Loay hoay đầu ra cho da giày

Loay hoay đầu ra cho da giày
Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt gần 3 tỷ USD, riêng tháng 6 đạt hơn 610 triệu USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu giày dép của Việt Nam vượt mốc 600 triệu USD/tháng. Song điều đó không có nghĩa là mục tiêu cán đích 6 tỷ USD trong năm nay của ngành da giày Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, sẽ thuận buồm xuôi gió.

Loay hoay đầu ra cho da giày

> Xuất khẩu da giày đạt trên 1 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt gần 3 tỷ USD, riêng tháng 6 đạt hơn 610 triệu USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu giày dép của Việt Nam vượt mốc 600 triệu USD/tháng. Song điều đó không có nghĩa là mục tiêu cán đích 6 tỷ USD trong năm nay của ngành da giày Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, sẽ thuận buồm xuôi gió.

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Gia Định
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Gia Định.

Số lượng công nhân của Công ty Giày Gia Định (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) hiện chỉ có thể đáp ứng 50% đơn hàng đã tiếp nhận. Thiếu hụt lao động khiến công ty phải từ chối đơn hàng mới, ngay cả những đơn hàng đang triển khai cũng phải cân nhắc hiệu quả mới thực hiện tiếp. Thực tế cho thấy, giá trị xuất khẩu của công ty từ đầu năm đến nay không cao vì hầu hết là đơn hàng gia công. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc công ty, giải thích: "Một đôi giày bán trực tiếp cho khách nước ngoài giá từ 30-50 USD tùy loại giày mùa hè hay mùa đông. Tuy nhiên, do chúng ta gia công nên chỉ nhận được rất ít ỏi, từ 1,5 đến 3 USD/đôi giày".

Thực trạng tại Công ty Giày Gia Định đang là khó khăn chung của hầu hết các đơn vị trong số gần 200 doanh nghiệp da giày TP Hồ Chí Minh. Nghịch lý lớn nhất hiện nay là mặc dù kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD có được nhờ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với chu trình sản xuất khép kín. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp da giày của TP Hồ Chí Minh thực hiện các đơn hàng gia công nên giá trị xuất khẩu rất thấp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm nay đơn hàng xuất khẩu của ngành da giày khá dồi dào. Đáng chú ý là đơn giá xuất khẩu trung bình các sản phẩm giày dép đều tăng 5,35-15% so với năm ngoái. Ngoài lợi thế từ chính sách thuế quan tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, ngành da giày còn thuận lợi khi Bộ Công thương vừa phê duyệt "Chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025". Song khi Liên minh châu Âu (EU) bãi bỏ thuế chống bán phá giá với giày Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 31-3-2011 cũng đồng nghĩa với cuộc chiến giành "chiếc bánh thị phần" càng trở nên khốc liệt.

Nhiều doanh nghiệp da giày TP Hồ Chí Minh hiện phải sản xuất cầm chừng, một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất do giá nguyên phụ liệu tăng từ 20-30% so với năm 2010, lãi suất ngân hàng tăng cao, tiếp cận nguồn vốn ngày càng khó… trong khi đầu ra chỉ tăng chưa đến 10%. Nhiều đối tác nước ngoài còn muốn hạ giá tiền gia công - với lý do mẫu mã đã làm quen nhiều năm - khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (doanh nghiệp trong nước) của TP Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn. "Khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp da giày TP Hồ Chí Minh hiện nay là tìm lời giải cho bài toán đầu ra. Nếu không nhận đơn hàng thì không có việc cho công nhân làm, nhưng nếu nhận nhiều thì lại lo không gánh nổi chi phí trong bối cảnh vật giá không ngừng leo thang" - ông Khánh khẳng định.

Cùng với một loạt khó khăn trên, việc phải tăng lương để giữ lao động cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của doanh nghiệp. Theo Hội Da giày TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố mỗi năm có gần 30% lao động ngành da giày chuyển sang ngành khác vì lương thấp. Ngoài ra, mặc dù thuế chống bán phá giá vào thị trường EU đối với giày mũ da Việt Nam đã chính thức chấm dứt, nhưng EU vẫn tiếp tục giám sát mặt hàng này thêm một năm nữa để sẵn sàng áp dụng biện pháp phòng vệ khẩn cấp… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng da giày.

"Trong lúc khó khăn này, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tự cứu mình bằng việc duy trì sản xuất, kể cả chấp nhận không có lợi nhuận, thậm chí chịu lỗ, để chờ tình hình thị trường được cải thiện". Ông Khánh cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp cần thắt chặt đầu vào, giảm chi phí không cần thiết, tăng chất lượng bữa ăn cho công nhân để giữ chân họ… Bên cạnh đó, phát triển thị trường nội địa hơn 80 triệu dân cũng là một giải pháp tốt cho các doanh nghiệp sản xuất da giày TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Theo Đình Hiệp
Hà Nội Mới

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.