Lộn xộn quản lý đất rừng ở Phú Quốc

Lộn xộn quản lý đất rừng ở Phú Quốc
TP - Như Tiền Phong đã thông tin trong số báo ra ngày 22-5, các vụ phá rừng, hợp thức hoá đất rừng và bán đất trái phép ở xã Cửa Cạn, huyện đảo Phú Quốc diễn ra trên quy mô lớn. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài nhiều năm qua nhưng không bị xử lý.

> Phá rừng trồng cây ăn trái

Mới đây, ông Nguyễn Văn Be- một thợ cưa đã làm đơn tố cáo ông Nhan Văn Truyền - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn “về việc lợi dụng chức vụ để trục lợi”.

Theo đó, ông Truyền đã thuê ông Be khai thác cây cổ thụ trong vùng Vườn QG Phú Quốc nhiều lần với hàng chục mét khối gỗ quý hiếm. Ông Be tố cáo việc chặt phá trên 30 cây gỗ lớn như trâm, dầu, mè điếc…

Tuy nhiên, không chỉ có xã Cửa Cạn, rừng và đất rừng nhiều nơi khác trên hòn đảo du lịch này vẫn liên tục bị tấn công. Ngay tại khu vực rừng gần Vùng 5 Hải quân (V5HQ) cũng bị bao chiếm, chặt phá, san ủi, thậm chí người dân còn làm nhà trên đất rừng nhưng không bị ngăn chặn, xử lý.

Phó Tư lệnh V5HQ, Đại tá Nguyễn Duy Tỷ, ngày 27-4 đã gửi văn bản báo cáo thực trạng nạn phá rừng lên UBND huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang nhằm xử lý và phối hợp ngăn chặn kịp thời.

Theo văn bản này, khu vực rừng tràm do V5HQ hợp đồng với BQL rừng phòng hộ Phú Quốc trồng từ năm 2000 trên địa bàn thị trấn An Thới đã bị các hộ dân vào khai thác, chặt phá để trồng hoa màu, làm nhà… Tổng diện tích bị chặt phá khoảng 50 ha.

Tại khu vực rừng phòng hộ từ Bãi Sao kéo dài về mũi Ông Đội có 40 ha rừng cũng đã bị chặt phá, bao chiếm. Đất rừng ngay phía sau Nhà thiếu nhi thị trấn An Thới cũng bị san phẳng khoảng 8.000m2.

“Diện tích rừng trồng, rừng đệm, rừng phòng hộ bị chặt phá lấn chiếm ngày càng nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn kịp thời thì một vài năm tới, diện tích rừng trên địa bàn thị trấn An Thới, Phú Quốc sẽ không còn”, văn bản của V5HQ cảnh báo.

Vì sao rừng và đất rừng trên đảo Phú Quốc thường xuyên bị lấn chiếm? Có nhiều cách lý giải nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là quản lý lỏng lẻo. Ngay cả số liệu báo cáo về diện tích rừng giữa UBND huyện Phú Quốc và BQL rừng phòng hộ cũng không thống nhất.

Theo một bản kết luận thanh tra, ngày 26-8-2011, của UBND huyện Phú Quốc, diện tích rừng phòng hộ bị thu hồi là 3.259,9 ha, trong khi BQL rừng phòng hộ lại báo cáo có tới 3.615,02 ha.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ đã bị điều chuyển sang các loại đất khác trái qui hoạch như: chuyển 1.437,64ha sang đất trồng cây lâu năm, chuyển sang đất mặt nước 211,21ha. Số liệu báo cáo về rừng đặc dụng cũng không chính xác.

Thống kê rừng đặc dụng đến cuối năm 2010 là 30.735,49 ha, nhưng UBND huyện Phú Quốc báo cáo 31.422 ha, số liệu báo cáo của UBND tỉnh lại là 29.135,9 ha.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG