Lò C1: Không chỉ là chuyện trúng hay không trúng “tủ”

Lò C1: Không chỉ là chuyện trúng hay không trúng “tủ”
"Lò” C1 không chỉ cung cấp nội dung ôn luyện có nhiều phần “sát sườn” với nội dung đề thi. Ngay cả những “bài văn tủ” mà “lò” này đưa ra cũng được làm theo đúng “chuẩn mực” của đáp án đề thi đại học.

Sau khi Tiền Phong phản ánh sự việc “lò” luyện thi C1 Đại học Sư phạm Hà Nội, đã cung cấp cho thí sinh nội dung ôn luyện có nhiều trùng hợp với nội dung đề thi đại học môn Văn khối C và D.

Nhiều quan chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo một mặt khẳng định rằng đề thi không trùng với luyện thi, mặt khác lại cho rằng “lò” C1 có khả năng cho “tủ” trúng đề thi là do sự yếu kém của đề thi tự luận, và cách làm đề thi tự luận như hiện nay khiến người ta rất dễ đoán tủ.

So sánh toàn bộ chương trình ôn luyện tại “lò” C1 với nội dung đề thi, chúng tôi nhận thấy sự trùng hợp là hết sức “kỳ lạ” và không thể thỏa mãn bởi những cách giải thích vừa qua của các quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình ôn luyện tại “lò” C1 cung cấp cho thí sinh 3 “bửu bối” để đi thi đại học.

“ Bửu bối” thứ nhất là những “bài văn tủ” được các giáo viên tại lò này đọc-chép cho các thí sinh với những gạch đầu dòng rất rõ ràng.

Như Tiền Phong đã đề cập, từ việc phân tích bản Tuyên ngôn độc lập, truyện ngắn Vợ nhặt, Đời thừa, cho đến các đoạn thơ trong bài Bên kia sông Đuống, Đất nước trích trường ca Mặt đường khát vọng, Kính gửi cụ Nguyễn Du (Là những tác phẩm có nội dung trong đề thi), đều xuất hiện trong số các “bài văn tủ” được giáo viên “lò” C1 chọn lọc và cung cấp cho các thí sinh đến ôn luyện.

 “Bửu bối” thứ hai là phần “trọng tâm ôn thi” hướng dẫn cho các thí sinh 12 “trọng tâm” cơ bản thì có đến 5 “trọng tâm” gần sát vào đề thi đại học.

Và “bửu bối” thứ ba, quan trọng nhất là phần “câu hỏi ôn tập” nhằm giới hạn cho các thi sinh những “bài” nào cần ôn tập trong các giai đoạn văn học của nước nhà.

Quá trình ôn luyện tại “lò” C1 chia chương trình Văn học lớp 11 và lớp 12 ra các giai đoạn theo sách giáo khoa, dĩ nhiên trong sách giáo khoa thì mỗi giai đoạn văn học có nhiều tác phẩm, còn trong chương trình ôn luyện tại “Lò” C1 thì chỉ giới hạn ở một số tác phẩm.

Và nếu như phần “bài văn tủ” và “trọng tâm ôn thi” còn có nội dung chưa bao trùm với đề thi đại học, thì những giới hạn mà phần “câu hỏi ôn tập” đưa ra hoàn toàn trùm kín nội dung đề thi...

Bắt học sinh nghĩ giống hệt nhau như những người lính lúc duyệt binh

Dễ dàng nhận thấy “lò” C1 không chỉ cung cấp nội dung ôn luyện có nhiều phần “sát sườn” với nội dung đề thi. Ngay cả những “bài văn tủ” mà “lò” này đưa ra cũng được làm theo đúng “chuẩn mực” của đáp án đề thi đại học.

Một học sinh tâm sự : “Em không dám viết những gì chệch ra ngoài đường ray đáp án để rồi bị điểm liệt. Môn Văn mà có đáp án, nghe đã thấy hãi. Đã thế đáp án ấy còn chi li đến từng ý, từng lời thử hỏi nó còn đáng sợ đến mức nào?”.

Học sinh này cho rằng  với một đáp án chi tiết cụ thể tới từng ý nhỏ lấy điểm 0,125 trên 10, người làm đáp án đã bắt chúng em, tức hơn 400.000 học sinh (thi khối C và D) cũng phải nghĩ và cảm giống hệt nhau như những người lính trong hàng quân lúc duyệt binh. 

“Lò” C1 và các lò luyện thi khác, với những “bài văn tủ” của mình, đã “tập” cho các thí sinh làm quen với một thứ văn chương “gạch đầu dòng” nhằm “phục vụ” yêu cầu của các đáp án.

Dĩ nhiên, khi cung cấp “bài văn tủ” về tác phẩm Đời thừa (có trong đề thi đại học) cho gần 3 trăm học viên trong lớp ôn thi cấp tốc, các giáo viên của “lò” C1 hẳn phải giảng rất kỹ về nhân vật Hộ trong truyện ngắn nêu trên, một nhân vật có câu nói nổi tiếng:

 “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có”...

Trúng “tủ” có phải là chuyện bình thường?

Cùng với việc phát hiện ra hiện tượng phần lớn nội dung đề thi đại học môn Văn khối C và D gần sát với “tủ” của “lò” C1, ĐH Sư phạm Hà Nội, phóng viên Tiền Phong đã làm một cuộc khảo sát qua nhiều “lò” luyện thi khác.

Hiện tượng nói trên đã gây ra nhiều...tiếc nuối đối với các thí sinh không có may mắn ôn luyện tại “lò” C1. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều thí sinh trong diện “không may mắn” đó đã bày tỏ sự thất vọng đối với “lò” mà họ chọn để trông chờ vào “tủ” mà “lò” có thể đưa ra.

Thí sinh Phan Thị Sương (Yên Thành-Nghệ An), sau khi ra Hà Nội ôn thi ở một “lò” gần trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thì đã chán nản tìm về các “lò” ở Đại học Vinh để ôn vì thí sinh nhận thấy “ôn ở thủ đô cũng không hơn ở quê, mà lại tốn kém hơn nhiều”.

Kết thúc kỳ thi đại học vừa qua, thí sinh này càng chán nản hơn “tính cả tủ ở lò Nhân văn lẫn tủ ở lò Đại học Vinh thì đều không... trúng đề”. Cô giáo Lê Minh Sao (Trường PTTH Nghi Lộc 4-Nghệ An) cho biết:

“Các học trò của tôi có em đi ôn thi ở Hà Nội, có em ôn thi ở Vinh, nhưng nhìn chung đều than thở là các lò luyện thi cho...lệch tủ”. Còn Duyên, một thí sinh ở Hà Nội ( Trường PTTH Nguyễn Siêu), và Thắm, thí sinh đến từ tỉnh Hoà Bình, thì đều khẳng định “tủ” của một “lò” gần trường Khoa học xã hội và Nhân văn mà các em theo học, chỉ “trúng rất ít so với nội dung đề thi, hoàn toàn không thể so sánh được với mức độ sát sườn đề thi như tủ của Lò C1 đưa ra”. 

Qua tìm hiểu, được biết thầy Lã Nhâm Thìn-giáo viên ở “lò” C1 không chỉ thường được mời vào Hội đồng ra đề thi đại học, mà còn được mời làm...Trưởng tiểu ban chấm thi môn văn trong kỳ thi đại học trước đây (!).

Chúng tôi xin trích ra đây một phần nhỏ trong số những “bài văn tủ” của “lò” C1 (Lấy từ vở ghi của thí sinh ôn thi tại lò này, chúng tôi giữ nguyên các lỗi chính tả và viết tắt), và đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với câu II (5 điểm) đề thi đại học môn Văn, khối C để bạn đọc có thể tự so sánh.

Bài văn tủ:

...Đặc biệt Kinh Bắc là quê hương của tranh đông hồ (Phần tích 2 câu thơ nói về bức tranh đông hồ để thấy đc niềm y mến tự hào của t/g đối với truyền thống của quê).

(Nếu hương nếp thơm nồng là tín hiệu của vùng quê nông nghiệp của đời sống ấm no thì tranh đông hồ là tín hiệu của 1 miền quê văn hoá với đời sống tinh thần phong phú lành mạnh). Chỉ = 2 câu thơ ngắn gọn t/g đã nói rất đúng về tranh đông hồ từ đề tài       chất liệu đến tâm hồn dt, nghệ thuật dân tộc của tranh đông hồ...

+ Chất liệu của tranh đông hồ làm từ đất cát cây cỏ quê hương, tranh đông hồ nét “tươi trong” thì tranh tươi bởi màu và trong bởi giấy...

+ Tâm hồn dt nghệ thuật của tranh đông hồ đc thể hiện qua cách diễn đạt độc đáo “màu dt” cách viết này vừa nói lên đc nghĩa đen nghĩa cụ thể màu sắc của tranh lấy từ chất liệu dt; vừa nói đc nghĩa bóng, nghĩa nghệ thuật (tranh mang tâm hồn dt mang bản sắc nghệ thuật dt)...

Đáp án của Bộ Giáo dục và đào tạo:

- Phân tích sâu hai câu thơ về tranh Đông Hồ, tác giả đã nêu bật cái chất dân gian, cái hồn dân tộc của tranh Đông Hồ từ đề tài, ý nghĩa đến màu sắc, chất liệu độc đáo. Cần làm rõ khả năng vừa gợi tả, vừa biểu hiện cảm xúc của các từ tươi trong, bừng sáng, đặc biệt là các nét nghĩa của cụm từ màu dân tộc (Nghĩa cụ thể: chất liệu, màu sắc lấy từ đất đá, cây cỏ của quê hương; nghĩa bóng: hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày, nghệ thuật vẽ tranh dân gian-tất cả tạo nên bản sắc dân tộc độc đáo).

MỚI - NÓNG