Dấu hiệu suy giảm kinh tế
Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cho biết, đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%).
Trong đó công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94%. Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng cũng để lại hệ quả là làm cho doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn.
Nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, lao động mất việc làm tăng, gây sức ép lớn đến ổn định xã hội và đời sống của nhân dân. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có trên 17.700 DN đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trong báo cáo thẩm tra nhận định, khó khăn, thách thức là rất lớn với dấu hiệu suy giảm kinh tế và những vấn đề an sinh xã hội nảy sinh.
Cụ thể, GDP quý I tăng trưởng thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây và quý II dự kiến tăng khoảng 4,5%. “Như vậy sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6- 6,5% của cả năm 2012”- Ông Giàu nói.
Theo Ủy ban Kinh tế, xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng ở mức khá (22,1%) nhưng xuất khẩu từ khu vực DN trong nước tăng rất thấp; một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm.
Sản xuất, xuất khẩu lúa gạo vẫn xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá” trong thời kỳ đầu vụ, các giải pháp giao DN thu mua lúa gạo tạm trữ như thời gian qua chỉ mang tính tình thế.
Qua gần 4 tháng, đến ngày 20-4, tổng dư nợ tín dụng vẫn còn tăng trưởng âm. Rủi ro dư nợ xấu gia tăng và nhằm đảm bảo an toàn vốn dẫn đến chuyển dịch dòng tiền tín dụng sang các kênh đầu tư, kinh doanh an toàn hơn như mua trái phiếu Chính phủ và tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước thay vì tăng trưởng dư nợ. Điều này ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và yêu cầu tăng trưởng hợp lý.
Thận trọng khi ban hành các loại phí
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những tháng cuối năm 2012, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện các giải pháp thiết thực, phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là về vốn, mặt bằng, nhân lực, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Dấu hiệu giảm phát và tốc độ tăng trưởng thấp cùng với những bức xúc về xã hội, môi trường và đời sống của nhân dân đang làm khó khăn thêm cho việc đạt được mục tiêu tổng quát và những chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch kinh tế- xã hội năm 2012 Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng |
Đặc biệt cần điều chỉnh giảm lãi suất vay phù hợp với mức giảm của lạm phát; tăng khả năng vay vốn cho DN.
Thực hiện việc kéo dài thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài đối với một số đối tượng DN; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nhà nước; đồng thời trình QH xem xét miễn giảm thêm một số loại thuế.
Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để bảo đảm lạm phát mục tiêu năm 2012 khoảng 8- 9%.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế đối với một số ngành, lĩnh vực đã triển khai.
Ngoài ra, việc thực hiện một số chính sách thuế để hỗ trợ các DN cần được tiến hành song song với việc cơ cấu lại nguồn thu, chi theo hướng hiệu quả, bền vững hơn nhằm hỗ trợ tích cực DN, người dân vượt qua khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
“Việc ban hành các loại phí cần có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thận trọng; thực hiện theo lộ trình, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không làm tăng chi phí của DN, không gây khó khăn thêm cho người hưởng lương từ ngân sách, người lao động, người dân, tránh gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến lòng tin.”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói.
Sáng 26- 5, bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến Theo chương trình kỳ họp thứ 3 đã được QH thông qua tại phiên trù bị, chiều 23- 5, QH sẽ họp riêng nghe Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thị Nương trình bày tờ trình đề nghị QH bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu QH tỉnh Long An. Chiều 24- 5, các đoàn đại biểu QH họp để thảo luận về nội dung này. Tiếp đó, sáng 26- 5, sau khi nghe kết quả thảo luận ở đoàn; bà Đặng Thị Hoàng Yến phát biểu ý kiến (nếu đăng ký), QH sẽ bỏ phiếu về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố ngay trong sáng 26- 5. Nếu đủ 2/3 đại biểu QH tán thành, QH sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm này. |