Vì chương trình không tổ chức bán vé, chỉ gửi thiệp mời đến những vị khách quý nên trước đó nhiều người đã phải chạy đôn chạy đáo để tìm một chiếc vé vào xem. Sở dĩ Vũ “sốt vé” đến vậy bởi những dư âm của chương trình này tại Hà Nội đã khiến mọi người không thể bỏ qua.
Vũ tại TPHCM vẫn giữ nguyên kịch bản với 15 tiết mục được trình diễn liên tục trong 100 phút. Phần đầu của chương trình với tên Ra đi là để trở về gồm những tác phẩm múa kinh điển Trung Quốc: Thập diện mai phục, Phật bà Quan Âm, Quả quýt vàng do biên đạo Wu Hoan, Liu Xi dàn dựng.
Phần hai là những tiết mục múa Việt do chính cha mẹ của Linh Nga là NSƯT Ðặng Hùng - Vương Linh biên đạo thành một câu chuyện kể về đất nước và con người VN: Ðào liễu, Dân tộc Mèo, Cầu mưa, Vũ hội xuân, Ngày trở về với mẹ.
Trong Vũ, Linh Nga sẽ cùng các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, đoàn múa "Những ngôi sao nhỏ" và các nghệ sĩ đến từ Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc đem đến cho khán giả những vũ điệu điêu luyện, mềm dẻo, linh hoạt, bay bổng của nghệ thuật múa.
Chia sẻ về Vũ, Linh Nga liên tục “đính chính”:
- Xin đừng gọi Vũ là live show múa vì tôi thấy Vũ chỉ đơn giản là một chương trình báo cáo của tôi với ba mẹ, thầy cô, bạn bè, với khán giả quê hương về những miệt mài trong suốt 10 năm qua tại xứ người.
Lúc tôi vừa hoàn thành sáu năm trung cấp múa ở Trung Quốc, nhiều người đã hỏi “Học gì mà lắm thế?”, rồi đến khi tôi quyết định học tiếp bốn năm đại học múa nữa thì ai cũng tròn mắt ngạc nhiên. Vì thế Vũ là câu trả lời cho tất cả.
Hiện giờ nếu lên Internet để tìm kiếm thông tin về Vũ và Linh Nga sẽ nhận được gần 100.000 kết quả. Linh Nga có nghĩ mình đã quá nổi tiếng? Hoặc mình đã góp phần đem đến một sự quan tâm nồng nhiệt hiếm có dành cho múa?
NSƯT Đặng Hùng: Vợ chồng tôi sẽ không bao giờ quên được khung cảnh lạnh lẽo trong gian ký túc xá của Trường múa Quảng Đông cách đây 10 năm: chiếc tủ sắt, bát cơm sắt, chiếc giường sắt, mấy bộ quần áo... và con gái Linh Nga 12 tuổi của chúng tôi phải ở lại đó. Ra về vợ tôi đã khóc rất nhiều và cũng khóc suốt 10 năm sau đó, cho đến khi Nga thật sự trở về. Bây giờ ngoài niềm vui sum họp gia đình, vợ chồng tôi còn có thêm người đồng nghiệp, người bạn để cùng nhau tranh luận, sẻ chia những vui buồn của múa. |
- Ồ, thông tin về tôi nhiều vậy sao? Quá trình chuẩn bị tập dượt cho Vũ đã ngốn hết toàn bộ thời gian và tâm sức của tôi, đến nỗi tôi không kịp ăn cơm, nghỉ ngơi chứ nói gì đến chuyện lên mạng.
Tôi chỉ mới cảm nhận được sự quan tâm của khán giả dành cho Vũ qua hai đêm diễn tại Hà Nội: những tràng pháo tay nồng nhiệt và cái cách mọi người vẫn ngồi yên tại chỗ cho đến khi nhà hát đã tắt hết đèn chứ không lật đật ra về lấy xe đã khiến tôi xúc động đến rơi nước mắt! Còn chuyện nổi tiếng hay không đối với những diễn viên múa như chúng tôi thật lòng rất xa vời.
Vậy là múa cũng đã có thể đường hoàng đứng hẳn thành một chương trình hấp dẫn khán giả từ đầu đến cuối?
- Thật ra múa đã có thể đứng riêng thành một chương trình hấp dẫn từ lâu rồi. Ở nước ngoài người ta muốn đi xem múa phải xếp hàng và đợi cả tháng mới có vé. Còn ở VN cũng không thể trách khán giả hờ hững với múa bởi múa thường chỉ là minh họa, âm nhạc không được sáng tác dành riêng cho múa, không có biên đạo giỏi... Vì thế lần này tôi về là về hẳn, được tha hồ múa trên thành phố quê hương là niềm thanh thản của tôi!
Có thể xem Vũ là dấu chấm cho chặng đường 10 năm rèn luyện và cũng sẽ là khởi đầu cho một nghệ sĩ múa Linh Nga của nhiều năm sắp tới?
- Vâng, 10 năm cũ đã qua với những giọt mồ hôi và cả nước mắt để có Vũ của ngày hôm nay. Sau Vũ, tôi cũng hồi hộp không biết 10 năm sắp tới của mình sẽ như thế nào. Chắc có lẽ cũng chỉ là múa thôi, hoặc biết đâu một ngày nào đó không thể múa được nữa. Dù gì tôi cũng đang tích lũy từng ngày sống và múa đã và đang dệt thành cuộc đời của tôi!
Theo Hoàng Oanh
Tuổi Trẻ