Lốc shisha cuốn giới trẻ về đâu?

Lốc shisha cuốn giới trẻ về đâu?
Mặc dù du nhập vào nước ta muộn hơn so với nhiều “thần dược” “đốt” đời khác nhưng shisha đang dần khẳng định đẳng cấp trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ ham đua đòi. Nhiều cậu ấm, cô chiêu sẵn sàng “nướng” tiền triệu để được tận hưởng cảm giác “phê” trong làn khói trắng của “nàng shisha”, tuy nhiên ít ai biết đến tác hại của nó.

Lốc shisha cuốn giới trẻ về đâu?

> Mốt chơi quái dị của giới trẻ: Chơi ‘độc’ trên da thịt

> Độc hại khó lường khi giới trẻ 'bay' cùng shisha 

Mặc dù du nhập vào nước ta muộn hơn so với nhiều “thần dược” “đốt” đời khác nhưng shisha đang dần khẳng định đẳng cấp trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ ham đua đòi. Nhiều cậu ấm, cô chiêu sẵn sàng “nướng” tiền triệu để được tận hưởng cảm giác “phê” trong làn khói trắng của “nàng shisha”, tuy nhiên ít ai biết đến tác hại của nó.

Giới trẻ chìm đắm trong làn khói shisha với nhiều tác hại khôn lường
Giới trẻ chìm đắm trong làn khói shisha với nhiều tác hại khôn lường .
 

Bỗng dưng ‘sốt’ hừng hực

Hơn 400 năm trước, một bác sĩ người Ba Tư là Hakim Abdul-Qadir Gilani được cử đến chăm lo sức khỏe cho hoàng đế Mughal Akbar I. Việc nhà vua “khoái” khói thuốc lá khiến Hakim rất lo lắng. Thấy vậy, ông dâng lên vua hệ thống ống nước có tên là shisha, giúp “tinh lọc” bớt chất độc của khói thuốc mà người Ba Tư đã dùng. Thiết bị shisha nhanh chóng phổ biến trong giới quý tộc và trở thành biểu tượng đẳng cấp. Sau nhiều năm, shisha bắt đầu “du lịch” qua nhiều quốc gia và có thêm những tên: thuốc lào Ả Rập, Hookah, Narguileh... Một hệ thống shisha hoàn chỉnh gồm ống dây, chén đất (hoặc vỏ trái cây), vòi, bình nước, đĩa, vành đai, thân và miếng đệm. Một số bình shisha còn có thêm màng gió, van làm sạch và miếng khuếch tán.
Dù mới vào Việt Nam hơn hai năm nay nhưng shisha đã nổi tiếng và “hớp hồn” nhiều bạn trẻ. Lúc trước, trào lưu hút shisha chỉ “khép nép” ở những quán bar, vũ trường nay bỗng ồ ạt tràn ra nhiều quán cà phê, trà chanh bình dân. Nhiều quán “trà chanh shisha” đua nhau quảng cáo rầm rộ trên những trang mạng xã hội để “hút” khách. Thậm chí, một vài người còn lập ra hội những người yêu thích khói thuốc shisha trên facebook thu hút hàng ngàn thành viên tham gia.

Từ khi kinh doanh mặt hàng shisha, đường Lê Thị Riêng, phường Bến Thành (quận 1) trở nên đông đúc khác thường. Khoảng 20 giờ, các quán trà chanh trên đường này ken đầy người. Họ cười nói rôm rả bên cạnh bàn đèn shisha. Quán Phố Trà Chanh (số 29 Lê Thị Riêng) được trang trí theo phong cách Trung Đông, ánh sáng mờ ảo, huyền bí cùng tiếng nhạc du dương mang âm hưởng Ả Rập. Trong khuôn viên nhỏ hẹp của quán, từng nhóm cậu ấm, cô chiêu tụ tập. Mỗi nhóm thường có ba đến bốn người ngồi vây quanh bàn đèn shisha. Người này rít thì người khác nhiệt tình cổ vũ. Từng làn khói trắng đặc quánh phả ra làm cho không ít người phải đờ đẫn vì “phê” nàng shisha.

Một số cô cầm vòi shisha rít khí thế. Lần đầu bồi bàn “chêm” shisha cho hút, không ít cô, cậu bị ho sặc sụa, mắt lim dim, mặt tái nhợt rồi gục hẳn xuống bàn. Thấy chúng tôi bước vào quán gọi nước, nhân viên quán hỏi: “Shisha không anh? Có đủ hương vị khác nhau: nho, táo, cam, bạc hà... loại nào cũng ngon và rẻ”. “Loại nào đang được giới trẻ ưa chuộng?”, chúng tôi hỏi. “Em thấy shisha hương vị dưa gang cũng “tôm” (được nhiều người thích - N.V) lắm anh”, nhân viên quán giới thiệu. “Lấy cho tôi shisha hương vị cam”, H. - một tay “ghiền” shisha nhiều năm đi cùng chúng tôi - gọi. Nhân viên của quán nhanh chóng lấy ra bộ bàn đèn thủy tinh màu cẩm thạch cao cỡ 0,3m, vòi dài khoảng 1m.

Miệng ngậm vòi, H. rít một hơi thật mạnh rồi phà vào không trung. Khói shisha phả ra mang theo hương vị cam khá thơm. Trong bình shisha, nước bắt đầu nóng dần; trên bình, than đốt shisha phát sáng đỏ au, mùi khét lẹt. Kéo xong hơi thứ nhất, H. tiếp tục bặp môi kéo các hơi tiếp theo. “Bắn” được hơn chục “bi”, mắt H. bắt đầu gà gà, lâng lâng như người “phê” thuốc phiện. Chúng tôi nhìn sang bàn bên cạnh, một cô gái mặt búng ra sữa, một tay cầm vòi shisha còn tỏa khói, tay còn lại ôm ngực ho sặc sụa. H. ghé tai tôi thủ thỉ: “Hàng Trung Quốc nên mới “sốc” vậy. Muốn cảm giác “phê” thì chế thêm hàng “đá” và nước phải xịn. Chỉ cần hút vài lần “ghiền” luôn”.

Bước lên lầu hai của quán, chúng tôi ngạc nhiên bởi cách đốt shisha rất “nảy lửa”. Vừa bước vào phòng, chúng tôi bị dội ngược bởi tiếng nhạc chát chúa phát ra từ cặp loa “khủng”. Nếu lầu một là phong cách shisha kèm nhạc du dương thì lầu hai là shisha với cảm giác mạnh. Dân chơi không chỉ đắm mình trong khói shisha mà họ còn vô tư nhảy nhót. Trong căn phòng nhỏ, từng nhóm bạn trẻ vây lấy bàn đèn, miệng ngậm vòi rít thục mạng, khói bay mù mịt. Sau mỗi lần rít, họ bắt đầu túa ra sàn uốn éo, lắc lư theo nhịp đập liên hồi của nhạc như những con thiêu thân. Những tiếng gầm rú “tự sướng” vì phê shisha vang lên hòa với khói mịt mù làm căn phòng càng thêm ngột ngạt. Để chiều lòng thượng khách tuổi ô mai, bồi bàn cong chân ngược xuôi đến các điểm dùng shisha “chêm” thêm than để các cô, cậu kịp rít cho đủ phê. Chúng tôi hỏi: “Sao mà máu lửa vậy anh bạn?”. Hoài Nam - một thanh niên ngật ngưỡng - trả lời: “Đang phê”. “Làm sao để phê?”. “Dùng shisha “chế” thì sẽ “phê” thôi”. Theo tìm hiểu, chỉ có những khách quen, chủ quán mới “xi nhan” cho lên lầu hai dùng shisha “chế”, còn khách lạ kêu loại này sẽ bị từ chối.

Những bàn đèn hút shisha có giá “trên trời”
Những bàn đèn hút shisha có giá “trên trời”.
 

Tiếp tục ghé quán Tuyết Nhung (số 41 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành) cách đó không xa, nhìn bề ngoài, quán này có vẻ bình dân hơn nên chủ yếu dùng shisha rẻ tiền chỉ 150 ngàn đồng/một bình. Rảo mắt nhìn quanh quán, chúng tôi nhận thấy dân chơi shisha tại đây đa số mặt mũi còn non choẹt. Mấy cậu nhuộm tóc xanh đỏ, bù xù đi cùng mấy cô gái ăn mặc hở hang, váy ngắn cũn cỡn. Đa số họ là học sinh của các trường phổ thông trung học. Thậm chí, nhiều bạn trẻ đến quán còn mang trên mình đồng phục của các trường học trên địa bàn thành phố. Minh Tuấn - sinh viên một trường đại học gần phố trà chanh - kể: “Bữa trước sinh nhật đứa bạn. Thằng này thích chơi ngông nên kêu cả nhóm đi thử shisha. Hút dần dần rồi “ghiền” lúc nào không hay. Từ bữa đến nay, ngày nào không làm vài khói thì trong người thấy bứt rứt, khó chịu, nhớ “em” nó lắm!”. Theo sinh viên này, để shisha thêm đậm đặc và có độ “phê” cao, dân chơi thường chế thêm sữa, rượu hoặc ma túy. Càng về khuya, các quán trà chanh có cho hút shisha tại đây càng nhộn nhịp.

Hệ lụy khôn lường

Một chiều, Toản (16 tuổi, đang theo học tại một trường phổ thông trên địa bàn quận 1) ngáp ngắn ngáp dài. Nghi ngờ con mình bị nghiện, mẹ Toản bắt em đi xét nghiệm. Kết quả, Toản dương tính với ma túy. Gặng hỏi con, Toản thừa nhận: “Con và tụi bạn chơi shisha, hút hoài cũng chán nên thỉnh thoảng bỏ thêm rượu và hàng “đá” để phê hơn. Nhiều lần hút shisha “chế” nên con mới bị “dính” ma túy”.

Trong vai người đi mua bình và thuốc shisha về mở quán, chúng tôi tìm đến đầu nậu ở khu vực quận 10 và được nghe những lời mời chào bùi tai. Nam thanh niên tên Quý hào hứng kể: “Chỗ chúng tôi nhập toàn hàng từ các nước Trung Đông nên chất lượng khỏi phải bàn. Mấy anh lấy số lượng nhiều, chúng tôi giảm giá cho”. Tuy nhiên, khi cầm bàn đèn và thuốc shisha lên xem kỹ, chúng tôi thấy vỏ hộp và bịch thuốc lào xuất hiện nhan nhản chữ Trung Quốc. Ngạc nhiên vì quảng cáo một đằng, xuất xứ một nẻo, chúng tôi hỏi: “Sao anh nói shisha nhập từ Trung Đông mà bao bì lại có chữ Trung Quốc?”. Quý vội cắt nghĩa: “Hiện nay, một số công ty Trung Đông họ liên kết với Trung Quốc để mở rộng thị trường ấy mà. Vì vậy trên một số sản phẩm có in chữ Trung Quốc là bình thường. Còn thuốc shisha để hút là một loại biệt dược chỉ có ở Trung Đông”. “Biệt dược đó là gì vậy?”. Nam thanh niên giải thích: “Biệt dược này là một loại thảo mộc có chứa nicotine, khi hút sẽ tạo cảm giác khoan khoái, dễ chịu”. Sau màn quảng cáo trên trời, nam thanh niên lấy shisha ra cho chúng tôi hút thử. Rít một hơi thật mạnh, nhả ra từ trong miệng làn khói đen xám xịt, khét lẹt, cảm thấy khó chịu, đầu óc mệt mỏi và buồn nôn. Tôi vội hỏi: “Hàng Trung Đông sao hút dở thế? Thành phần của nó như thế nào”. Lúc này, người thanh niên lúng túng trả lời mập mờ: “Có lẽ do lần đầu thử, anh rít sâu nên mới “sốc” như vậy. Anh xem, thuốc của nó giống mứt có mùi thơm dễ chịu không nè!”.

Nhiều người lập ra hội những người yêu thích shisha trên facebook
Nhiều người lập ra hội những người yêu thích shisha trên facebook .
 

Đến khu chợ Kim Biên (quận 5), chúng tôi không mấy khó khăn hỏi mua mặt hàng này với đủ loại: từ Trung Quốc, Ấn Độ đến Thái Lan, Ả Rập... trong đó hàng Ả Rập và Thái Lan được xem là hàng cao cấp với giá bán cả bình và thuốc từ 3.500.000 đến 6.000.000 đồng/một bộ; hàng Trung Quốc chỉ có 500.000 đồng/một bộ. Vừa đến cửa hàng T.H, chủ quán đon đả: “Mua “kẹo” phải không?”. Theo lời chủ cửa hàng, khách mua thuốc Ả Rập, Thái Lan chủ yếu là dân đại gia, còn hàng Trung Quốc được các quán cà phê, bar, trà chanh mua về “chế” thêm bán đại trà miễn sao rẻ mà lời cao, hương vị của nó không thua kém gì hàng xịn. Shisha được các quán bar, cà phê, trà chanh... xếp vào menu là “món” cao cấp “hái” ra tiền. Việc công khai sử dụng shisha tại những quán này sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động trá hình. Các quán bar, cà phê, trà chanh thường có không gian nhỏ hẹp, đèn chiếu sáng mập mờ, nhạc xập xình lại ít người quản lý... nên dân shisha dễ dàng “chế” thêm các loại ma túy, rượu... cực kỳ nguy hiểm.

Ở nước ta, chưa có tài liệu chính thức nào nghiên cứu về tác hại của shisha, nhưng trên các diễn đàn, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới khẳng định: Việc hút shisha cũng gây hại cho sức khỏe không kém gì thuốc lá, nếu sử dụng cùng ma túy thì đặc biệt nguy hiểm. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy mỗi lượt hút shisha thường kéo dài hơn 40 phút, và gồm từ 50 đến 200 lần hít, mỗi lần từ 0,15 đến 0,5 lít khói. Trong một lượt hút shisha kéo dài một giờ, một người có thể sẽ hít nhiều gấp 100 đến 200 lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotine so với hút một điếu thuốc lá. Một nghiên cứu vào năm 2005 cũng cho thấy người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp năm lần người không hút. Ngoài ra, trên thị trường xuất hiện trôi nổi các mặt hàng thuốc shisha không rõ nguồn gốc chủ yếu là hàng Trung Quốc khi hút vào sẽ gây cảm giác đau đầu, buồn nôn và lâu dài sẽ gây ra tình trạng đãng trí.

Ông Đoàn Xuân Vinh - Phó chủ tịch UBND phường Bến Thành - cho biết: “Hiện chưa có văn bản nào cấm kinh doanh mặt hàng shisha, lợi dụng điều này, nhiều quán chế thêm bồ đà, ma túy tổng hợp, rượu, bia... để tăng lợi nhuận, do đó việc kinh doanh mặt hàng này tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Thời gian qua, phường Bến Thành phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử phạt những quán kinh doanh shisha vi phạm”.

Theo Công an TPHCM

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG