Sau cuộc họp, phóng viên báo Tiền phong đã trao đổi với ông Trần Bá Giao – Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT. Ông Trần Bá Giao khẳng định:
“Có thể khẳng định mọi khâu của quá trình ra đề đảm bảo đúng quy chế. Trước khi nói về vấn đề này, cần phải xác định rõ quan điểm, thế nào là trùng đề ?
Trùng đề là phải giống y nguyên. Danh mục các vấn đề trọng tâm của “lò” C1 không phải là đề, mà là chủ đề. Môn Văn có những chủ đề tập trung theo tác giả, tác phẩm.
Đề ra bám sát chương trình, bám sát sách giáo khoa thì rõ ràng sẽ trúng vào một trong những chủ đề đó. Đó là những chủ đề mà một học sinh dù không học ôn ở “lò” cũng có thể liệt kê ra được.
Việc trúng tủ chỉ nói lên một điều là sự yếu kém của đề thi tự luận. Đề thi tự luận khiến người ta rất dễ đoán tủ. Ví dụ như thơ Xuân Diệu, chỉ có chất lãng mạn, chẳng có ai dốt gì mà lại học chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thơ Xuân Diệu. Phương pháp trắc nghiệm sẽ hạn chế rất tốt xác suất trúng tủ. Một khi còn sử dụng phương pháp thi tự luận thì còn nhiều ngộ nhận, chủ quan. Tôi biết, những người luyện thi khéo có thể tiên đoán những nội dung có thể được sử dụng làm đề thi để chuẩn bị cho thí sinh. Như thế thì người ta mới tồn tại được chứ. Đi tất cả các lò luyện trên toàn quốc, bạn sẽ hiểu tại sao học sinh phải nộp tiền vào đây. Họ phải có mánh khóe, phải dự đoán thế nọ thế kia chứ. Cục trưởng Khảo thí (Bộ GD&ĐT) Nguyễn An Ninh |
Nếu cho tôi liệt kê các chủ đề thì dứt khoát cũng trúng. Nếu đề ra ngoài sách giáo khoa thì mới không trúng. Nếu ra đúng trong chương trình thì thế nào cũng có cái ý mà “người ta” (thầy luyện thi “lò” C1 – PV) đã lựa chọn. Không chỉ “lò” C1 của ĐH SP mà các nơi khác người ta cũng phải tập trung vào người ta ôn những chủ đề cơ bản ấy.
Trúng “tủ” tức là đề ra không chỉ đúng về nội dung chủ đề mà còn phải cả về phương hướng đòi hỏi phải giải quyết của đề đó. Báo chí nói là có 4, nhưng tính ra có đúng 4 không? (Báo TP nêu có 4 trong số 6 câu của đề thi ĐH môn Văn khối C và D gần sát với “tủ” của “lò” C1, ĐH Sư phạm HN – PV).
Theo báo chí, trong hướng dẫn ôn tập của “lò” đó có nội dung ôn đoạn đầu của Tuyên ngôn Độc lập. Thực tế đề thi yêu cầu thí sinh phân tích giá trị văn học và giá trị lịch sử của tác phẩm đó. Thế mà gọi là “trúng tủ” à? Rõ ràng, 2 vấn đề khác nhau. Tôi chỉ cần lấy một câu ấy để bác được toàn bộ bài viết đó.
Người được mời vào Ban ra đề mà báo chí nói tới đó là người đã nhiều năm luyện thi. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Trong quy chế không đặt ra vấn đề là người tham gia ra đề không được luyện thi. Quy chế chỉ yêu cầu người tham gia Ban ra đề là người không có người thân dự thi ĐH, CĐ.
Làm sao mà lại không cho những người ra đề không được luyện thi được! Các thầy giỏi thì các thầy có quyền luyện thi chứ! Việc luyện thi là việc của mỗi cá nhân các thầy. Quy chế chỉ yêu cầu người tham gia Ban ra đề không được để lộ thông tin về đề thi ra ngoài.
Tiền Phong xin khẳng định, ông Lã Nhâm Thìn là người trong Ban ra đề thi của Bộ năm nay. Tuy nhiên theo khẳng định của ông Trần Bá Giao – Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT thì ông Thìn không phải là người ra đề thi ĐH năm nay (song vẫn là người trong Ban ra đề thi). |
Còn cụ thể về cá nhân này (thầy Lã Nhâm Thìn, chủ nhiệm bộ môn Ngữ văn ĐH Sư phạm HN – PV) thì Ban ra đề thi của Bộ khẳng định: Đấy không phải là người ra đề thi ĐH năm nay.
Không một ai từ trường ĐH Sư phạm HN là người ra đề thi Văn năm nay. Những đề thi đó là của những thành viên đến từ các đơn vị khác.
Ông nói rằng báo chí nêu không có căn cứ. Vậy Bộ sẽ có những phản hồi như thế nào về điều đó?
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã giao trách nhiệm cho đồng chí trưởng Ban ra đề thi – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Nguyễn An Ninh có câu trả lời chính thức.
Còn những gì tôi trao đổi ở đây chỉ là những thông tin mà tôi được biết và có tính chất ý kiến của riêng cá nhân tôi. Theo tôi nghĩ, không nên quan trọng hóa vấn đề.
Cảm ơn ông!
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Đây không phải là một chuyện bình thường!
Tôi sống và làm việc tại một huyện đảo cách xa Thủ đô hàng trăm cây số về phía Đông Bắc của Tổ quốc – nơi đây không chỉ riêng tôi mà còn trên dưới một trăm phụ huynh học sinh cùng hướng về Thủ đô trong những ngày thi cử.
Tôi từng thi suốt 4 năm liền mới đỗ đại học và như vậy, còn ai thấu hiểu giây phút chờ đợi, vui sướng, buồn tủi khi biết kết quả thi hơn tôi.
Hôm nay sau 2 ngày kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi đại học, tôi cầm trên tay bài của báo Tiền phong viết có đến 4 trong 6 câu hỏi của hai đề thi Văn khối C và D gần sát với các “trọng tâm” ôn thi của “lò” luyện thi C1 - Đại học Sư phạm Hà Nội mà thấy mất hết niềm tin về “dạy – học – thi” thời nay mặc dù chưa biết thật hư thế nào.
Từ cái nhìn cá nhân của tôi, qua bài viết “Lò” gặp may hay có “chuyện”? thì quả thật vấn đề không đơn giản chút nào về cái mà thí sinh hay gọi là “ôn tủ”, “ôn trọng tâm” tại lò C1 Đại học Sư phạm Hà Nội”.
Tôi còn thấy khó hiểu hơn nữa là khi ông Lã Nhâm Thìn – Chủ nhiệm bộ môn Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội (người trực tiếp giảng dạy tại lò C1 và là thành viên của Hội đồng ra đề thi) - trả lời phỏng vấn nhà báo: “Thôi thì cái việc đó đã thế rồi thì phóng viên thông cảm tôi không thể trả lời hơn được nữa…”.
Kính gửi báo Tiền phong, được biết quý báo nhiều năm nay đã thực sự “bút sắt lòng trong” trong công tác chống tiêu cực xã hội và tôi đặt niềm tin vào quý báo trước sự việc trên, bởi theo tôi vấn đề 4 trong 6 câu của đề thi đại học môn Văn khối C và D gần sát với “tủ” của “lò” C1 Đại học Sư phạm không đơn giản chút nào.
Người luyện thi được tham gia làm đề thi, có hợp lý không?
Ông Giao có nói: “Trong quy chế không đặt ra vấn đề người tham gia làm đề thi không được luyện thi. Quy chế chỉ yêu cầu người tham gia Ban ra đề là người không có người thân dự thi ĐH, CĐ. Làm sao mà lại không cho những người ra đề không luyện thi được. Các thầy giỏi thì các thầy có quyền luyện thi chứ! Việc luyện thi là việc của cá nhân các thầy. Quy chế chỉ yêu cầu người tham gia ban ra đề không được để lộ thông tin ra ngoài”.
Tôi thấy ý kiến trên đây rất bất ổn, và nếu quy chế quy định như vậy thì là sơ hở. Vì nếu để người ra đề được luyện thi, sẽ xảy ra 2 tình huống mà trong cả hai, người ra đề – luyện thi đều rơi vào tình thế tôi cho là không thể chấp nhận được.
Tình huống thứ nhất: Người ra đề – luyện thi ra đề sát với nội dung luyện thi của mình (tình huống rất dễ xảy ra) thì đương nhiên học trò học thầy này sẽ được lợi, và thầy sẽ là người bất công với toàn thể số học sinh còn lại không học thầy.
Tình huống thứ hai: Người ra đề – luyện thi ra đề không sát với nội dung luyện thi. Nếu như vậy chẳng hoá ra thầy đi lừa người nộp tiền vào luyện ở “lò” của mình à?