Cuộc thi nằm trong khuôn khổ của ngày hội quốc gia khởi nghiệp của học sinh, sinh viên 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức trong ngày hôm nay 16/12 tại trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Phát biểu khai mạc tại lễ khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia Học sinh sinh viên Việt Nam 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sau 1 năm triển khai Đề án 1665 (Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của Chính phủ), các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành Giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Minh chứng là các sản phẩm, các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong cả nước mang đến trưng bày thông qua các gian hàng tại ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018 rất phong phú, sáng tạo. Đặc biệt là có sự góp mặt của các dự án khởi nghiệp đến từ các bạn học sinh phổ thông ở độ tuổi còn rất trẻ nhưng tinh thần khát khao khởi nghiệp và mong muốn được hiện thực hóa các ý tưởng của mình.
Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta không chỉ đặt kỳ vọng vào Đề án 1665 mà quan trọng khơi dậy cho các em là tinh thần khởi nghiệp, có khát vọng khởi nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ phấn khởi phát triển và có tương lai rực rõ như hôm nay nhưng chúng ta vẫn chỉ là nước thu nhập thấp. Chúng ta muốn giàu không thể đợi đất nước khác đến làm giàu cho Việt Nam mà nhất định Việt Nam chúng ta phải tự giàu lên
Điểm nhấn của ngày hội năm 2018 là Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SWIS 2018” được tổ chức với quy mô trên toàn quốc có hơn 200 trường Đại học, cao đẳng, Trung cấp, Phổ thông trung học tham gia.
Cuộc thi được phát động từ tháng 9 năm 2018 đến nay đã nhận được gần 200 bài dự thi. Số lượng bài thi mà Ban tổ chức nhận được khá chất lượng, đa dạng, tập trung vào tất cả các lĩnh vực: Công nghệ, giáo dục, y tế, xã hội ….
Trong đó có 15 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng chung kết. Có nhiều dự án đã được các bạn học sinh,sinh viên triển khai và bước đầu đã có thành công, nhiều dự án đã được triển khai và chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng. Do đó, sẽ có nhiều nhà đầu tư, quan tâm đến dự án này.
Trong số 15 dự án lọt vào vòng chung kết, có 10 dự án của sinh viên đến từ các trường ĐH, CĐ, TC sư phạm, 5 dự án đến từ học sinh phổ thông.
Sau khi trải qua các phần thi thuyết trình và bảo vệ trực tiếp trước ban giám khảo, dự án Inut Plaform – hệ thống sinh thái kết nối vạn vật của trường ĐH Quốc gia TPHCM đã giành giải nhất khối ĐH, CĐ, TC, dự án Nano Rutin của học sinh trường THPT Phan Đình Phùng Hà Nội đã giành giải nhất đối với khối trung học phổ thông. Các dự án còn lại được ban tổ chức trao giải nhì, ba, khuyến khích.
Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với sự đồng hành cùng những đơn vị giàu ý tưởng khởi nghiệp như Trung Nguyên Legend, Bắc Á Bank, Tập đoàn Egroup và LienVietPostBank.
Với trách nhiệm của mình, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các địa phương, các tổ chức hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nhân, các nhà đầu tư - và chỉ đạo các nhà trường tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp của Đề án 1665 nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp để phát huy tối đa tài năng, năng lực của bản thân tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị cho cộng đồng, xã hội"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ một lần nữa nhấn mạnh.