Lời cảnh báo tới HLV Park Hang Seo

HLV Park Hang Seo sẽ phải tìm phương án gia cố hàng thủ ÐTVN cho những trận đấu sắp tới. Ảnh: NHƯ Ý
HLV Park Hang Seo sẽ phải tìm phương án gia cố hàng thủ ÐTVN cho những trận đấu sắp tới. Ảnh: NHƯ Ý
TP - Chấn thương của Duy Mạnh đang khiến cho hàng thủ đội tuyển Việt Nam lâm vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Việc hàng loạt quân bài chính trong tay HLV Park Hang Seo bị chấn thương liệu chỉ là sự ngẫu nhiên hay còn vì những nguyên nhân khác, trong đó có sự quá tải?

Duy Mạnh chấn thương ở trận tranh Siêu cúp Quốc gia-cúp THACO 2019 giữa CLB TPHCM với CLB Hà Nội, sau pha vào bóng với cầu thủ đối phương. Va chạm không mạnh nhưng chấn thương của Duy Mạnh lại quá nặng: đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước. Trung vệ CLB Hà Nội theo dự kiến sẽ phải nghỉ thi đấu ít nhất 6 tháng, phải ra nước ngoài phẫu thuật.

Chấn thương của Duy Mạnh là tổn thất lớn với CLB Hà Nội, đồng thời đang đẩy hàng thủ đội tuyển Việt Nam lún sâu vào khủng hoảng trước trận đấu lượt về với Malaysia tại Vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Trước Duy Mạnh, ông Park đã mất Trọng Hoàng, Đình Trọng vì thẻ phạt, chưa kể ở tuyến giữa Quang Hải chưa lấy lại phong độ, Huy Hùng cũng vắng mặt vì chấn thương.

Hai năm dưới thời HLV Park Hang Seo, các ĐTQG đã gặt hái vô số thành công, bắt đầu từ vị trí Á quân VCK U23 châu Á 2018 tại Trung Quốc. Tuy nhiên cũng trong thời gian trên, quá nửa đội hình chính trong tay ông Park đã gặp vấn đề về chấn thương với các mức độ khác nhau. Cụ thể trước Duy Mạnh, 5 cầu thủ khác bị chấn thương nặng là Phạm Xuân Mạnh, Phan Văn Đức (SLNA), Vũ Văn Thanh, Lương Xuân Trường (HAGL) và Đình Trọng (CLB Hà Nội).

Trường hợp Đình Trọng gây nhiều lo lắng nhất khi anh bị chấn thương rất nặng trong tình huống không có va chạm ở trận đấu giữa CLB Hà Nội với HAGL tại V-League. Anh phải nghỉ thi đấu dài hạn, ra nước ngoài phẫu thuật và hiện vẫn chưa hồi phục 100%. Đứt dây chằng chéo trước là cơn ác mộng với các cầu thủ bởi tỉ lệ tái phát rất cao khi gặp va chạm (20-25%). Đây chính là lý do giới chuyên môn rất lo lắng với các trường hợp của Duy Mạnh, Đình Trọng hay Tuấn Anh trước kia.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chấn thương của cầu thủ, và quá tải là một trong số trên. Khả năng gặp chấn thương của cầu thủ sẽ tăng lên rất cao khi thi đấu trong điều kiện quá tải. Ở góc độ này, có sự trùng hợp rất lớn với các trường hợp kể trên của đội tuyển Việt Nam khi đều là những cầu thủ phải “cày ải” trong thời gian dài. Đơn cử như chỉ riêng tại Vòng loại thứ 2 World Cup 2022, các cầu thủ trong đội hình chính của HLV Park Hang Seo phải thi đấu gần như trọn vẹn 450 phút tối đa qua 5 trận đấu. Bốn cầu thủ thi đấu đủ 450 phút là Quang Hải, Văn Lâm, 2 trung vệ Bùi Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải. Trong số trên, Quang Hải đã có dấu hiệu quá tải, sa sút phong độ từ lâu và tới SEA Games 30, anh gặp chấn thương. Trường hợp Duy Mạnh cũng thi đấu 434/450 phút ở Vòng loại World Cup 2022.

Ở giai đoạn đầu mới làm quen với đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo đã thử nghiệm rất nhiều cầu thủ. Tuy nhiên sau khi đã chọn được bộ khung ưng ý, ông Park dường như có xu hướng giữ nguyên những quân bài cũ. Đơn cử như ông có thể giữ lại tiền đạo Anh Đức đã lớn tuổi và sa sút phong độ nhưng nhất quyết không trao cơ hội cho các cầu thủ đang đạt phong độ cao ở V-League như Văn Thuận, Hải Huy hay Mạc Hồng Quân.

Điều này giúp đội tuyển Việt Nam đảm bảo lối chơi ổn định, với những vị trí rất ăn ý với nhau. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới một hệ quả, đội tuyển Việt Nam không có lực lượng dự bị đủ mạnh. VCK U23 châu Á 2020 là một ví dụ khi đội tuyển U23 Việt Nam chơi kém ấn tượng hơn hẳn so với lứa cầu thủ cách đấy 2 năm dù trong đội hình vẫn còn những gương mặt như Quang Hải hay Hà Đức Chinh.     

 Chấn thương của Duy Mạnh đang đẩy đội tuyển Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng ở hàng thủ nhưng nó cũng có thể là áp lực để HLV Park Hang Seo làm mới đội bóng cũng như lối chơi.

MỚI - NÓNG