Loay hoay chất lượng giáo viên
> Vừa dạy thí điểm vừa tìm giáo viên
Chất lượng giáo viên (GV) đi xuống đang là nỗi lo đối với giáo dục trong khi các địa phương tốn nhiều công sức giải quyết vấn đề thiếu GV.
Những năm gần đây, TP.HCM luôn thiếu GV các cấp, đặc biệt là bậc mầm non. Ảnh: B.Thanh (Thanh Niên). |
GV văn sai chính tả, GV lý sai công thức
Chưa bàn đến kinh nghiệm giảng dạy, kiến thức chuyên môn của nhiều GV là nỗi lo thật sự. Không ít trường hợp, ở một số trường THCS, đến cả GV dạy văn mà vẫn viết sai chính tả, nhận xét bài của học trò bằng những câu văn mơ hồ.
Giáo sinh ra trường còn nhiều hạn chế nhưng để không xảy ra tình trạng lớp trắng GV nên hồ sơ của ứng viên nào đủ tiêu chuẩn là chúng tôi nhận - Ông Nguyễn Trọng Khiêm - Phó phòng Giáo dục quận Tân Phú (TPHCM) |
Nhiều hiệu trưởng trường tiểu học tại TP.HCM lo ngại nhất về chất lượng GV môn tiếng Anh.
Chuyên viên tiếng Anh của một phòng GD tại TP.HCM cho biết: “Khi dạy học sinh đọc từ vựng tiếng Anh, GV lại phiên âm chữ cái bằng tiếng Việt. Vì vậy, các quận, huyện đều phải tổ chức kiểm tra và bồi dưỡng cho mọi giáo sinh sau khi nhận nhiệm sở để hạn chế việc phát âm không chuẩn”.
Ông Nguyễn Trọng Khiêm - Phó phòng Giáo dục quận Tân Phú (TP.HCM) thừa nhận: “Giáo sinh ra trường còn nhiều hạn chế nhưng để không xảy ra tình trạng lớp trắng GV nên hồ sơ của ứng viên nào đủ tiêu chuẩn là chúng tôi nhận”.
Mỗi năm, dự giờ rất nhiều giáo sinh, ông Khiêm nhận thấy, đa số GV mới thường gặp lỗi hiểu sai mục đích của môn học.
Ông Khiêm lấy ví dụ: “Ở môn tập đọc của bậc tiểu học, GV hay bỏ qua rèn kỹ năng đọc cho học sinh mà lại chú tâm vào sửa kỹ năng trả lời câu hỏi. Bên cạnh đó, do không đọc kỹ yêu cầu của đề bài và không nắm chắc kiến thức nên nhiều GV nhầm dạng toán tổng tỷ sang dạng toán tìm phân số. Còn bậc THCS thì có một số GV vật lý cung cấp sai công thức cho học sinh…”.
Về phương pháp quản lý và tổ chức lớp, tất cả lãnh đạo từ trường cho đến phòng giáo dục đều khẳng định GV mới yếu kỹ năng trình bày bảng và không bao quát được lớp. Chuyện học sinh chọc phá hay cuối lớp ồn ào trong giờ giảng là bình thường. Vì thế, GV vào lớp mà không quản lý được học sinh, thay vì giảng bài thì kể chuyện cũng không còn hiếm.
Đây là hệ quả tất yếu của thực tế: một thời gian dài học sinh giỏi không muốn học ngành sư phạm. Để tìm được một giáo sinh có chuyên môn tốt, theo lãnh đạo các trường, là chuyện khó khăn. Thế nên, một trưởng phòng giáo dục tâm huyết lo ngại: “Nếu cứ đà này, nhiều thế hệ học sinh sẽ bị ảnh hưởng”.
Loay hoay bài toán lượng - chất
Khoảng ba năm gần đây, năm học nào, Sở GD-ĐT TPHCM cũng ra thông báo tuyển dụng GV nhiều lần nhưng lúc nào cũng thiếu. Tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vào giữa tháng 3-2011, Sở GD-ĐT thông tin, hiện nay, TPHCM vẫn còn thiếu gần 4.000 GV, trong đó chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học.
Năm nay, quận Tân Phú (TPHCM) tuyển được 170 GV, trong khi chỉ tiêu hơn 200; huyện Bình Chánh cần hơn 100 GV nhưng nhận được hơn một nửa, huyện Cần Giờ có GV nộp hồ sơ thì mừng vô cùng, có bao nhiêu nhận hết, vậy mà vẫn thiếu gần 30 người…
Ông Tạ Tân - Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú, dự báo: “Mỗi năm, số lượng học sinh đều tăng, trường lớp phát triển. Cứ đà này, đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng GV. Nếu như không có phương án dự báo cụ thể để đào tạo kịp thời thì vô cùng nguy hiểm”.
Còn ông Trần Trung Hiếu - Trưởng phòng Giáo dục quận 12, khẳng định: “Hiện nay, nhu cầu cao hơn nguồn nên nếu cứ chờ Sở phân bổ e rằng trắng tay vì Sở cũng chẳng biết lấy GV từ đâu. Thôi thì mình tự cứu mình”. Thế nên, các quận huyện cứ chắp vá nguồn tuyển bằng nhiều hình thức từ hợp đồng GV ngoại tỉnh, GV về hưu đến đào tạo tại chỗ… Từ thực tế này, Sở buộc phải nới rộng các quy định trong tuyển dụng.
Ngoài việc “bật đèn xanh” cho các quận, huyện ngoại thành được phép tuyển GV những tỉnh lân cận thì Sở còn nới rộng về bằng cấp chuyên môn như tuyển sinh viên tốt nghiệp ngoài ngành sư phạm, ngoài hệ chính quy. Ở khía cạnh này, ông Lưu Văn Thành - Trưởng phòng Giáo dục quận 4 (TP.HCM) cho biết: “Từ chỗ thiếu dẫn đến có giáo sinh là mừng nên có những băn khoăn về trình độ chuyên môn”.
Ông Văn Công Sang - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT, cho hay: “TPHCM không còn trường nào đào tạo GV phục vụ cho riêng mình nữa, vì vậy, Sở đã phải tìm mọi cách gỡ rối”.
Chưa thống kê cụ thể nhưng năm học 2011-2012, TPHCM cần tuyển số lượng lớn GV bậc mầm non, tiểu học và tiếng Anh. Ngoài ra, Sở GD-ĐT đang có văn bản đề xuất với Sở Nội vụ về việc mở rộng vùng xét tuyển. Có khả năng, một số quận, huyện ở nội thành sẽ nhận GV chỉ có KT3 (không cần có hộ khẩu thường trú như trước).
Theo Bích Thanh
Thanh Niên