Lỗ thủng trong tầng ozone phía trên Nam Cực là lỗ thủng lớn nhất. |
Tầng ozone giúp ngăn các tia cực tím từ mặt Trời chiếu xuống trái đất. Sự phơi nhiễm tia cực tím có hại cho con người và động thực vật trên trái đất.
Đã có những thỏa thuận quốc tế được ký kết nhằm chấm dứt việc sử dụng các hóa chất gây thủng tầng ozone, sau khi lỗ thủng trong tầng ozone được phát hiện vào năm 1986. Các nhà khoa học hy vọng lỗ thủng này có thể “được hàn gắn” hoàn toàn trong 60 năm tới.
Phát biểu tại một hội nghị vừa được tổ chức ở Washington, hai nhà khoa học đã có công trình giúp cảnh báo thế giới về sự tồn tại của một lỗ thủng trong tầng ozone vào những 80 của thế kỷ trước, nói rằng họ hy vọng tầng ozone đang dần liền lại.
Tiến sĩ David Hofman, giám đốc Phòng Giám sát toàn cầu thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) nói: “Tôi rất lạc quan là chúng ta sẽ có một tầng ozone bình thường vào một lúc nào đó, không phải là trong cuộc đời của tôi, nhưng có thể trong cuộc đời của các bạn”.
Tiến sĩ Susan Solomon nói rằng bà cũng rất lạc quan. Nhưng bà cho rằng điều quan trọng là bảo đảm rằng chúng ta thực sự kiểm soát được tầng ozone – không chỉ không làm nó bị thủng lớn hơn, mà còn thực sự thấy nó dần liền lại, để khẳng định những hành động mà chúng ta đã tiến hành trên bình diện quốc tế là có hiệu quả.
NOAA cho rằng lỗ thủng trong tầng ozone ngừng rộng ra chủ yếu do việc giảm dần sử dụng các hợp chất các-bon của clo và flo (CFCs -chlorofluorocacbons) khỏi các sản phẩm như máy lạnh, thuốc trừ sâu…
Theo nghị định thư Montreal có hiệu lực từ năm 1987, các nước ký kết phải hạn chế và cuối cùng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng và sản xuất CFCs cũng như các chất hóa học gây suy giảm tầng ozone khác như tetraclorit các-bon, các hợp chất của brôm (halon) và methylchloroform.
Tuy nhiên, các hóa chất được đưa vào sử dụng thay thế CFSs cũng không phải là đã tốt, và có tin cho rằng chúng cũng góp phần lớn gây ra hiện tượng “trái đất nóng lên”.
Ozone là một phân tử bao gồm ba nguyên tử oxy. Nó có tác dụng cản các tia cực tím gây hại chiếu từ mặt Trời xuống Trái đất
Ozone liên tục được tạo ra và phân hủy trong tầng bình lưu nằm trên Trái đất khoảng 30 km. Trong bầu khí quyển không bị ô nhiễm, chu kỳ sản xuất và phân hủy này là cân bằng.
Ozone được tạo ra khi các tia cực tím chạm phải các phân tử ôxy (O2), chứa hai nguyên tử ôxy, tạo thành hai nguyên tử ôxy đơn, được gọi là ôxy nguyên tử, sau đó ôxy nguyên tử kết hợp cùng với một phân tử ôxy tạo thành ozone (O3).
Tuy nhiên, phân tử ozone có hoạt tính cao, khi bị tia cực tím chạm phải, lại tách ra thành phân tử ôxy và một ôxy nguyên tử, một quá trình liên tục gọi là chu kỳ ôxy-ozone.
Trước khi bắt đầu xu hướng suy giảm ozone, lượng ozone trong tầng bình lưu được giữ ổn định nhờ vào cân bằng giữa tạo thành và phân hủy các phân tử ozone do tác động của tia cực tím.
Nhưng CFCs và các hóa chất khác (hạn chế sử dụng theo nghị định thư Montreal) bốc lên tầng bình lưu sẽ bị tia cực tím từ mặt Trời phân hủy. Các nguyên tử clo và brôm thoát ra từ những khí này khi đó đóng vai trò là chất xúc tác phá vỡ các phân tử ozone, giảm lượng ozone trong tầng bình lưu.
Theo Nhân Dân/BBC, AP