Loạt dự án "khủng" ở miền Tây dở dang, chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều công trình, dự án "khủng" với mức đầu tư từ vài trăm đến nghìn tỷ đồng ở miền Tây dở dang, chậm tiến độ nhiều năm khiến dư luận bức xúc.

Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (quy mô 500 giường) được UBND TP Cần Thơ phê duyệt vào tháng 1/2017 với tổng mức đầu tư 1.727 tỷ đồng gồm vốn vay ODA của Chính phủ Hungary là 56.927.480 Euro (tương ứng chiếm 80,6% tổng mức đầu tư dự án) và vốn đối ứng của TP Cần Thơ là 13.646.520 Euro (chiếm 19,3% tổng mức đầu tư dự án). Dự án được tổ chức lễ động thổ ngày 11/10/2017 do Sở Y tế TP Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hợp đồng tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công xây dựng công trình Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (gọi tắt là Tổng thầu EPC) được ký kết vào ngày 7/8/2017 giữa Sở Y tế TP Cần Thơ với liên danh nhà thầu MAGYAR - VMD - BDCC - CONINCO - AZUSA. Trong đó, thời gian bắt đầu thực hiện hợp đồng là ngày 5/4/2019, kết thúc vào ngày 10/7/2022.

Loạt dự án "khủng" ở miền Tây dở dang, chậm tiến độ ảnh 1

Công trình Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ gần như ngừng thi công Ảnh: N.H

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hơn 3 tháng nay, dự án không có công nhân lao động tại công trường và chỉ có 4 bảo vệ thay phiên nhau trực để bảo quản trang thiết bị, máy móc.

Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ cho biết, đơn vị mong mỏi có cơ sở mới khang trang để phục vụ việc khám chữa bệnh cho nhân dân được tốt hơn. Vì hiện tại, bệnh viện cũ đang quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp. “Quy mô của bệnh viện chỉ khoảng 350 giường, nhưng nhu cầu khám và điều trị nội trú khoảng 400 giường”, ông Giang nói.

Đại diện Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, tổng khối lượng mà liên danh nhà thầu đã thực hiện dự án xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu đến nay đạt khoảng 21,3%. Hiện nay, hiệp định vay của dự án đã hết hiệu lực và thời gian thực hiện hợp đồng Tổng thầu EPC cũng đã hết hạn. Sau khi hiệp định khung, hiệp định vay được ký kết, Sở Y tế TP Cần Thơ sẽ thương thảo với liên danh nhà thầu để ký kết phụ lục hợp đồng, tiếp tục thực hiện dự án.

“Nguyên nhân giải ngân chậm do thay đổi nguồn gốc hàng có xuất xứ Hungary. Một số hàng hoá có thay đổi so với ban đầu. Đối với các hàng hoá thay đổi, chúng tôi đã làm việc với nhà thầu để thống nhất và tiến hành thẩm định về cấu hình, tính năng kỹ thuật về giá của các hàng hoá điều chỉnh này”, phía Sở Y tế Cần Thơ thông tin.

Dự án nhiệt điện cả tỷ USD “mịt mù” ngày về đích

Ngoài dự án trên, cầu Trần Hoàng Na là công trình trọng điểm thuộc dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do Ban Quản lý dự án ODA Cần Thơ làm chủ đầu tư với giá trị dự toán xây dựng 847 tỷ đồng cũng đang “lụt” tiến độ.

Khởi công ngày 18/9/2020, dự án dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2022. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5/2022, dự án chỉ mới hoàn thành hơn 60% khối lượng.

Đại diện Ban Quản lý dự án ODA Cần Thơ cho biết, một trong những nguyên nhân dự án cầu Trần Hoàng Na chậm tiến độ do tình hình COVID -19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn việc huy động nhân lực và thiết bị đến công trường. Giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến kế hoạch huy động tài chính, vật tư thi công của nhà thầu. Đồng thời năng lực tài chính của nhà thầu chính (CIENCO 1) cũng còn hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai gói thầu.

Cũng theo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, như vậy dự án chậm tiến độ 1 năm so với kế hoạch. Hiệp định vay vốn ODA sẽ được gia hạn thêm 2 năm và nhà thầu cũng có cam kết sẽ thực hiện hoàn thành dự án trong tháng 5/2023.

Tại Sóc Trăng, Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Long Phú 1 (tọa lạc tại xã Long Đức, huyện Long Phú) có tổng mức đầu tư hơn 29.000 tỷ đồng (công suất 1.200 MW), được khởi công xây dựng tháng 9/2015. Tổng thầu của Dự án là Liên danh nhà thầu Power Machines (PM, Nga) - Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

Theo hợp đồng EPC, Dự án kết thúc và vận hành vào năm 2019. Tuy nhiên vào năm 2018, nhà thầu chính PM vướng cấm vận của Mỹ và sau đó đã đơn phương tuyên bố dừng thực hiện hợp đồng. Từ thời điểm PM bị cấm vận, công tác mua sắm hàng hóa thiết bị nhập khẩu và thu xếp vốn cho dự án thuộc phạm vi công việc của PM bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đến nay, dự án mới hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc. Hiện tại, hoạt động trên công trường chỉ là công tác bảo quản, bảo dưỡng vật tư thiết bị đã được vận chuyển về và đã lắp đặt vào vị trí.

Chiều 22/9, một lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết Chính phủ cũng đang xem xét giải quyết những vướng mắc, tìm ra hướng xử lý để sớm đưa Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 vào vận hành.

“Đối với dự án NMNĐ Long Phú 2 và NMNĐ Long Phú 3, với tổng diện tích 170ha vẫn đang trong quy hoạch treo. Theo quy hoạch ĐBSCL đến năm 2030 sẽ không làm nhà máy nhiệt điện than nữa. Do đó, tỉnh cũng kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương chuyển đổi công năng của 2 nhà máy này sang phát triển lĩnh vực công nghiệp khác để tỉnh thu hút đầu tư”, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.