Lính ra-đa làm rể đảo tiền tiêu

Lính ra-đa làm rể đảo tiền tiêu
TP - Tình nguyện ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm nhiệm vụ, lính trẻ thuộc Trạm ra-đa 550 (Tiểu đoàn 351, Vùng 3 Hải quân) bị cái đẹp mặn mà, đằm thắm của con gái đảo tiền tiêu mê hoặc.

> Lính đảo Bạch Long Vĩ mong thư

Mất cả tiếng vừa bò vừa đẩy xe máy, chúng tôi mới lên được đỉnh núi Thới Lới, nơi hơn 30 cán bộ, chiến sĩ Trạm 550 đang ngày đêm canh giữ cả một vùng biển trời mênh mông là điểm nóng về việc tàu lạ vi phạm chủ quyền trong thời gian qua.

Ngày cuối tuần, lại trong giờ nghỉ trưa, nhưng hơn chục chiến sĩ vẫn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu như lời Trạm trưởng, Trung tá Hồ Bá Trung.

Làm việc trên đỉnh núi cao nhất Lý Sơn nằm giữa biển Đông, nơi điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, đường lên cheo leo, dốc thẳng đứng, chỉ cần sơ sẩy là lao xuống biển nên khó có thể kể hết cái khó, cái khổ mà mỗi người lính ra-đa phải đối mặt hằng ngày.

Chính trị viên Lê Phú Quý, SN 1984, cho biết chỉ cần mưa gió cỡ cấp 3-4, Trạm lại bị cô lập vì không thể đi lại được. Những lúc đó, toàn bộ chiến sĩ lại biến trạm thành nhà, thực phẩm khô dự trữ đem ra dùng dần, các loại rau và gia cầm tự tăng gia được nhiều khi cạn kiệt khiến anh em phải dùng cả lá vông để nấu canh ăn.

Đảo chưa có điện lưới, nước máy, trên đỉnh Thới Lới lại càng khó khăn hơn. Anh em chủ yếu chắt chiu nguồn điện quý giá từ năng lượng mặt trời để bật tivi xem tin tức, còn máy nổ phát điện dành riêng cho đài quan sát đảm bảo hoạt động 24/24 giờ, nước ngọt thì dùng từ 2 chiếc bể hứng nước mưa.

Chuyện tình biển đảo

Lính ra-đa trên trạm 550 trong phút nghỉ ngơi ngay dưới những cây vông “cứu đói“ Ảnh: Đ.N
Lính ra-đa trên trạm 550 trong phút nghỉ ngơi ngay dưới những cây vông “cứu đói“.  Ảnh: Đ.N.
 

Trạm trưởng Trung (SN 1967) là người già nhất, còn lại đều thuộc thế hệ 7X, 8X, đến từ nhiều vùng quê khác nhau. Anh Trung quê Diễn Châu (Nghệ An) mới ra đảo nên vợ con vẫn ở đất liền, trong khi hơn 50% cán bộ, chiến sĩ trở thành con rể của đảo và nhiều người khác quyết tâm bám rễ tại đây.

Quá trưa, chúng tôi xuống núi thăm gia đình trung úy Nguyễn Trung Ngư, SN 1973, một trong những chiến sĩ làm rể của Lý Sơn. Trong bữa cơm trưa ở nhà anh Ngư (xã An Hải), hoà cùng tiếng sóng biển Đông, chúng tôi được gặp thêm nhiều cặp đôi, được nghe những câu chuyện tình lãng mạn giữa lính ra-đa và thiếu nữ đảo tiền tiêu.

Chính trị viên Lê Phú Quý ra đảo từ tháng 10 - 2011, là người mới, nhưng được anh em bái phục khi kéo được cô vợ trẻ xinh đẹp, SN 1988, là cử nhân địa lý, bằng giỏi, ra Lý Sơn cách đây 4 tháng.

Quý chia sẻ dù rất khó xin được việc cho vợ trên đảo, nhưng vợ chồng quyết tâm bám trụ, gây dựng cuộc sống tại đây. Vợ của trung úy Ngư là chị Nguyễn Thị Mỹ, gia đình nhiều đời ở đảo, mở cửa hàng buôn bán đặc sản Lý Sơn ngay tại nhà nên cuộc sống khấm khá hơn.

Tuy nhiên, theo trung tá Trung, cuộc sống của hầu hết chàng rể mặc áo lính đều khó khăn, cũng như người dân trên đảo.

Trung úy Hoàng Đình Hinh, SN 1972, ra đảo từ năm 1994, vợ đang bị bệnh nặng, con còn nhỏ, nhà chưa có nên đời sống thiếu thốn đủ bề. Anh Đoàn Minh Cừ gắn bó với Trạm 550 từ lâu, nhưng vợ và hai con vẫn ở lại TP Thái Bình vì chưa có điều kiện kéo hậu phương ra đảo.

Vào dịp nghỉ hè, những chiến sĩ ra-đa Lý Sơn có vợ con ở đất liền lại kéo hậu phương ra đảo để sum vầy, sau đó lại xa nhau biền biệt.

Cũng tại nhà anh Ngư, chúng tôi gặp thiếu úy Nguyễn Văn Trường, SN 1987 và người yêu là cô giáo mầm non Nguyễn Thị Nhanh, cư dân đảo Lý Sơn.

Trường gắn bó với đảo gần 1 năm, nhưng gần đây trở về làm nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 351 trên đất liền.

Cứ mỗi dịp được nghỉ, Trường lại bắt xe vượt 120 km đường bộ, 26 km đường biển ra đảo Lý Sơn để được gặp người yêu và ai cũng tin rằng một ngày gần đây chàng sĩ quan trẻ sẽ lại làm rể đảo tiền tiêu như những đồng đội đi trước.

Gian khổ là thế, nhưng trừ khi thời tiết xấu, còn lại ở đỉnh Thới Lới cảnh sắc đẹp mê hồn với biển trời mênh mông, thuyền bè nườm nượp...nên tâm hồn cánh lính trẻ luôn bay bổng và như lẽ tự nhiên tình cảm với những thiếu nữ miền biển đảo cứ thế đong đầy. Đỉnh Thới Lới xưa kia là miệng núi lửa, nay dấu tích nham thạch tạo nên những nét chấm phá độc đáo chỉ có ở Lý Sơn. Giờ đỉnh Thới Lới thuộc khu vực quân sự, nhưng thỉnh thoảng Trạm 550 lại mở cửa đón tiếp, giao lưu với các em học sinh, thầy cô giáo và bạn trẻ Lý Sơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG