TPO - Hàng chục căn nhà hai bên đường Bùi Đình Túy, đoạn gần giao lộ Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, TPHCM bị phá dỡ, lùi sâu để bàn giao đất chờ thi công dự án mở rộng đường. Sau khi nhường đất, con đường này đã xuất hiện nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, chỉ vài mét vuông.
Đường Bùi Đình Túy quận Bình Thạnh, đoạn giao với đường Đinh Bộ Lĩnh rộng 12m, lộ giới 16m.
Thế nhưng, đoạn giáp ranh với đường Phan Văn Trị chỉ còn 4-5m.
Do đó, UBND quận Bình Thạnh quyết định nâng cấp, mở rộng đường Bùi Đình Túy từ hẻm 304 đến đường Phan Văn Trị.
Nhiều nhà dân chấp nhận giải tỏa, thụt vào để nhường đất mở rộng đường.
Dự án mở rộng đường Bùi Đình Túy thuộc các phường 12, 14 và 24 của quận Bình Thạnh.
Trung bình, mỗi người dân ở đây thụt vào 4-5m đất.
Tại số nhà 366 Bùi Đình Túy, sau khi giải tỏa, chiều sâu bên trái căn nhà này còn chưa được nửa mét.
Nơi đây được tận dụng để bán nước ép, sinh tố tên Chị Hai.
Hai cái thang dùng để trèo lên tầng trên, phải gác lên cao vì ở dưới đất thiếu không gian.
Góc trái căn nhà rộng chừng nửa mét.
Căn nhà số 366 không phải là cá biệt sau khi bị giải tỏa ở đường Bùi Đình Túy.
Sau khi giải tỏa làm dự án, đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TP HCM xuất hiện nhiều căn nhà siêu nhỏ, siêu mỏng.
Trên con đường này, hàng loạt ngôi nhà đang được xây dựng lại.
Nhiều căn nhà hai bên đường Bùi Đình Túy bị phá dỡ, lùi sâu để bàn giao đất chờ thi công dự án mở rộng đường.
Khu vực này mọc lên những căn nhà siêu nhỏ, siêu mỏng với chiều rộng chỉ 2-3m, chiều dài có nơi chưa tới 1m.
Dãy nhà sau giải tỏa mặt bằng còn ngổn ngang, nham nhở tường gạch, bêtông trên góc đường Bùi Đình Tuý.
Căn nhà có diện tích khoảng 6m2 được chủ nhà rao bán với giá 1,3 tỷ đồng nhưng chưa có khách mua.
Hàng loạt căn nhà trên đường này đang được xây dựng lại, nhưng cũng trong tình trạng siêu nhỏ.
Căn nhà này của ông Mã Văn Hậu (ở phường 12) chỉ rộng hơn 5m2, sâu hơn một mét, ông Hậu dùng làm cửa hàng sửa đồ điện. Trước giải tỏa, căn nhà này rộng 62m2.
Theo UBND quận Bình Thạnh, hiện khoảng 10 nhà sau giải tỏa có phần diện tích bị thu hẹp, trở thành "siêu mỏng".
Khi tổ chức họp bàn và giải tỏa, hầu hết các hộ biết nhà sẽ nhỏ hẹp nhưng đều muốn ở lại do đường được mở rộng, họ có lợi thế mặt tiền để kinh doanh.
Với những trường hợp này, địa phương vẫn cấp phép xây dựng nhưng chỉ giữ nguyên hiện trạng hoặc hợp khối với nhà liền kề.
Trường hợp người dân muốn giải tỏa trắng, phần diện tích còn lại được giữ nguyên và sau đó sẽ tổ chức đấu giá hoặc chỉ định bán cho hộ giáp ranh, nối ra mặt tiền.