Lời chào của Ninh 'phở'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần 50 tuổi mới có triển lãm cá nhân đầu tiên, dù là con nhà nòi, dù là tốt nghiệp Mỹ thuật từ cách đây một phần tư thế kỷ, đó là trường hợp của Nguyễn Đoan Ninh, tục danh là Ninh “phở”. Các họa sĩ thường không giỏi biểu đạt cảm xúc bằng lời, đi xem triển lãm của Ninh “phở” về, họ chỉ nói với nhau ngắn gọn: oách!

15 diễn ngôn khổ lớn và rất lớn

Tất cả tranh triển lãm của Nguyễn Đoan Ninh lần này đều có khổ lớn và rất lớn: bức nhỏ nhất chiều ngang 1,2 mét, cao 1,6 mét; bức lớn nhất cao 2 mét, dài 4,8 mét. Hơi khó định danh trường phái tranh của Ninh “phở” bởi vì nó lẫn lộn nhiều trường phái, có siêu thực, có biểu hiện, có pop art, đôi khi có cả chút thủy mặc... Nhưng khi thực hành nghệ thuật đến năm thứ năm, Nguyễn Đoan Ninh đã kể, anh không còn bị lệ thuộc vào các hình thức biểu hiện. Gì cũng được, miễn là nó có thể chuyển tải ý tưởng của anh.

Lời chào của Ninh 'phở' ảnh 1

Một tác phẩm khổ lớn trong triển lãm

Ý tưởng xuyên suốt của Ninh “phở”, từ lúc bắt đầu cầm cọ cho đến giờ, đều là “tôi vẽ con người tôi, vẽ từ bên trong vẽ ra”. Theo đó, tranh của Nguyễn Đoan Ninh, nói theo kiểu văn vở, chính là tiếng lòng của anh, là diễn ngôn nghệ thuật của anh, trăm phần trăm, nguyên chất, không pha tạp, không thỏa hiệp, cho dù “vẽ ra không ai mua”.

Cái sự “vẽ con người tôi” lộ liễu nhất trong tranh của Ninh “phở” chính là những hình hài béo nẫn đậm chất giễu nhại mà nhiều người mặc định là anh đang tự họa. Trong câu chuyện hậu trường về những “lựa chọn béo” này, anh cho biết: “Khi khắc họa người béo tôi thấy rất dễ để đưa cảm xúc vào. Có tạo hình sai cũng chả sao, cơ không đúng cũng không ai vặn vẹo vì người béo mà, chỗ nào chả chảy xệ. Thứ hai, đúng là vì béo thì giống mình. Một nguyên nhân nữa là khi nói đến người béo rõ ràng người ta có hẳn một bộ mặc định: béo đồng nghĩa với cái gì không tốt (ai bây giờ chả thích giảm béo), cho sự thừa thãi, ăn ẩu, ăn tạp... người béo tính tình thì hềnh hệch, có mấy ông béo ngồi trầm tư đâu. Hình dung những người béo chất đống lên thì trông phát khiếp như thế nào chính là những gợi ý tranh hay, mang tính biểu tượng khá mạnh”.

Về sau, Nguyễn Đoan Ninh cũng thừa nhận, đến năm ngoái, năm kia anh đã không còn nhiều hứng khởi với tạo hình béo, vì “không cảm thấy nó là cần thiết nữa, có những vấn đề khác xuất hiện. Tôi không bám vào việc tạo phong cách bằng sự dị dạng, thích gì vẽ nấy thôi”.

Có nhiều thay đổi trong tư duy không bám chấp của Nguyễn Đoan Ninh trong loạt tranh triển lãm lần này. Một số bức tranh anh làm từ thời kỳ đầu được đem ra làm tiếp, bồi lên với một tâm thế khác. Thành ra, bên dưới bề mặt những bức tranh triển lãm là nhiều tầng lớp tranh những giai đoạn trước đó của anh. Tất nhiên, để hoàn thiện loạt tranh này, thời gian là “lâu cực luôn” bởi vì muốn tác phẩm hay phải suy tính nhiều, làm nhiều, tỉa tả kỹ lưỡng, tỉ mỉ.

“Trước tôi vẽ hình hài rõ, giờ tôi lại muốn xóa nó đi. Có nhiều cái không xóa hết, tôi đắp cái này cái kia lên, nó tạo ra một hiệu ứng rất hay về những cái mà mình đã làm: mình không cách nào xóa hết được, kể cả dập lên, đè lên, che đi. Thì nó vẫn còn ở bên trong. Tôi thích ý niệm đó”.

Nói thêm, cái tâm thế khác của Ninh “phở” có nguồn gốc từ trận đại dịch Covid. “Trước đây, tôi nói gì cũng rất gắt, nhưng sau dịch tôi thay đổi nhiều. Bởi vì có nhiều cái nay tưởng đúng sau chưa chắc đúng”.

Về loại giấy “có duyên”

Toàn bộ tranh triển lãm lần này của Nguyễn Đoan Ninh đều sử dụng một loại giấy của người Mông ở Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) làm chất liệu chính. Đây là loại giấy giang do được làm từ cây giang non (cũng có người quen miệng gọi là giấy dó), một đặc sản văn hóa của người Mông có lịch sử tới gần 300 năm.

Nhiều năm trước Ninh “phở” được bạn tặng một tờ giấy giang khổ lớn (1,2mx1,8m), vì quá thích, anh gìn giữ mãi không dám mang ra vẽ. “Tờ giấy màu ngà, trông rất tự nhiên, chỗ dầy chỗ mỏng, không đều chằn chặn như giấy công nghiệp. Về sau, tôi đi chơi, thấy người ta bán loại giấy này nhiều, giá lại rẻ, thế là ôm hết mớ này đến mớ kia về Hà Nội. Từ đó, hầu như tôi chỉ vẽ trên giấy giang, càng làm càng bị cuốn vào. Tôi có tìm hiểu, cách người Mông làm giấy khá tùy tiện: sau khi ngâm giang và tách bột, nếu như theo cách thông thường, người ta phải xeo giấy bằng những công cụ khá phức tạp thì người Mông cầm cả cái chậu dội bột giấy lên khung vải màn, thành ra tờ giấy thành phẩm nó không đồng nhất về độ dày mà trông xù xì sần sùi đáng yêu. Tôi thấy tờ giấy này có cái tự do tùy tiện giống tranh tôi, giống bản thân thôi”.

Cũng theo lời kể của Nguyễn Đoan Ninh, từ quãng 2021 đổ về trước, tranh anh chưa nhiều lớp như bây giờ. Lúc đó, anh đơn giản chỉ bồi giấy lên toan, vẽ bằng than là chủ yếu, chỉ có một số bức vẽ bằng màu nước, một số rất ít bức khác thì manh mún dán vải lên nhưng không đặc trưng. Về sau, để phục vụ mục đích “xóa cái mình đã làm”, bề mặt tranh của anh được phủ nhiều lớp, trong đó đa phần là vật liệu tổng hợp, sợi thủy tinh, sợi đay... Việc chồng lớp này, ngoài tăng thêm ngôn ngữ biểu hiện của tranh (một số bức trông hơi giống phù điêu), còn tạo ra nhiều bất ngờ về điểm nhìn. Có những bức, khi nhìn thẳng nó mang một hình thái khác, chuyển góc nhìn xéo hoặc nghiêng, lại là một tạo hình khác hẳn.

Điều một số nhà sưu tập lo ngại là trong điều kiện thời tiết khó lường như Hà Nội, nếu tranh nhiều lớp như của Nguyễn Đoan Ninh không được bảo quản tốt thì sẽ tạo điều kiện để nấm mốc, bụi xâm nhập. Nói chuyện này, Ninh “phở” lại cười khà khà: “Riêng tranh tôi không sợ nồm ẩm, muốn mốc tôi cho mốc luôn. Chơi tranh đương đại thì phải máu lên chứ! Tranh phải có biến chuyển mới vui chứ! Ví như tranh gắn sắt gỉ mà nó sùi lên, xanh lên lại chả đẹp à”?

Xuề xòa mọi chuyện trừ... hội họa

Ninh “phở” nói rằng anh rất khó sắm vai nghiêm túc trong đời sống thực. Lớp vỏ ấy khiến anh thấy băn bó, mất tự nhiên và... mất hay (đây là nhận xét thêm vào của bạn Ninh). “Ông chú béo tốt” nói riêng rằng, nếu bắt buộc phải mũ cao áo dài, ăn nói chỉn chu đạo mạo thì trông anh... điêu lắm. Nên thôi, bằng lòng với cuộc sống “ngầm” một tí, bình dân một tí, lè phè một tí... Trong hội họa cũng thế, nhìn thấy cuộc đời thế nào, anh vẽ như nó vốn thế. Cho nên, tranh trúc quân tử của Nguyễn Đoan Ninh mới có năm ông béo chồng lên nhau, như những đốt trúc, anh bảo thế, còn ai nghĩ gì thì tùy.

Lời chào của Ninh 'phở' ảnh 2

Hoạ sỹ Nguyễn Đoan Ninh

Bạn anh kể, hiếm có họa sĩ nào trong đời thực lại xuề xòa như Ninh “phở”. Anh thể tất cho mọi thứ, mọi chuyện, dễ thỏa hiệp, dễ thông cảm. Người này lấn lướt một tí, anh ừ. Người kia khuynh loát một tí, anh bảo không sao, vui mà. Chỉ trừ hội họa. Đó là cõi riêng của Ninh, “mọi thế lực” đều không thể can thiệp.

Càng ngày, việc vẽ với Ninh “phở” càng nhiều tự do hơn. “Trước tôi cũng thích châm biếm đả kích. Ví dụ tôi không thích chuyện đè đầu cưỡi cổ, bịt mắt bịt mồm bịt mồm bịt tai nhau, ngồi lên đầu nhau thì tôi vẽ những cái đó, không thích thói giả tạo tôi vẽ con người giả tạo đầu bằng giấy chẳng hạn. Đấy là một cách tôi bày tỏ thái độ của mình. Bây giờ tôi vẫn chọn cách gửi gắm ấy nhưng đã bớt gay gắt hơn. Thuận tiện nghĩ ra cái gì thì vẽ cái đó không cố chấp với những “mã nhận dạng” nữa”.

Tôi hỏi, việc vẽ với anh có ý nghĩa như thế nào? Nguyễn Đoan Ninh trả lời: quan trọng đến mức bình thường, giống như ăn cơm! Rồi lại sợ nói như thế chưa đủ, anh nhấn mạnh: Nếu có người bảo cho tôi mười tỷ để ngừng vẽ thì tôi không cần suy nghĩ sẽ từ chối luôn. Nhưng nếu họ bảo cho tôi trăm tỷ có khi tôi cũng ừ, nhưng mà sau lưng sẽ vẽ trộm!

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến có câu nói nổi tiếng rằng, tiếng Việt là nguồn sướng thường xuyên của ông, thì vẽ chính là nguồn sướng của Nguyễn Đoan Ninh. “Lúc lên ý tưởng rất sướng, bắt tay vào thực hành cũng sướng, bán được tranh là sướng lên một tầm cao mới”, Ninh “phở” xác nhận.

Họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh sinh năm 1975, tốt nghiệp Khoa Sơn mài, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp năm 1998.

Triển lãm cá nhân Nguyễn Đoan Ninh diễn ra từ 8/4 tới 23/4/2023

Địa điểm : Tầng 2, Tòa nhà Mipec Riverside Hà Nội

Lịch làm việc như công chức

Ninh “phở” kể, thói quen làm việc của anh giống công chức sáng vác ô đi tối vác về hơn là một nghệ sĩ. Anh không ngồi chờ cảm hứng, cũng không sống nhờ vào cảm hứng. “Cứ làm thôi, hết sức, còn chuyện sau đó thì nhờ... số”.

Ninh “phở” cũng nói rằng, anh chưa bao giờ đặt mục tiêu phải đi tìm ánh sáng, đi tìm phong cách, bởi “biết nó ở đâu mà tìm”. “Chân lý” của Nguyễn Đoan Ninh đơn giản chỉ là giữ vững bản tâm và lao động, sao cho mình của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.

Một số người biết bố của Nguyễn Đoan Ninh là họa sĩ gốm Nguyễn Trọng Đoan nhận xét rằng, tác phẩm của hai người chả có gì liên quan nhau. Ninh “phở” bảo, không liên quan là đúng rồi, vì mỗi người một mảng. Anh cũng nói mình ảnh hưởng từ “ông già” nhiều thứ, nhưng không ảnh hưởng về nghệ thuật. Ông cụ chưa bao giờ trực tiếp khen con trai. Lúc con triển lãm cá nhân, ông chỉ chia sẻ tin tức trên facebook. “Thế là khen rồi”, Ninh “phở” gật gù khẳng định.

MỚI - NÓNG