Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đặt tương lai 100 năm tới tại Việt Nam
Chiều ngày 23/6, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc năm 2023 diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và khoảng 500 doanh nghiệp dự diễn đàn. Trước diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc toạ đàm bàn tròn với các hiệp hội doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
Hiện, 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, hoạt động không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống mà còn hướng tới các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, môi trường, tăng trưởng xanh, với khoảng 1,3 tỷ USD đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp Hàn Quốc có những đóng góp quan trọng trong một số lĩnh vực như công nghệ cao, công nghiệp điện tử, năng lượng, ô tô, xây dựng...
Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc toạ đàm bàn tròn với các hiệp hội doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Hàn Quốc. |
Ông Cho Hyun Joon - Chủ tịch Tập đoàn Hyosung - cho biết tập đoàn đã đầu tư hơn 20 năm tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 20.000 tỷ Won (khoảng 3,5 tỷ USD) và khoảng hơn 9.000 lao động. Hyosung coi Việt Nam là thị trường chiến lược, trọng điểm. Thời gian tới, tập đoàn này sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, dự kiến tiếp tục tuyển dụng thêm 10.000 nhân lực tại Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Hyosung nhận định hoạt động hợp tác đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là một hình mẫu mà không nước nào khác có được. "Tôi luôn tin tưởng rằng sự phát triển của Việt Nam sẽ đồng hành với sự phát triển của Hàn Quốc. Chúng tôi mong muốn đóng góp trong quá trình và muốn đặt tương lai 100 năm tới của Tập đoàn tại Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Theo ông Lee Jae-yong - Chủ tịch Tập đoàn Samsung, doanh nghiệp đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam, cũng đánh giá sự phát triển của Việt Nam chính là sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc, sự thành công của Việt Nam chính là sự thành công của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Grab sa thải hơn 1.000 nhân viên
Tập đoàn Công nghệ Grab vừa ra thông báo cắt giảm hơn 1.000 nhân sự. Đây là một phần trong nỗ lực quản lý kinh phí và duy trì sức cạnh tranh công ty. Cụ thể, trong thư gửi đến nhân viên được đăng tải trên trang web của Grab, Giám đốc điều hành Grab Anthony Tan khẳng định, việc tái cấu trúc là bước đi khó khăn, nhưng cần thiết. Ông Tan cho rằng, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chi phí vốn đã tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp tới bối cảnh cạnh tranh.
Quý I/2023, Grab báo lỗ ròng 250 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Giám đốc điều hành của Grab cũng nhấn mạnh, mục tiêu chính của quyết định này là tổ chức lại công ty một cách chiến lược, để có thể đi nhanh hơn, làm việc thông minh hơn, và tái cân bằng các nguồn lực trong danh mục đầu tư để phù hợp với những chiến lược lâu dài. Grab đang trên đà hòa vốn trong năm nay dù không cần sa thải nhân viên. Năm 2020, Grab đã cắt giảm 360 nhân viên, tức khoảng 5% lực lượng lao động toàn thời gian, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ông Anthony Tan nói rằng, công ty gọi xe và giao đồ ăn này vẫn đang “đi đúng hướng” với mục tiêu hoà vốn EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản cố định hữu hình và vô hình). Tuy nhiên, dựa trên cơ sở thu nhập ròng thì gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á còn cách xa mục tiêu có lợi nhuận. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Grab báo lỗ ròng 250 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin vụ khởi tố thao túng chứng khoán nhóm Apec
Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (mã APS), CTCP Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) để tiến hành điều tra theo quy định.
Trên thị trường chứng khoán, API, IDJ hay APS được biết đến là các cổ phiếu thuộc nhóm Apec (Apec Group). Cả 3 cổ phiếu này đều đã tăng khá mạnh từ cuối tháng 3. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng, API và IDJ đều đã tăng hơn 68% trong khi thị giá APS cũng tăng 53%. Nhưng đến giữa tháng 6 đã có một đợt bán mạnh. Ba cổ phiếu này đang niêm yết trên sàn Hà Nội (HNX).
Ban lãnh đạo APS cùng cổ đông hô "quyết tâm gồng lãi" gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội |
Từ cuối tháng 3/2023, 3 cổ phiếu nhóm Apec gây chú ý khi cùng tăng mạnh. Sau chưa đầy 3 tháng, API và IDJ tăng hơn 68%, APS cũng tăng 53%. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6, nhóm Apec bị xả mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất (24/6), APS ở mức 14.300 đồng/cổ phiếu. API giá 12.600 đồng/cổ phiếu. IDJ dừng ở ngưỡng 13.200 đồng/cổ phiếu. Thông tin khởi tố vụ thao túng chứng khoán ở nhóm Apec xuất hiện sau phiên giao dịch, chưa ảnh hưởng đến diễn biến của các cổ phiếu liên quan.
Hiện tại, dù đã hồi phục đáng kể so với đáy, nhưng thị giá 3 cổ phiếu này vẫn cách rất xa so với hồi đỉnh cũ thiết lập cuối năm 2021. Đỉnh điểm, thị giá APS từng đạt 59.900 đồng/cổ phiếu, tăng 15 lần từ đáy. API vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu. Còn IDJ lên mức đỉnh 74.800 đồng/cổ phiếu.
Tại thời điểm cổ phiếu đang trên đỉnh, ban lãnh đạo APS cùng cổ đông hô "quyết tâm gồng lãi" trong buổi họp đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 16/11/2021. Clip lãnh đạo và cổ đông công ty cùng đeo khăn tím, hô to khẩu hiệu khi đó đã gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, qua cơn sóng cuối năm 2021, sau khi cùng nhau tạo đỉnh, nhóm Apec bắt đầu điều chỉnh, lao dốc. Đến nay, bộ 3 cổ phiếu Apec chỉ giao dịch trên mức 10.000 đồng/cổ phiếu (sau điều chỉnh chia cổ tức)
Apec Group là tập đoàn đa ngành với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Hệ sinh thái này gồm có 3 công ty trụ cột chính là APS, API, IDJ. Apec Group thành lập ngày 24/11/2017, tiền thân là Công ty cổ phần BG Group.
Với nhóm Apec, cái tên được nhắc đến nhiều nhất, có mối liên quan mật thiết là ông Nguyễn Đỗ Lăng. Ông Lăng là người sáng lập Apec Group và hiện là Thành viên Hội đồng quản trị API, Thành viên Hội đồng quản trị IDJ và Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc APS.
Shark Louis Nguyễn rời hội đồng quản trị LDG
Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) vừa công bố thông tin, có thêm một thành viên Hội đồng quản trị nộp đơn từ nhiệm với lý do cá nhân. Cụ thể, người nộp đơn là ông Trịnh Quốc Nam - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Uỷ ban kiểm toán LDG.
Như vậy, đã có 4/7 thành viên Hội đồng quản trị LDG nộp đơn từ nhiệm. Ba người đã nộp đơn trước đó là ông Lê Văn Vũ, ông Ngô Ngọc Huyên và ông Louis Nguyễn. Cả 3 cá nhân này đều có cùng lý do miễn nhiệm là vì cá nhân.
Ông Louis Nguyễn. |
Đáng chú ý, ông Louis Nguyễn chỉ mới tham gia Hội đồng quản trị LDG từ ngày 30/6/2022, sau khi được đại hội cổ đông thường niên 2022 tổ chức vào lần 3 thông qua. Ông Louis Nguyễn được biết đến nhiều hơn với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn (Saigon Asset Management - SAM).
Ông Louis Nguyễn tên thật là Nguyễn Thế Lữ sinh năm 1963, là một gương mặt khá quen thuộc trong giới đầu tư tại TPHCM suốt 10 năm qua. Tên tuổi của ông được biết đến nhiều hơn khi ngồi ghế “nóng” của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2. Từ khi tham gia Hội đồng quản trị LDG đến nay, ông Louis Nguyễn không sở hữu hay thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến cổ phiếu LDG.
Thương mại giảm kỷ lục, doanh nghiệp Việt 'hụt hơi'
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 6, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD, giảm 16,6% so với nửa cuối tháng 5. Lũy kế đến ngày 15/6, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 148,8 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Kéo tụt trị giá xuất khẩu phải kể đến số nhóm hàng chủ lực như: Điện thoại các loại & linh kiện giảm 5,1 tỷ USD; hàng dệt may giảm hơn 2,5 tỷ USD; gỗ & sản phẩm gỗ giảm 2,2 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 1,7 tỷ USD....
Ở chiều ngược lại, tính đến ngày 15/6, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 139 tỷ USD, giảm 18,4% (tương ứng giảm 31,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay, cao hơn cả thời điểm suy thoái kinh tế năm 2009.
Không chỉ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang giảm kỷ lục. |
Tính đến giữa tháng 6, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 9,8 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý, doanh nghiệp FDI vẫn xuất siêu tới 18,3 tỷ USD. Điều này cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước đang thâm hụt nặng.
Nhiều hồ thủy điện thoát mực nước chết, miền Bắc hết cảnh thiếu điện
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong những ngày gần đây, mực nước các hồ thuỷ điện đã được nâng lên. Một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố đã được khắc phục. Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời của Thủ tướng, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sự chia sẻ, phối hợp của lãnh đạo các tỉnh, thành phố cùng các khách hàng sử dụng điện, tình hình cung ứng điện đã được cải thiện.
Theo thống kê, tại khu vực Bắc Bộ, do lưu lượng nước về hồ ổn định, mực nước nhiều hồ thủy điện đã vượt mực nước chết (chỉ còn hồ Thác Bà xấp xỉ mực nước chết.
Nhiều hồ thủy điện ở khu vực phía Bắc đã thoát mực nước chết. |
Cụ thể, mực nước hồ Lai Châu cao hơn 17,3 m so với mực nước chết; hồ Sơn La cao hơn mực nước chết 4,3 m; hồ Hòa Bình cao hơn 22,6 m so với mực nước chết; hồ Tuyên Quang vượt mực nước chết 6,8 m trong khi hồ Bản Chát vượt mực nước chết hơn 7,9 m.
Các hồ thủy điện thuộc khu vực Bắc Trung Bộ như Trung Sơn (vượt mực nước chết 4,5 m). Các hồ thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na, Bình Điền, Hương Điền cũng đều thoát mực nước chết và cao hơn mực nước chết từ 2 - 7 m. Khu vực Đông Nam Bộ cũng ghi nhận hồ Thác Mơ và hồ Trị An đều đã vượt mực nước chết. Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng ghi nhận nhiều hồ thủy điện có lượng nước về gia tăng và đã thoát mực nước chết.
EVN thông báo từ ngày 23/6 hệ thống điện miền Bắc sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện. Tuy nhiên, do hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan dẫn đến phải điều chỉnh phụ tải, tiết giảm điện.
Vợ ông Trần Quí Thanh làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát
Theo giấy thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), doanh nghiệp đã có sự thay đổi về vai trò người đại diện pháp luật.
Cụ thể, tính đến ngày 10/10/2022, đại diện pháp luật của Tập đoàn Tân Hiệp Phát là ông David Riddle - Phó Giám đốc và ông Trần Quí Thanh - Tổng Giám đốc.
Tuy nhiên, theo giấy thay đổi đăng ký doanh nghiệp ngày 15/5/2023, ông Thanh không còn là đại diện pháp luật cho Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Thay vào đó, bà Phạm Thị Nụ (năm nay 66 tuổi) - vợ của ông Thanh giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Bà Phạm Thị Nụ và ông Trần Quí Thanh. |
Ông David Riddle vẫn giữ nguyên vai trò Phó Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật trong lần thay đổi lần này.
Hiện tại, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 276 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Nụ góp 150,4 tỷ đồng (chiếm 54,49% vốn điều lệ), bà Trần Uyên Phương góp 81,1 tỷ đồng (chiếm 29,38% vốn điều lệ), bà Trần Ngọc Bích góp 44,5 tỷ đồng (chiếm 16,12% vốn điều lệ). Bà Phạm Thị Nụ - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm cổ đông sáng lập Công ty Tân Hiệp Phát.
Trước đó, vào ngày 10/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố ông Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Trong số này, ông Thanh và bà Phương bị bắt tạm giam.
Bộ Công an giao Cơ quan CSĐT tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân trên địa bàn TPHCM và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TPHCM từ tháng 11/2020.