Theo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương. Việc đăng ký này không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Bảo Long sống tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) cho hay, để thuận lợi cho bản thân, anh đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên) nhưng bị từ chối vì lý do đã quá tải. Sau đó, anh đành đăng ký khám chữa bệnh tại một bệnh viện tư nhân khác trên đường Thụy Khuê (Tây Hồ) cách nhà hơn chục km.
Trên một số diễn đàn, việc rao vặt, bán suất đăng ký KCB ban đầu khi làm thẻ BHYT diễn ra công khai. “Mình đang gom hồ sơ BHYT ở một số bệnh viện như 108, Xanh Pôn, Trí Đức, Việt Nam Cu Ba, Y học cổ truyền từ 1 - 15 hàng tháng, kể cả người ngoại tỉnh cũng mua được, có nhu cầu liên hệ…” - một cá nhân rao trên một diễn đàn mạng.
Phóng viên vào vai một người ở ngoại tỉnh muốn mua một suất KCB ban đầu tại bệnh viện Xanh Pôn - bệnh viện lớn, ở trung tâm thành phố. Đầu dây bên kia, một người tên H. mời chào: Hồ sơ chỉ cần bản phô tô chứng minh thư. Chi phí năm đầu tiên là 3,5 triệu đồng; từ năm thứ 2 trở đi phải đóng 3 triệu đồng/năm và thanh toán bằng cách chuyển khoản. H cam kết, sau khi chuyển tiền, trong vòng 20 ngày sẽ nhận được thẻ BHYT có đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện Xanh Pôn như đã yêu cầu.
Sau chuyển số tiền trên và gửi bản chụp chứng minh thư, khoảng 1 tháng sau, H liên lạc lại thông báo đã hoàn thành thẻ BHYT. Thẻ BHYT mà PV nhận được y hệt những thẻ khác và đúng theo yêu cầu: Nơi KCB ban đầu là Bệnh viện Xanh Pôn. Thẻ do Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội Nguyễn Đức Hòa ký, đóng dấu.
Trách nhiệm vòng quanh
Ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội (cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm về cấp thẻ BHYT tại Hà Nội) cho biết: Người lao động trong các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị tham gia Bảo hiểm xã hội được chọn nơi KCB ban đầu rồi lập danh sách gửi về Bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện. Với hộ gia đình tham gia BHYT riêng lẻ có thể qua đại lý (có thể là UBND phường xã) hoặc có thể đến trực tiếp cơ quan BHXH quận huyện làm thẻ, đăng ký nơi KCB ban đầu.
Tuy nhiên, ông Thuật cho hay: “Ở Hà Nội, các bệnh viện như 108, Bệnh viện E, Xanh Pôn… do số lượng thẻ quá nhiều, vượt quá quy định (tối đa không quá 200 nghìn suất) nên sẽ không có trong danh sách lựa chọn đưa vào KCB ban đầu nữa. Các bệnh viện này chỉ ưu tiên cho các trường hợp đã đăng ký rồi hoặc chuyển đổi và phải Ban Giám đốc BHXH thành phố phê duyệt …” .
Khi phóng viên cho ông Thuật xem thẻ BHYT có địa điểm KCB ban đầu tại Bệnh viện Xanh Pôn nêu trên, ông Thuật rất ngạc nhiên. Xác minh ngay tại buổi làm việc, ông Thuật cho biết, thẻ này được đăng ký theo hộ gia đình xuất phát từ đại lý của phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Kiểm tra toàn bộ hộ “gia đình” này cho thấy có 6 trường hợp (kể cả thẻ BHYT của PV) nhưng thông tin rất lộn xộn như: Họ của con không trùng với bố, con nhiều tuổi hơn mẹ...
Sau nhiều tuần xác minh tại các quận huyện, ông Thuật cho biết chỉ phát hiện 49 trường hợp cấp thẻ BHYT vào các bệnh viện đã quá tải như trên và đều thuộc phường Bách Khoa. Ông Thuật cho hay, việc bán suất đăng ký này do chị N, nhân viên hợp đồng phụ trách BHXH của phường này thực hiện. Cách thức của chị N là kê khai các trường hợp có nhu cầu mua suất khám chữa bệnh lớn, rồi đổi mục đăng ký từ “cấp mới” sang “tái tục” (tức là đưa những người này vào danh sách những người đã được cấp thẻ ở các bệnh viện lớn nêu trên, nay cấp lại). Ông Thuật cho rằng, trách nhiệm chính thuộc chị N nhưng sẽ rà soát lại trách nhiệm ban lãnh đạo BHXH quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua vẫn chưa ra kết quả.
PV Tiền Phong đã làm việc với ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch UBND phường Bách Khoa và chị N. Chị N thừa nhận việc tự tay chuyển các hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế vào các bệnh viện đã quá tải theo diện “tái tục” như trên. Tuy nhiên, chị N lý giải, người dân đến phường tự kê khai “tái tục” rồi chị chuyển lên BHXH quận Hai Bà Trưng; bản thân chị không có thẩm quyền và cơ sở để kiểm tra. Chủ tịch UBND phường Bách Khoa cũng đề nghị: “BHXH không chia sẻ với chúng tôi cơ sở dữ liệu nên chúng tôi không thể kiểm tra được. BHXH nắm dữ liệu, có thể phát hiện ngay trường hợp đó là “cấp mới” hay “tái tục”, không thể đổ lỗi cho nhân viên của chúng tôi được”. Ông Kháng và chị N đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Khi phóng viên Tiền Phong vừa làm việc với ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội và một vài cán bộ khác của BHXH Hà Nội được vài phút (nội dung làm việc về về tấm thẻ BHYT mà PV đã mua suất KCB ban đầu tại Bệnh viện Xanh Pôn), thông tin lập tức đến tai đối tượng H. - người nhận tiền, làm thẻ BHYT nêu trên.