> Cận cảnh lợn tai xanh thành ruốc, thịt chưng mắm tép
Lợn bị bệnh được phát hiện tại nhà anh Trọng. Ảnh: PV. |
Chỉ phạt hành chính hơn 50 triệu đồng
Chiều 14-6, Phòng Cảnh sát Môi trường cho biết, cơ quan chức năng đã ra quyết định phạt hành chính đối với 2 cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn chết vì dịch tai xanh.
Theo đó, chủ cơ sở giết mổ gia súc Nguyễn Bá Trọng (SN 1982, ở Chương Mỹ) bị phạt 25,8 triệu đồng; Nguyễn Văn Hải (SN 1988, ở Thường Tín) bị phạt 25 triệu đồng.
Như Tiền Phong đã đưa tin, đêm 12-6, Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp lực lượng chức năng bắt quả tang xe tải chở 4 con lợn chết vì dịch tai xanh có tổng trọng lượng 420 kg.
Chủ hàng Nguyễn Văn Hải khai mua lợn dịch của Nguyễn Bá Trọng đem về lóc xương, tách thịt bán ra các chợ và cho cơ sở sản xuất của gia đình ông Đào Quang Bình ở 209 Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng để làm ruốc và mắm tép chưng thịt.
Sau khi kiểm tra cơ sở giết mổ của Trọng và cơ sở sản xuất sản phẩm từ thịt lợn của ông Bình, cơ quan chức năng thu giữ khoảng 4 tấn thịt lợn dịch tai xanh cùng 1,2 tấn ruốc và hàng trăm hộp mắm tép chưng thịt nhãn hiệu Long Bình.
Cũng theo Phòng Cảnh sát Môi trường, cơ quan chức năng đã lấy mẫu, kiểm tra sản phẩm ruốc và mắm tép chưng thịt của cơ sở ông Bình; đồng thời khẩn trương điều tra xác định mức độ vi phạm của cơ sở này để xử lý.
Một số người dân thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) không biết lò mổ của gia đình anh Nguyễn Bá Trọng hoạt động.
Chị Nguyên Thị L.A nói, chỉ biết nhà anh Trọng dạo này mở mang khuôn viên nhà xưởng chứ không biết nhà anh ấy giết mổ gì cả. Cũng không thấy anh Trọng bán sản phẩm cho bà con ở đây.
Chị Phạm T.M, người dân bán hàng nước tại đầu thôn Thanh Trì nói, thỉnh thoảng buổi đêm đi qua nhà anh Trọng thấy sáng đèn, có người chở các bao tải dứa đi ra đi vào nhưng không biết anh ấy mổ lợn.
Hôm 13-6, khi lực lượng chức năng đến khám xét và thông tin trên báo chí chúng tôi mới biết. Vả lại giết lợn chết thì có ở sát vách cũng chịu vì không có tiếng lợn kêu.
Sau khi khảo sát một vòng ở thôn Thanh Trì, khoảng 13h30 chiều (14-6), chúng tôi đến trụ sở UBND xã Đông Sơn. Tuy nhiên, vào thời điểm này các phòng ban đều đóng kín cửa, chờ đến 14h mới thấy một người phụ nữ tên L xuất hiện, nhưng chị này chỉ phơi rơm nhờ ở sân trụ sở UBND xã Đông Sơn.
Chị L nói, ở đây cứ phải sau 15 giờ mới có cán bộ đến mở cửa làm việc. Chúng tôi đành phải tìm đến nhà riêng của ông Trần Vụ, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, chị Thuận con gái ông chủ tịch xã nói ông Vụ đi du lịch không có nhà.
Khi chúng tôi gọi điện, ông Vụ nói đang đi công tác và sẽ gọi cho người phụ trách để làm việc. Khoảng 14h30 chúng tôi quay lại trụ sở UBND xã và gặp ông Hoàng Văn Thi. Ông Thi cho biết, toàn bộ cán bộ xã đang đi du lịch, chỉ có mình ông trực ở đây.
Tại buổi làm việc ông Hoàng Văn Thi cho biết, hiện trên địa bàn có 6 hộ gia đình tổ chức giết mổ lợn, ở thôn An Sơn 1, thôn Lương Sơn 1 và Thanh Trì 4. Nói là lò thì không đúng, bởi người ta chỉ giết một vài con/ngày, ông Thi nói. Ông Thi cũng tỏ ra bất ngờ về lò mổ của gia đình anh Trọng.
Ông này cho biết, trước đây bố anh Trọng làm nghề giết mổ trâu bò, nhưng từ lâu không thấy hoạt động gì nữa. Cách đây 1 tuần anh này có đăng ký lắp điện cho kho đông lạnh, nhưng không biết để làm gì vả lại chúng tôi không có thẩm quyền kiểm tra.
Tôi cứ nghĩ người ta thu gom thịt lợn chết làm thức ăn chăn nuôi cá sấu chứ chế biến thành ruốc, mắm tép thì kinh quá. Tôi thấy xử phạt hành chính 50 triệu đồng là nhẹ, phải phạt thật nặng.
Ông Thi cho hay, đến 17h30 ngày 13-6, toàn bộ số thịt lợn chết, bệnh tai xanh (2.196kg) cơ quan chức năng thu tại nhà anh Trọng đã được cơ quan chức năng giao cho UBND huyện phối hợp với UBND xã đưa đi tiêu hủy.