Tho (Tiền Giang), trong một gia đình có truyền thống văn chương. Anh là cháu ngoại nhà văn Minh Lộc và là cháu 5 đời của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt.
Là một học sinh giỏi ở phổ thông, Huy thi đậu trường ĐH Y Dược TP. HCM (2005). Đó là một niềm tự hào. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh chủ động tạm ngưng để theo đuổi dự án “Lớp học vui vẻ”. Huy tâm sự: “Từ bỏ con đường Y khoa không phải vì mình học tệ mà vì khi thi đại học, mình chỉ nghĩ học Y là “hot”. Rồi càng học, mình càng nghiệm ra, mình không phù hợp. Đam mê của mình là làm dự án giáo dục cung cấp kiến thức văn hóa và lịch sử cho các bạn trẻ”.
Không đơn giản để theo ngay dự án một sớm một chiều. “Mình đã có sự chuẩn bị kiến thức từ rất lâu. Mình đọc sách tìm hiểu lịch sử văn hóa từ khi còn ở Tiền Giang và cả khi vào đại học. Điều này giúp mình dấn thân, chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tất nhiên, gia đình không thể bằng lòng ngay nhưng gia đình luôn tôn trọng quyết định của mình. Mình đang chứng minh được cho gia đình thấy tính khả thi của dự án bằng những lớp học cực vui, bổ ích và xôm tụ”, Huy nói.
“Lớp học một tô”
Cái tên “Lớp học vui vẻ” đã nói lên tất cả. Tuy là học kiến thức văn hóa, lịch sử nhưng mục tiêu hướng đến là những bạn trẻ đến lớp học một cách tự nguyện và hào hứng. Huy kể: “Ban đầu, lớp học chuẩn bị trên trang web, ra đời mỗi tuần một số tạp chí (40 trang/kỳ, dạng eBook). Tạp chí được cư dân mạng đón nhận nồng nhiệt. Chuyên đề “Sài Gòn ăn rong” thu hút đến 2.000 lượt tải về. Lượng thành viên của “Fanpage” Lớp học vui vẻ cũng tăng lên nhanh chóng.
Khi có được địa điểm, Huy đã nhận được thêm hỗ trợ từ cộng đồng để xây dựng Thư quán đọc sách và học tập miễn phí cho các bạn sinh viên. Từ đó, những lớp học vui vẻ offline tối thứ Năm, thứ Sáu hằng tuần tại thư quán, thu hút đông đảo người trẻ đến dự. Không chỉ tổ chức lớp học tại chỗ, Huy và các bạn còn phối hợp với làng tre Phú An (Bình Dương), làng nghề Một thoáng Việt Nam (Củ Chi) để tổ chức những chuyến dã ngoại, kết hợp tìm hiểu nói chuyện chuyên đề văn hóa lịch sử.
Tổ chức “Lớp học vui vẻ”, Huy và nhóm dự án không cần tìm học viên mà chỉ thông báo trên diễn đàn, các bạn trẻ có nhu cầu thì tự tìm tới. Ban đầu, họ tìm đến chỉ vì tò mò nhưng sau đó, ai cũng bị lớp học này “hút hồn”. “Tụi mình chỉ thu phí uống nước 20.000 đồng/buổi để các bạn có ý thức hơn, chẳng phải vì mục đích kinh tế. Ở lớp học này, ai thích đến thì tự đến, thấy hữu ích thì lần sau sẽ có nhu cầu quay lại. Số tiền 20.000 đồng lệ phí tượng trưng chỉ tương đương một tô hủ tiếu “sinh viên” nên các bạn còn gọi vui là “Lớp học một tô”, Huy hài hước kể.
Học về cây lúa- một cách tiếp cận thật vui!. |
Tự tin nắm bắt kiến thức
Những vấn đề lịch sử, văn hóa tưởng khô khan nhưng với cách dẫn giải vừa gần gũi, vừa sáng tạo của Huy, kiến thức trở nên thật hấp dẫn. Rất nhiều bạn trẻ đến từ các trường không thuộc khối Xã hội cũng tranh thủ thời gian đi học để bổ sung thêm kiến thức. Một số “học viên” là những người trẻ am hiểu, đọc nhiều sách, cũng góp thêm cho những buổi sinh hoạt chuyên đề nhiều câu hỏi và kiến thức lý thú. Không ít câu hỏi hóc búa dành cho Huy đã khiến anh phải đào sâu tìm hiểu.
Huy chia sẻ: “Những gợi ý của người dự khán cung cấp cho lớp học của mình những từ khóa để tụi mình triển khai thêm các chuyên đề mới. Trong quá trình tìm hiểu, chuẩn bị tư liệu về một đề tài, những từ khóa liên quan có vai trò cực kỳ quan trọng. Nguồn thông tin nghiên cứu trong và ngoài nước là vô tận, quan trọng là tụi mình tiếp cận nó bằng cách nào mà thôi. Có những kiến thức sâu, “bác Google” cũng bó tay, mình phải tìm đến những nhà văn hóa hay giới nghiên cứu để nhờ họ tư vấn”.
Bí quyết để những buổi nói chuyện chuyên đề như: Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông, Sài Gòn nhậu, Người Hoa ở Nam Bộ, Sài Gòn ăn, Người giàu xưa, đường Nguyễn Huệ, Trung Thu xưa… đón người trẻ đến tham dự chật kín khán phòng, nằm ở cách tiếp cận đề tài. Huy chia sẻ: “Tụi mình không phải là người nghiên cứu mà chỉ lấy những cái người đi trước nghiên cứu và sắp xếp, kể lại sao cho hấp dẫn. Buổi nói chuyện không phải là sinh hoạt học thuật mà là sự chia sẻ. Ở đó, ai cũng có thể nêu ý kiến, chẳng sợ đúng sai, trách phạt. Khi những câu chuyện được “zoom” cận cảnh và liên tưởng đến chính các bạn, lẩy ra những bài học hữu ích thì các bạn sẽ hứng thú. Từ đó, các bạn say mê tìm hiểu, nghiên cứu hơn”. |
Theo svvn.vn