Lòng tin của người Bắc Âu, một góc nhìn từ Hà Nội

Người Bắc Âu có chỉ số lòng tin cao nhất thế giới. Trong ảnh: Xe đạp - giúp bảo vệ môi trường - là một phương tiện giao thông phổ biến ở thủ đô Stockhom, Thụy Điển. Ảnh: Việt Hùng.
Người Bắc Âu có chỉ số lòng tin cao nhất thế giới. Trong ảnh: Xe đạp - giúp bảo vệ môi trường - là một phương tiện giao thông phổ biến ở thủ đô Stockhom, Thụy Điển. Ảnh: Việt Hùng.
TP - Vì sao người dân Bắc Âu có lòng tin cao nhất thế giới? Việt Nam học hỏi được gì từ đặc trưng này nói riêng và từ mô hình Bắc Âu nói chung. Đó là nội dung cuộc Hội thảo “Mô hình kinh tế-xã hội Bắc Âu: Thành tựu và bài học kinh nghiệm” nhân dịp kỷ niệm Ngày Bắc Âu (23/3).

Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa phối hợp đại sứ quán các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) tổ chức tại Hà Nội.

Chống tham nhũng - Chìa khóa của lòng tin

Theo GS Peter Thisted Dinesen, Phó Trưởng khoa Khoa học chính trị, ĐH Copenhagen, Đan Mạch, những nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng, người dân các nước Bắc Âu có chỉ số lòng tin (Trust index) cao nhất thế giới, điều này có nghĩa họ tin cậy lẫn nhau hơn so với các quốc gia khác. Nếu như tại Anh, Mỹ, chỉ có khoảng 30% người dân có lòng tin vào nhau thì ở Bắc Âu, con số này lên tới 70%. Đáng chú ý, lòng tin có xu hướng gia tăng ở khu vực Bắc Âu trong suốt 30 năm qua, đặc biệt là Đan Mạch, một điều trái ngược so với nhiều nước phát triển khác.

Vậy vì sao người dân Bắc Âu lại có sự tin tưởng vào nhau cao đến thế? Và lòng tin có phải là một sản phẩm mang tính lịch sử hay có thể gây dựng được trong một thời gian ngắn? GS Peter cho rằng, từ sự gia tăng lòng tin liên tục trong suốt 30 năm qua tại Đan Mạch và các nước Bắc Âu khác cho thấy, lòng tin không đơn thuần là một sản phẩm có tính lịch sử sâu sắc mà còn có cả nguồn gốc từ xã hội đương đại. Có nhiều yếu tố để lý giải về sự gia tăng lòng tin của người dân Đan Mạch, như chất lượng giáo dục, sự chuyển giao thế hệ... Nhưng theo GS Peter, chất lượng thể chế là một nguyên nhân cốt lõi. Sự không thiên vị, đặc biệt là không có tham nhũng là yếu tố quan trọng của lòng tin. “Khi người dân tiếp xúc với những cán bộ công quyền không tham nhũng, họ sẽ nhận thấy những người ở vị trí quyền lực đã cư xử một cách đáng tin cậy. Điều này tạo ra sự tin tưởng cho người khác. Các nước Bắc Âu là nơi có sự tin cậy lớn nhất trên thế giới và đây là một yếu tố quan trọng của thành công. Sự gia tăng đáng kể về lòng tin ở các nước Bắc Âu - đặc biệt là Đan Mạch - cho thấy lòng tin có thể được xây dựng trong một thời gian ngắn” - GS Peter nhận định. “Chất lượng thể chế - đặc biệt không có tham nhũng - là yếu tố chính để tạo lập lòng tin. Điều này cho thấy, chống tham nhũng là chìa khóa của lòng tin”, GS Peter nói.

Việt Nam học hỏi được điều gì?

Đồng chủ trì Hội thảo với đại sứ và đại biện các nước Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch, PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, niềm tin xã hội vô cùng quan trọng, là một giá trị vô giá mà lâu nay chúng ta chưa cảm nhận hết, và vận hành chưa đạt kết quả như mong muốn. Phích Rạng Đông một thời ai cũng mua vì nó tốt, hàng Nhật đến đây ai cũng mua và không hề lo ngại về chất lượng vì họ đảm bảo được chữ tín. Còn bây giờ, chúng ta đi mua rau, hoa quả đều sợ thuộc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Thời nhà Hồ, người dân không cần khóa cửa, không sợ trộm cắp. Ngày hôm nay, không chừng phải khóa cửa thật kỹ, thậm chí 2-3 lớp, đến khi cháy thì không có đường thoát. Sau đó là các vấn đề nhức nhối của xã hội, còn chuyện lừa đảo trong rất nhiều công trình… Xuất phát điểm là vấn đề của thể chế, đó là bộ máy công quyền phải minh bạch và công khai. “Niềm tin số một là phải tin vào chính quyền, vào công quyền, nếu bộ máy công quyền không tốt, không có niềm tin vào công quyền các niềm tin khác sẽ bị phá vỡ”, PGS.TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, các nước Bắc Âu đã rất thành công trong câu chuyện xây dựng lòng tin xã hội. Chúng ta đã có một lịch sử rất đẹp, và đang có những thời kỳ rất đẹp, nhưng đến hôm nay, phải nói thật có đoạn đã bị mất và phải lấy lại nó... “Đất nước chúng ta muốn đi tới đích cuối cùng chắc là phải thay đổi, từ trung ương tới địa phương. Mỗi đại biểu Quốc hội nói ra là nói sự thật, từ trong trái tim của mình, mỗi lãnh đạo nói ra là nói từ trong tâm của mình điều cần phải nói, cần phải làm. Và đừng ai nói sáo rỗng, nói phải đi đôi với làm”, PGS.TS Lê Quốc Lý nói.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS Lê Quốc Lý nói: Có thể các bạn nghĩ rằng, các nước Bắc Âu đã quá phát triển và chúng ta đang ở trình độ phát triển rất thấp nên khó học hỏi. Nhưng không, có rất nhiều thứ có thể học được ngay. Chúng ta học được vấn đề xây dựng chính phủ kiến tạo, minh bạch, phục vụ nhân dân. Chúng ta học được về đạo đức, học được về xây dựng niềm tin, làm cái gì cũng phải có chất lượng tốt.

26 triệu dân, GDP 1.416 tỷ USD

Bắc Âu gồm 5 quốc gia là Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Iceland. Chỉ có 26 triệu dân, nhưng Bắc Âu là một trong những khu vực hội nhập nhất và là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới với tổng GDP lên tới 1.416 tỷ USD. Giáo dục và y tế tại các nước này hoàn toàn miễn phí. Các nước Bắc Âu luôn nằm trong Top 10 quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới.

MỚI - NÓNG