Có hai đợt tuyển mộ lính Đông Dương lớn. Đợt đầu là phục vụ cho đại chiến thế giới thứ Nhất. Đợt hai vào năm 1939-1940 phục vụ cho đại chiến thế giới thứ Hai. Đợt hai là một sự nhầm nhằng giữa lính và lao động. Thực chất đây là đợt “xuất khẩu” lao động nông dân Việt lớn nhất. Chính quyền thuộc địa ra sắc lệnh “mỗi gia đình phải đóng góp 2 nhân lực cho “mẫu quốc”, nếu không cha phải đi tù. “Tổ quốc hay đi tù” đó là khẩu hiệu đặt ra khi mộ nhân công với chiêu bài: “Tổ quốc đang gặp khó khăn, nghĩa vụ công dân”. Các lý trưởng phải thi hành nộp nhân công theo đúng chỉ tiêu. Ai không có tiền thế chân phải đi. Những đàn ông nông dân chất phác nghèo ở lứa tuổi 18-45, thương cha và gia đình phải rời làng quê ra đi trong nước mắt. 20 nghìn nông dân được “tuyển mộ” không phải đi lính mà qua Pháp lao động để cứu nguy cho nước Pháp khó khăn. Do sức khỏe, nhiều người không trực tiếp tham chiến nhưng tham gia trên mặt trận sản xuất hậu phương như sản xuất chế tạo thuốc súng, hay thay đàn ông Pháp ra chiến trường, lo chăn nuôi trồng trọt. Họ bị phân vào những nơi gian nan, khổ nhất của nước Pháp như nhà máy, hầm mỏ, đồng hoang. Họ thay thế công nhân Ý, Tây Ban Nha đắt tiền hơn, và đỡ khoản đóng bảo hiểm xã hội quy định. Họ trở thành thứ “nô lệ hiện đại”. 500 người được đưa đến Camargue để trồng lúa. Những người nông dân Việt cần cù với kính nghiệm lấn biển trồng lúa nước đã chiến thắng được thiên nhiên. Họ đã biến Camargue sình lầy nơi sông và biển gặp nhau làm nên một vựa lúa nổi tiếng của Pháp và giúp được nguy cơ đói trong đại chiến thứ hai.
Nhiều người tham gia trong quân đội chế tạo thuốc súng, bị bệnh ho lao rất nhiều và một số trực tiếp tham chiến. Nhưng chiến thắng, họ không được coi như những người lính chiến thắng, mà lại một lần nữa ép buộc xuống tàu trở về Đông Dương, khi thuộc địa Đông Dương có nguy cơ tan vỡ vì tháng 8 năm 1945 Việt Nam là nước thuộc địa Pháp đầu tiên đã tuyên bố giành độc lập. Họ bị ép trở về vì một phần chính quyền Pháp lo sợ mối nguy hại chống Pháp nằm ngay trên đất Pháp và đồng thời muốn sử dụng tiếp đội quân này để bảo vệ thuộc địa Đông Dương. Một số người không muốn trở về tiếp tục cầm súng vì không muốn người Việt tiêu diệt lẫn nhau và ủng hộ cách mạng Việt Nam non trẻ. Họ hiểu thân phận của người dân mất nước, mà họ chính là nạn nhân. Họ đã phản ứng sự cưỡng chế hồi hương. Sự hồi hương nhân đạo giả tạo, không phải trở về đoàn tụ gia đình sau chiến thắng phát xít, mà họ tiếp tục cầm súng để chống lại tổ quốc và nhân dân họ. Một số đã lẩn trốn ở lại Pháp, ủng hộ Việt Minh, ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Họ đã truyền nhau ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc tàng trữ cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành một bằng chứng để cảnh sát Pháp bắt họ khi khám xét nhà và coi là tội phản bội mẫu quốc. Dù kết hôn với người Pháp, họ cũng bị ép trở về. Cứ tưởng chỉ ở Đông Dương, thời đó những gia đình nào giấu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt. Ở Pháp một xứ tự do, nhưng cũng không có tự do. Họ cấm được biểu tình và ủng hộ Việt Minh. Khi họ bị ép ra đi sang Pháp lao động và tham chiến thì nước Pháp tuyên truyền đi bảo vệ “Tổ quốc lâm nguy”.
Tổ quốc là gì mà họ không có quyền lựa chọn khi giải ngũ và hết thời hạn lao động nơi sống ngay trên “tổ quốc”, “mẫu quốc” mà họ đã phải hy sinh tuổi trẻ, xa gia đình, quê hương để bảo vệ tổ quốc đó. Thậm chí họ phải nộp đơn xin nhập quốc tịch Pháp. Có trường hợp bị từ chối như ông Vũ Văn Đối do từng bị khám xét vì tội tàng trữ ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Con họ bị từ chối không được vào một số trường vì là con người lính gốc Đông Dương như anh Dominique Quách…
Cũng là đời lính trong đoàn quân chiến thắng: Lính lệ Việt sang Pháp tham chiến bảo vệ “mẫu quốc” trong đại chiến thế giới, 8/5 kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít chẳng mấy ai nhớ đến công lao của những người lính từ một đất nước bị thuộc địa.
Ngày 7/5/1954 đúng chín năm sau, một trận Điện Biên Phủ lẫy lừng, biết bao người Việt ngã xuống để giành độc lập. Chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, những người lính lệ xưa “trốn” ở “mẫu quốc” càng điêu đứng vì giấy tờ.
Mãi gần 70 năm sau, nhà báo Pierre Daume và hậu duệ của họ đã đấu tranh đòi thừa nhận công lao của họ trong đại chiến thế giới thứ hai. Chính quyền Pháp đã buộc phải thừa nhận và ông thị trưởng thành phố Camargue đã đứng lên chính thức xin lỗi và cảm ơn những người đã góp phần biến đồng hoang mặn thành vựa lúa và một nơi thu hút du lịch. Lác đác vài nơi nhiều cựu lính Đông Dương sống đã khắc những tấm bảng kỷ niệm họ.