Hợp xướng và múa Đồng vọng do Nhà hát ca múa nhạc VN và Trường đại học Nghệ thuật Huế biểu diễn trong đêm khai mạc - Ảnh: NA SƠN |
Từ chiều 3/6, Huế đã bừng lên trong ánh sáng lễ hội, dòng người như sông tuôn chảy về quảng trường Ngọ Môn, nơi diễn ra lễ khai mạc Festival Huế 2006. Cả quảng trường Ngọ Môn chật kín với hàng vạn người.
Ấn tượng đầu tiên với mọi người là một sân khấu quay vừa hiện đại vừa thấm đẫm tự tình Huế khi bao lấy sân khấu là một hồ sen và những lá thuyền. Cả một không gian vàng son lộng lẫy trên lầu Ngũ Phụng của Ngọ Môn trở thành “phông” cho sân khấu đêm khai mạc.
Sân khấu ngập đầy sắc tím Huế trên những tà áo dài của các diễn viên, không gian huyền ảo của đêm kinh thành càng lộng lẫy hơn khi những màn pháo hoa do nghệ sĩ pháo hoa Pierre Alain Hubert biểu diễn vút lên trời sao.
Chỉ vào cái khoảnh khắc này mới nhận ra Huế thật sự là thành phố với vẻ đẹp “chẳng nơi nào có được” như một câu hát về xứ sở này. Cũng chẳng ở đâu mà một nhịp cầu như Trường Tiền, một bờ thành gạch rêu phong dưới chân Kỳ đài, một mặt nước Hương giang đều có thể trở thành tấm phông huyền ảo và quyến rũ cho những hội hè được thăng hoa.
Nhớ 700 năm...
Chương trình khai mạc chỉ gói gọn trong hơn một giờ đồng hồ, nhưng để quan khách và người dự hội có một cái nhìn toàn cảnh về nền văn hóa phong phú và gắn liền với cột mốc lịch sử “700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên - Huế” như tiêu chí của festival là một thách thức với những người thực hiện chương trình.
Những tiết mục biểu diễn nghệ thuật của đêm khai mạc không hoành tráng như mọi năm mà sâu lắng hơn với chủ đề “Âm vang một vùng quê”, mang vẻ đẹp giản dị mà xúc động, vừa phảng phất huyền sử của miền đất Thuận Hóa. Đó là khúc ca bi tráng về sự nghiệp một người anh hùng đã lưu dấu ấn của mình với đất Phú Xuân Ai tư vãn - bài thơ khóc chồng của Ngọc Hân công chúa - do Tấn Minh và các nghệ sĩ nhà hát Thăng Long biểu diễn gợi sự ngưỡng
vọng về người anh hùng Nguyễn Huệ “Mà nay áo vải cờ đào, giúp dân dựng nước xiết bao công trình”. Bài ca theo điệu Nam bình Nước non ngàn dặm tưởng nhớ Huyền Trân công chúa (tiết mục của Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế) mênh mang một nỗi niềm của người con gái vua Trần đã đi qua miền đất này 700 năm trước mà công lao ấy, nỗi niềm ấy vẫn day dứt trong câu ca: “Mượn màu son phấn đền nợ Ô Ly... Đặng vài phân, vì lợi cho dân, tình đem lại mà cân, đắng cay trăm phần...”.
Đêm hoàng cung giữa kinh thành
Những chiếc xe đạp chở pháo và hoa trong điệp khúc chầu văn Huế - Ảnh: T.T.D. |
Lễ khai mạc khép lại với những dòng thác pháo hoa ngập tràn không gian Hoàng thành tôn lên vẻ lộng lẫy, chuẩn bị cho một đêm Hoàng cung giữa kinh thành. Huyền thoại “Đêm hoàng cung” bắt đầu từ lối dẫn vào từ Ngọ Môn qua cây cầu bắc ngang hồ Thái Dịch được tiếp đón bằng hai hàng mỹ nữ cầm đèn, lọng trong không gian được chiếu sáng nghệ thuật, đẹp tưởng chừng chỉ có trong cổ tích.
Những chiếc cổng, bức tường thành rêu phong và cung điện lộng lẫy tứ bề, yến tiệc được dọn bày cho hàng trăm thực khách ở không gian đó, vừa thưởng thức nghệ thuật ẩm thực, vừa thưởng thức các tiết mục truyền thống cung đình VN đặc sắc nhất.
Không chỉ có thế, “Đêm hoàng cung” một thời đã được tái hiện thấp thoáng hình ảnh các cung phi, thị nữ, lễ quan, nhạc quan, quan binh, voi ngựa... trong cung. Tam cung lục viện, các hình ảnh hoạt động của Đại nội một thời được tái hiện bằng hình thức sân khấu hóa. Và các trò thưởng trà, trò chơi đầu hồ, thả thơ, đề thơ, đổ xăm hường... cũng được phục hiện. “Đêm hoàng cung” đã thật sự làm người thời nay sống lại được không gian của vua chúa một thời.
Và sẽ có ba “Đêm hoàng cung” như thế trong chín ngày hội hè lần này. Đủ cho khách không thể nào quên những đêm lộng lẫy của Huế xưa đang ngược thời gian về lại với bây giờ...
Theo Lê Đức Dục - Thái Lộc
Tuổi Trẻ