Lý giải về sự chênh lệch giá giữa các hợp đồng xuất khẩu mà VFA ký với mức giá sàn công bố, ông Nguyễn Thọ Trí đưa ra lý do do thiếu nhân lực, nên website của VFA không cập nhập giá mới thường xuyên, vì vậy không thể dùng giá trên website để đối chiếu với giá trong hợp đồng xuất khẩu. Còn giá sàn thực tế trong điều hành của Hiệp hội luôn linh hoạt và thay đổi liên tục tùy theo thị trường.
Tính đến ngày 30/9, khoảng 5,8 triệu tấn gạo đã được ký hợp đồng, trong đó gần năm triệu tấn đã được xuất cho đối tác. |
Về trường hợp của IMEX TRAVINH bán cho nước ngoài vào ngày 29/5/2009 số lượng 8.000 tấn gạo (5 phần trăm tấm) với giá 400 USD/tấn, và một số doanh nghiệp thành viên khác cũng bán với giá này trong khi trang web của VFA là 430 USD/tấn gạo (5 phần trăm tấm), ông Trí giải thích:
Thời gian giao hàng từ 1/6 đến 30/7 (do trục trặc phía nước ngoài nên có 2.000 tấn phải giao sang tháng 8), tuy nhiên do trang web của VFA chậm cập nhật thông tin nên giá sàn xuất khẩu 430 USD trên trang web ở thời điểm đó là không chuẩn xác.
Theo thông báo ngày 11/5 của VFA, giá sàn gạo 5 phần trăm tấm là 410 USD/tấn (đây là giá điều hành linh hoạt của Thường trực Hiệp hội, nghĩa là giá có thể giảm theo biên độ cho phép để phù hợp thị trường). Đến ngày 1/ 6, thông báo của VFA giá sàn vẫn ở mức 410 USD/tấn theo giá linh hoạt. Như vậy, giá IMEX TRAVINH ký là giá phổ biến lúc này. Sau đó, vào tháng 7, VFA điều chỉnh giá sàn lên 430 USD/tấn để chuẩn bị đấu thầu xuất khẩu gạo.
Từ tháng 8 trở lại đây, VFA chốt giá sàn cứng (không biên độ giảm) là 400 USD/tấn đối với gạo 5 phần trăm tấm, 375USD/tấn đối với gạo 15 phần trăm tấm và 350 USD/tấn gạo 25 phần trăm tấm. Ông Trí cho rằng, do có sự chưa khớp giá giữa văn bản và trang web, nên tạo ra sự hiểu lầm.
Giải thích tại sao lượng gạo xuất khẩu tăng đáng kể, song giá trị lại giảm so với cùng kỳ, ông Trí cho rằng, lý do chính là giá thế giới giảm mạnh. Ông Trí nhận xét, chiến lược nhường phân khúc hàng cấp cao cho Thái Lan của Việt Nam cũng ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu gạo trong thời gian qua. VFA còn cho rằng để linh hoạt trong việc điều hành xuất khẩu, sẽ vẫn chấp nhận cho các thành viên ký những hợp đồng thấp hơn mức giá sàn theo quy định.
Ông Trí dẫn chứng khi mức giá sàn 410 USD/tấn, vẫn có doanh nghiệp thành viên ký hợp đồng xuất khẩu với giá 406 USD/tấn. Tuy nhiên theo quy định thì doanh nghiệp nào bán dưới mức giá sàn thì bị coi là phá giá, cho nên lý lẽ trên của ông Trí dễ thấy là chưa thuyết phục.
Chưa lý giải được khác biệt
Theo ông Trí, Saigon Food là do Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vietfood II) đầu tư xây dựng theo chủ trương chiến lược phát triển của Chính phủ, đã được sự chấp nhận của Bộ KH&ĐT.
Cty này có 100 phần trăm vốn nhà nước, với số vốn đầu tư là 800.000 đô la Singapore (khoảng 10 tỷ đồng). Tuy nhiên, ông Trí không đưa ra được giải thích về sự khác biệt giữa vốn đăng ký tại Singapore (chỉ 1 USD) với vốn của Bộ KH&ĐT cấp phép.
Việc thành lập Saigon Food ở Singapore theo ông Trí là có lợi thế hơn so với điều hành ở Việt Nam. Ông Trí cho biết, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, việc xuất khẩu phải đảm bảo an ninh lương thực, người trồng lúa có lời, doanh nghiệp xuất khẩu có lời và không để chỉ số tiêu dùng trong nước tăng.
Nhưng ông Trí lại nói: "Lợi ích nông dân càng cao càng tốt, nhưng nếu cao quá lại ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng..." . Được biết, toàn bộ việc điều hành xuất khẩu gạo từ khi có VFA đến nay, vẫn được thực hiện... qua điện thoại, dù từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.000 hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Lê Quốc Dung: Sẽ xem xét đưa ra Quốc hội Trao đổi với Tiền Phong chiều 7/10, ông Lê Quốc Dung bày tỏ, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đã từng chất vấn về việc điều hành xuất khẩu gạo. Kỳ họp tới đây, cần tiếp tục chất vấn về tính hợp pháp của việc Tổng giám đốc Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) nắm luôn quyền Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Quả thực, nếu có việc Vinafood 2 lập doanh nghiệp sân sau để bán dưới giá sàn thì phải làm rõ. Điều này sẽ tác động lớn đến thị trường lúa, gạo, sẽ nảy sinh tiêu cực. Không đơn vị kinh doanh tư nhân nào làm như vậy, không bao giờ chúng ta cho phép điều này. Chúng ta phải làm rõ xem mức độ quan hệ giữa Vinafood 2 và Saigonfood tại Singapore như thế nào. Số tiền chênh lệch từ gửi giá rơi vào túi ai. "Tôi tán thành với ý kiến của TS Lê Đăng Doanh. Đây là thông tin quan trọng để Ủy ban chúng tôi chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tới. Tôi sẽ nói chuyện với một số đại biểu và sẽ tiến hành chất vấn tại kỳ họp Quốc hội tới"- Ông Dung nói. * Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, cho biết, đã yêu cầu các vụ chức năng liên hệ với VFA hỏi tình hình. "Chúng tôi chờ VFA báo cáo cụ thể ra sao, sau đó mới có ý kiến”- Ông Biên nói. |