Lớp học của người nhập cư

TP - Nhìn dân tị nạn Syria, Iraq... đổ vào châu Âu, cộng đồng Việt kiều cũng có chút xôn xao: “Trình độ học vấn của họ chắc khác hẳn thuyền nhân Việt thời xưa”.
Người nhập cư chờ đến giờ vào học tiếng địa phương ở Bỉ. Ảnh: KBH.

Đám đàn bà ung dung nội trợ bao năm nay bắt đầu cuống. Buổi sáng, báo vừa đăng cần phụ bếp nhà hàng, chiều gọi điện đã tuyển được người rồi. Gần 5 năm nay, tôi năng qua chơi với con dâu của bác Chương- vượt biển sang Bỉ tị nạn cuối những năm 80. Lần nào đến, bác Chương cũng giục: “Xem ra các chị có mỗi cái bằng lái là chuẩn Âu. Nộp đơn làm tài xế xe buýt đi chứ ngồi nhà mãi không bí tiền à”. “Bọn cháu mà lái xe buýt?”. “Các chị cậy có bằng đại học trong nước, chìa ra xin việc xem, nó chả bắt đào tạo lại banh xác ra ấy chứ”.

Hay lo như bác Chương cũng phải. Một số trường đại học ở Bỉ có chương trình đào tạo nâng cao cho người nhập cư tìm việc đúng ngành nghề, phần lớn vẫn chấp nhận làm công nhân nhà máy, lái taxi, nhân viên vệ sinh... Tìm tương lai tươi sáng qua con đường học vấn ở châu Âu quá vất vả với dân nhập cư mang gánh nặng cơm áo. Báo chí mới nêu trường hợp của Haidar - người Syria chạy trốn nội chiến đến Bỉ tháng 6/2013 với bằng cử nhân kinh tế, từng làm kế toán và có thâm niên làm việc ngân hàng. Bằng cấp lẫn kinh nghiệm của anh không được chuyển đổi tương đương tại Bỉ. Muốn làm đúng nghề, Haidar phải theo 10 khóa đào tạo tại đại học trong vài năm, cần bổ túc tiếng địa phương, luyện kỹ năng ngôn ngữ hàn lâm để phân biệt phương ngữ và biệt ngữ giảng viên đại học hay dùng. Chương trình cũng bao gồm các khóa toán học, thống kê và tiếng Anh trình độ đại học - ba môn cơ bản giúp học nâng cao. Lại phải học chính khóa trong khi dân nhập cư nôn nóng tìm việc làm, sớm có thu nhập ổn định còn bảo lãnh người thân sang. Vài tháng trước, Haidar xin làm việc trong một nhà máy ở Ghent. “Rất khó tồn tại khi chỉ trông vào trợ cấp thất nghiệp”.

Một người bạn Việt ở Thụy Sĩ giễu tôi: “Bao năm quanh quẩn ở nhà và đi học mà dân bản xứ vẫn cười với mình là quá tử tế đấy. Người Thụy Sĩ mới hỏi thăm xã giao đã kèm câu “Có đi làm không?”.  Mình gật đầu, mặt họ sẽ dãn ra, vui vẻ với mình hơn”. Kệ chứ, người Bỉ thấy dân nhập cư chịu nói ngôn ngữ địa phương mặt cũng đã dãn ra rồi. Học tiếng chẳng dễ. Abdel - người Iraq cùng lớp tôi học gần bốn năm mới lên trình độ A3 (cơ bản có thể đọc báo, xem thời sự truyền hình). Nhìn lớp hôm nào cũng bổ sung học viên mới đông vui, Abdel bĩu môi: “Vài tháng nữa rụng như sung, cuối khóa thế nào chả vắng như chùa Bà Đanh”. Rani- người Nepal gật gù: “Hồi tôi mới sang, họ gợi ý học nghề chăm người già ở trung tâm dưỡng lão. Bạn học chủ yếu dân nhập cư. Gần 120 người hào hứng học, có cặp vợ chồng người Pakistan cùng lao vào. Đến khi phải học nấu ăn món địa phương, may vá, đọc sách báo và trò chuyện phục vụ người già... là khóc tu tu, bỏ cuộc. Cuối khóa sót lại 16 mống”.

Mới sau một tháng, lớp học đã rơi rụng 5-7 người. Thấy tôi chăm làm bài về nhà, Abdel lại giễu vui: “Có nhà có khác, chăm nhỉ. Dân tị nạn như tôi làm gì có nhà mà bắt làm bài về nhà”. Tôi đốp luôn: “Tôi ở nhà làm nội trợ không lương, còn anh vẫn hưởng trợ cấp 900 Euro/tháng cho người tị nạn đấy thôi?”.  Abdel chìa cả hai bàn tay to bè ra: “Mời cô tiêu giúp 900 Euro ấy đấy. Họ cũng tính kiểu vắt cổ chày ra nước rồi. Trợ cấp chừng ấy nhưng thuê studio nhỏ xíu để ở kèm tiền điện đã mất đứt 500 Euro/tháng, còn lại chi tiêu cho 30 ngày ở nơi siêu đắt đỏ này, chỉ là cầm cự thôi. Muốn sống cho ra sống, rồi lấy vợ, mua nhà, sinh con, phải tính chuyện đi làm nhanh” .

Faure - anh chàng người Togo vẫn im im nghe chuyện bỗng xen vào: “Abdel, muốn lấy vợ thì đi bốc vác trong siêu thị như tôi đây này. Làm được ba tuần rồi, hơn tuần nữa có lương”. Abdel tò mò: “Làm mệt lắm hay sao mà anh học buổi đực buổi cái?”. Faure cười khà khà: “Thấy chưa, học nhiều vẫn hỏi ngu. Đây không hề bỏ học nhé. Đây chủ trương bốc vác trong kho thì chỉ cần học nghe - nói thôi, cắt khoản đọc - viết, lại không cần làm bài về nhà”.