Lời khai mâu thuẫn trong phiên xử nhóm cán bộ 3 ngân hàng 'tiếp tay' lừa đảo 430 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong quá trình xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án, HĐXX thấy lời khai từ hai phía có sự mâu thuẫn nên quyết định trả hồ để điều tra bổ sung.

Sau hơn một ngày công bố bản cáo trạng, chiều 5/5, TAND TP Hà Nội xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1974, lao động tự do) người giữ vai trò chính trong vụ án lừa đảo 430 tỷ đồng có sự tiếp tay của nhóm cán bộ 3 ngân hàng PVcomBank, VietABank và NCB.

Trả lời HĐXX, Hà Thành cho rằng quan hệ của mình với ông Đặng Nghĩa Toàn (trú tại quận Hoàn Kiếm) là vay nợ theo hình thức cả hai sẽ cùng gửi tiền ngân hàng qua hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu.

Hợp đồng lập hai bản, ngân hàng giữ một bản, còn một bản ông Toàn giữ. Bị cáo sẽ mượn ông Toàn hợp đồng này để photo, làm hồ sơ chứng minh tài chính để vay tiền thực hiện các dự án.

Thành cũng khai thêm, đã trả ngay cho vợ chồng ông Toàn khoản lãi ngoài 4,2% một tháng, còn vợ chồng ông Toàn không biết Thành sẽ dùng sổ tiết kiệm để làm gì.

Từ lời khai trên của Thành, HĐXX nhận thấy mâu thuẫn với những gì bị cáo khai tại cơ quan điều tra nên công bố lời khai của Thành tại cơ quan điều tra với nội dung "ông Toàn biết rõ tôi sẽ tìm cách để rút tiền trong sổ tiết kiệm này, Toàn chỉ không biết là tôi sẽ rút bằng cách nào".

Sau khi nghe HĐXX đọc lại lời khai này, Hà Thành phủ nhận "không hề khai như thế".

Lời khai mâu thuẫn trong phiên xử nhóm cán bộ 3 ngân hàng 'tiếp tay' lừa đảo 430 tỷ đồng ảnh 1

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (đeo khẩu trang xanh) cùng đồng phạm tại tòa.

Một mâu thuẫn khác cũng xuất hiện trong phần xét hỏi chiều nay đến từ phía ông Đặng Nghĩa Toàn (người được cho là bị hại của vụ án). Ông toàn khai rằng, bản thân mới nhận 4 tỷ đồng tiền lãi từ Thành và chưa nhận lại tiền gốc, trong khi Thành khẳng định đã trả được cho ông Toàn 35 tỷ đồng nhưng không có giấy tờ chứng minh.

Ông Toàn khẳng định thêm, không biết Thành sẽ cầm sổ tiết kiệm của mình đi thế chấp, rút tiền, cũng không nhận thông báo gì từ ngân hàng.

Bị chủ tọa chất vấn "tại sao vay nợ thông thường không đưa tiền trực tiếp mà lại phải gửi vào ngân hàng sau đó cho mượn sổ, rồi nhận lãi từ Thành?". Ông Toàn trả lời, do Thành xưng là cán bộ ngân hàng, nếu đưa sổ tiết kiệm cho Thành sẽ giúp ông có lãi suất tốt.

Nhận thấy lời khai mâu thuẫn từ hai phía, thẩm phán Phan Huy Cương (Chủ tọa phiên tòa) quyết định trả hồ sơ để tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.

Theo đó, HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra cần làm rõ ông Đặng Nghĩa Toàn có hay không có dấu hiệu đồng phạm lừa đảo với Nguyễn Thị Hà Thành và thực chất, quan hệ vay nợ của Thành và ông Toàn ra sao.

Ngoài ra, HĐXX cho rằng hồ sơ vụ án thời điểm hiện tại cũng chưa làm rõ được tổng số tiền lãi ông Toàn đã nhận từ Thành và số tiền lãi Thành đã nhận từ các ngân hàng là bao nhiêu; số tiền Thành còn nợ ông Toàn có đúng là 122 tỷ đồng không.

Đối với bị cáo Quản Trọng Đức (Trưởng phòng giao dịch Đông Đô – ngân hàng Việt Á), HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ để chứng minh có hay không dấu hiệu đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo hiện đang bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, hồi tháng 1/2022, phiên tòa này tạm hoãn một lần với lý do vắng mặt 2 bị cáo và đại diện của một ngân hàng, cùng 5 luật sư tham gia bào chữa, bao gồm cả luật sư của Nguyễn Thị Hà Thành. HĐXX tuyên trả hồ sơ cho Viện kiểm sát, đề nghị làm rõ thêm hành vi của một số bị cáo và các tình tiết khác liên quan.

Theo cáo trạng, khoảng năm 2016 - 2018, Thành kinh doanh tự do nhưng thua lỗ nên nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân theo cách "vay người sau trả cho người trước". Thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn. Qua các quan hệ xã hội, Thành còn tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm số tiền lớn, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các “Hợp đồng tín dụng”, vay các ngân hàng.

Mặc dù các ngân hàng đều coi Thành là khách hàng “VIP” nhưng thực tế đối tượng này không hoạt động kinh doanh, chỉ vay tiền người sau trả người trước. Từ ngày 5/6/2018 – 26/11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Từ đó, bị cáo nhiều lần gian dối, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng và các cá nhân.

Bằng thủ đoạn gửi tiền vào ngân hàng theo hình thức đồng sở hữu, Hà Thành đã gây ra 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của 3 ngân hàng và 4 cá nhân khác với tổng số tiền 433 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.