Hà Tĩnh:

Lời khẩn cầu cấp thiết của người vợ kẻ nát rượu

Lời khẩn cầu cấp thiết của người vợ kẻ nát rượu
TP - Một người làng miêu tả: Mẹ con chị Tỵ chạy trốn mỗi khi Lợi say rượu còn khốn khổ hơn cả việc bầy tui chạy trốn máy bay Mỹ thời chiến tranh. Thằng Mỹ bay trên trời còn dễ trốn được, chứ thằng Lợi chạy dưới đất thì mẹ con chị ấy trốn vào đâu...
Lời khẩn cầu cấp thiết của người vợ kẻ nát rượu ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Tỵ

Trong cuộc sống thường nhật, có biết bao cảnh tang thương đã xảy ra chỉ vì rượu: Người bị chém mang thương tật suốt đời, kẻ ẩu đả phải vào tù..., nhiều gia đình tan nát cũng vì rượu. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến những thảm họa ấy do mọi người chưa vào cuộc quyết liệt để can thiệp kịp thời.

Câu chuyện mà Tiền phong nêu dưới đây là lời cảnh tỉnh với những người nát rượu...

Chuyện từ một lá đơn

Một thầy giáo từ đất Hương Khê  gửi cho báo Tiền phong lá đơn “Lời kêu cứu của hai đứa trẻ”, nhiều đoạn miêu tả hết sức rùng rợn về hành vi của anh Trần Văn Lợi (sinh năm 1972, quê ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê), mỗi khi say rượu gây biết bao đau thương cho vợ con.

Chúng tôi lên đường tìm đến một xóm núi nằm dưới chân dãy Giăng Màn xưa là căn cứ địa của Binh đoàn 559.

Nhiều người dân địa phương này xác nhận: Trần Văn Lợi là một bợm rượu nổi tiếng đất Hương Đô. Cách đây khoảng chục năm anh Lợi khi say đã vác dao chém vợ hai nhát trên đầu và đánh nhiều người khác, bị cơ quan công an bắt, sau đó phải đi cải tạo 2 năm ở Quảng Trị.

Mãn hạn trở về,  anh Lợi cũng đã chăm chỉ làm ăn cày thuê, cuốc mướn cùng vợ con xây dựng được nhà cửa, mua sắm được vật dụng bàn, ghế, tủ, giường, ti vi và xe máy.

Gần đây, anh Lợi trở lại đường cũ, uống rượu bạt mạng, say lè nhè đập phá nhà cửa và đánh đuổi vợ con thường xuyên. Một người dân dặn chúng tôi: “Đừng dại mà tiếp cận lúc anh ta say, dễ xảy ra hậu họa”.

Nhằm lúc Lợi vắng nhà, chúng tôi đến gặp được chị Nguyễn Thị Tỵ (sinh năm 1968) hơn chồng 4 tuổi. Chị kể về nỗi sợ hãi hoảng loạn mỗi lần anh Lợi (chồng chị) say là đánh đập mẹ con chị chí tử, khiến mẹ con ôm quần áo chăn màn bỏ trốn ra rừng.

Nhiều lần, khi đêm tối trùm xuống mẹ con chị mới dám mò về chui vào phòng học của trường THCS Hương Đô nằm ngủ. Sáng dậy lại sơ tán vào rừng nhờ người đến xem xét, nếu thấy chồng đã tỉnh rượu mới dám về nhà. Có đêm mẹ con chị phải chui vào ống cống nằm ngủ, vì anh Lợi khi say vẫn đi tìm.

Theo chị Tỵ, làng xóm cũng không ai dám cho mẹ con chị vào ngủ nhờ vì sợ anh Lợi gây sự. Bố mẹ đẻ của anh Lợi nhiều lần can ngăn cũng không được. “Khi anh ấy tỉnh rượu chính quyền gọi lên lại “vâng vâng, dạ dạ” hứa sẽ sửa chữa không đánh đuổi vợ con nhưng rồi lúc say chứng nào vẫn tật ấy”, chị Tỵ nói.

Một người làng miêu tả: Mẹ con chị Tỵ chạy trốn mỗi khi Lợi say rượu còn khốn khổ hơn cả việc bầy tui chạy trốn máy bay Mỹ thời chiến tranh. Thằng Mỹ bay trên trời còn dễ trốn được, chứ thằng Lợi chạy dưới đất thì mẹ con chị ấy trốn vào đâu rồi cũng phải về nhà. Mà về là tiếp tục bị  ăn đòn nặng thêm.

Con bỏ học vì cha nát rượu

Em Trần Thị Hương (sinh năm 1991) đang là học sinh lớp 10A trường THPT Phúc Trạch bị Lợi đánh đập tàn nhẫn, nhiều lần băm vằm quần áo của con khiến Hương không chịu được phải bỏ học. Một thầy giáo cho biết, nhiều lần Hương tâm sự muốn tìm đến cái chết nhưng rồi thương mẹ và em trai nên không thể chết được.

Có lần Hương tâm sự với thầy giáo: “Em không thể đi học nữa đâu thầy ạ... Bố em dùng dùi cui đánh vào lưng, vào đùi, dùng rựa dọa chém. Những lúc bố em say ông ấy lấy nước rửa bát đổ lên đầu em. Bố em đánh em trước mặt bạn bè và hàng xóm. 

Gặp chúng tôi biết là nhà báo về tìm hiểu sự việc, em hoảng hốt không dám cho chụp ảnh vì sợ khi báo chí thông tin bố lại đánh. Nhìn một nữ sinh 17 tuổi gương mặt thất thần khi chúng tôi nói đến những lời trong lá đơn của một nhà giáo kêu cứu thay cho em, em chỉ gật đầu xác nhận mà không dám nói gì thêm.

Tôi hỏi Hương: Cháu bỏ học thật ư? Hương xác nhận bằng động tác gật đầu và nói thêm: Cháu sẽ đi Nam kiếm sống và lao động gom góp tiền gửi về giúp mẹ nuôi em ăn học.

Trút được nỗi niềm tâm sự với chúng tôi, Hương lảng tránh ra sau vườn nhà để khóc.

Thấy trên người Hương mặc bộ quần áo mỏng manh mà thời tiết ở vùng rừng núi rất lạnh lẽo, chúng tôi đặt vào tay cô bé một khoản tiền và nói: Em hãy dùng khoản tiền này để làm một việc gì đó có ích cho mình trong những ngày này. Hương từ chối không nhận. Người phụ nữ đi cùng chúng tôi thuyết phục mãi em mới cầm.

Trở lại câu chuyện buồn với chị Nguyễn Thị Tỵ - người đàn bà bất hạnh này đồng ý chụp ảnh và đưa những thông tin này lên báo với mong muốn là chính quyền địa phương và các đoàn thể có những việc làm quyết liệt để giúp anh Trần Văn Lợi cai rượu nhằm hạn chế bớt những trận đòn với mẹ con chị, phòng ngừa những thảm họa có thể xảy ra.

Chúng tôi đã đến trường THCS Hương Đô, được thầy hiệu trưởng cho gặp em Trần Văn Đức (sinh năm 1993) con trai của anh Lợi - chị Tỵ. Cháu Đức xác nhận việc bố say rượu và đánh đập mẹ con là thường xuyên. Nhiều lúc Đức cũng phải vật lộn với bố để ngăn không cho bố đánh mẹ. Đức cũng đã bỏ học một thời gian nay được nhà trường động viên mới trở lại lớp.

Được biết em Trần Thị Hương là một học sinh giỏi, năm học lớp 9 là học sinh giỏi môn Sinh vật cấp tỉnh. Việc em Hương bị thất học là một thiệt thòi lớn cho em và cả nhà trường.

Nguyện vọng của đông đảo thầy cô giáo và các bạn muốn em được trở lại trường. Nhưng với gia cảnh có một ông bố thâm niên say rượu luôn dùng bạo lực náo động trong gia đình khiến mẹ con không yên thân làm ăn thì nói gì đến chuyện học hành.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ? 

MỚI - NÓNG