Trường Quốc tế Hà Nội - nơi gần 10 năm nay khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm |
Vụ lừa đảo “Đại học Quốc tế Châu Á” và lách luật “Đại học Quốc tế VINAJUCO” vừa tạm chìm xuống, những tố cáo tại liên doanh Trường Quốc tế Hà Nội chưa giải quyết dứt điểm, thì lại bùng lên vụ “Trung tâm đào tạo quản lý cao cấp SITC” với hàng vạn nạn nhân trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam…
Thẩm định : Bị bỏ ngỏ?
Khi các trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế bậc đại học của VINAJUCO bị đóng cửa, Cty này đã khiếu nại rất quyết liệt.
Họ viện vào tấm giấy đăng ký kinh doanh, chính xác hơn là giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh lần thứ 9 của họ, cho phép Cty này “đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học”. Đến bây giờ đã có thể nhận định, lỗi lớn trong vụ việc này thuộc về cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh.
Có nhiều ngành nghề cần có sự phối hợp thẩm định, quản lý (ví dụ nghề quảng cáo cần có ý kiến của Bộ VHTT; nghề bảo vệ cần có ý kiến của Bộ CA; nghề dược cần có ý kiến của Bộ YT; v.v…), song dường như ngành KH-ĐT chưa có sự hợp tác tốt với các Bộ, ngành hữu quan.
Trong vụ VINAJUCO, cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT TP Hà Nội) đã không làm tốt công tác thẩm định, không tham khảo ý kiến của ngành GD-ĐT. Kết quả là VINAJUCO có được tấm “bùa” để vượt qua những quy định của Luật Giáo dục…
Ở vụ lừa đảo “Đại học Quốc tế Châu á”, do nắm được thông tin từ trước về Vương An Dương, ngay từ đầu cơ quan an ninh đã có ý kiến rằng “nhà đầu tư” đến từ Đài Loan này không đáng tin cậy, cần thẩm định kỹ lưỡng, và tốt nhất là không hợp tác.
Thế nhưng, họ Vương vẫn có được những tấm “bùa” hợp pháp để làm những chuyện bất hợp pháp. Khi sinh viên khiếu nại, rồi báo chí vào cuộc phanh phui mọi chuyện, gã lừa đảo vẫn kịp ẵm tiền và biến trước khi các cơ quan tư pháp ra tay!
Bài học từ vụ “Đại học Quốc tế Châu á” tưởng như đủ đau xót, thấm thía với những người làm công tác quản lý, để không bao giờ tái diễn, thì lại xảy ra vụ SITC.
Michael Yu không mất công tìm mẹo gì mới, chỉ cần “bổn cũ soạn lại” từ gã lừa đảo họ Vương, vẫn thành công, mới lạ. Cũng không có vốn, “tay không bắt giặc”, lấy học phí của học viên nạp vào rồi khai đó là vốn pháp định.
Cũng “bằng được quy đổi ngang với bằng của trường X, trường Y ở Anh, ở Mỹ”. Cũng đội ngũ giảng viên tuyển ngay tại các nhà trường Việt Nam và thêm mấy anh “tây ba lô”.
Cũng ẵm gọn học phí và chuồn lẹ trước khi có thể bị khởi tố. Đáng buồn hơn, trước khi được cấp giấy phép đầu tư, Michael Yu cũng đã được cơ quan an ninh cảnh báo là “nhân thân có vấn đề”!
Việc thẩm định để cấp giấy phép đầu tư cho Việt kiều Nguyễn Đình Hoan tại Trường Quốc tế Hà Nội cũng có những sai phạm nghiêm trọng. Cả tư cách pháp nhân của “Cty mẹ” và năng lực tài chính của Nguyễn Đình Hoan đều có vấn đề.
Thậm chí đến thời điểm này, trong 634.667 USD vốn pháp định của Nguyễn Đình Hoan, đoàn thanh tra liên ngành của Chính phủ đã bước đầu làm rõ, có 250.000 USD là “con số ma”.
Đang có những thông tin cho rằng toàn bộ vốn pháp định mà Nguyễn Đình Hoan phải nộp vào liên doanh đều là con số ma tuốt (điều này, Đoàn thanh tra đang kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ).
Chính những kẽ hở ban đầu, ngay từ khâu thẩm định, cấp giấy phép đầu tư, đã tạo điều kiện cho những “nhà đầu tư một đô la” làm bậy trong lĩnh vực giáo dục.
Quản lý: Quá lỏng lẻo!
Khi Michael Yu ẵm tiền và bỏ trốn, người ta mới ngạc nhiên đặt câu hỏi: Vì sao gã này làm ăn chụp giật, thua lỗ, mà vẫn được điều chỉnh giấy phép đầu tư 2 lần trong thời gian ngắn, với vốn pháp định từ 90.000 USD tăng lên 330.000 USD?
Tuy số tiền này không lớn, song đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, muốn tăng vốn pháp định, họ phải chứng minh được: 1/ Có chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam;
2/ Có hợp đồng vay tín dụng của một tổ chức tín dụng tại Việt Nam; 3/ Kinh doanh có lãi, và dùng tiền lãi này để tái đầu tư. Michael Yu không hề chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc vay vốn tín dụng, cũng chưa làm công tác quyết toán, kiểm toán, nên không có cơ sở để cho rằng Trung tâm này hoạt động có lãi (thực chất là lỗ, hiện vẫn nợ lương giảng viên, tiền thuê địa điểm, v.v…).
Thế nhưng, y vẫn được điều chỉnh giấy phép đầu tư, tăng vốn pháp định, mở thêm chi nhánh. Chính việc điều chỉnh giấy phép đầu tư tùy tiện đã tạo điều kiện cho Michael Yu mở thêm hàng loạt chi nhánh ở Hà Nội, rồi Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, đưa số người bị lừa đảo lên tới hơn 30.000 người.
Ở Trường Quốc tế Hà Nội, khi Đoàn thanh tra liên ngành của Chính phủ vào cuộc, mới bước đầu làm rõ Việt kiều Nguyễn Đình Hoan đang sử dụng tới… 7 tài khoản khác nhau, chưa kể tới một quỹ tiền mặt tồn tại ngay tại trường.
Hầu hết các tài khoản này, chỉ cần một chữ ký của Hoan cũng đủ rút tiền, trong khi theo Điều lệ của Cty liên doanh thì phải có đủ 2 chữ ký (có cả chữ ký của phía Việt Nam). Nhiều trong số 7 tài khoản nói trên là “tuyệt đối bí mật”, chỉ một mình Hoan sử dụng mà thôi.
Lợi dụng cách quản lý tài chính có những kẽ hở “con voi chui lọt” như vậy, từ nhiều năm nay, Việt kiều Hoan luôn khai kinh doanh thua lỗ, gây thiệt hại cho phía Việt Nam, song thực hư việc này ra sao, chắc là phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra.
Không chỉ trong lĩnh vực tài chính, việc quản lý chương trình giảng dạy - đào tạo tại các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài cũng đang rất lỏng lẻo.
Trong vụ SITC, ngoại trừ trung tâm chính tại TP HCM, ở hàng loạt chi nhánh mà Michael Yu mở tại các địa phương khác, đều chưa đăng ký nội dung chương trình giảng dạy - đào tạo với các Sở GD-ĐT của các địa phương.
Ngay cả tấm chứng chỉ Michael Yu cấp cho học viên khi kết thúc khoá học, vẫn theo mẫu mã “mượn” của Trung tâm đặt tại TP HCM, trong khi theo quy định, mẫu này phải được Sở GD-ĐT các địa phương nơi SITC đặt chi nhánh phê duyệt.
Chính từ những sự quản lý dễ dãi, Michael Yu mới ồ ạt quảng cáo, chiêu sinh sai giấy phép, thậm chí đào tạo “chui” cả thạc sỹ!
Ở Trường Quốc tế Hà Nội, gần 10 năm nay, Nguyễn Đình Hoan mặc nhiên giảng dạy theo một chương trình chưa được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Và mặc mọi lời “nhắc nhở”, từ Bộ GD-ĐT, rồi từ các Đoàn kiểm tra và Đoàn thanh tra, Hoan vẫn đang ung dung giảng dạy theo một chương trình nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ GD-ĐT Việt Nam.
Chuyện này chỉ chấm dứt khi Nguyễn Đình Hoan bỏ trốn theo chân Vương An Dương và Michael Yu?