Bài 2: Ban đại diện cha mẹ học sinh, họ là ai?
Ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành những đơn vị nhỏ lẻ hoạt động dưới sự điều khiển của các trường là hiện tượng phổ biến từ nhiều năm nay.
Danh mục các khoản phụ huynh lớp 1, Trường Tiểu học Trung Tự (Hà Nội) phải chi |
Nặng gánh
Chị H. (ngõ 88 Trần Quý Cáp, Đống Đa, Hà Nội) làm nghề giúp việc nhà theo giờ, có chồng làm nghề xe ôm. Nguồn thu của gia đình chị phập phù, làm ngày nào biết ngày đó.
Chị phàn nàn: “Hồi cháu lớn mới đi học (cách đây khoảng 10 năm), tôi thấy ít phải đóng góp. Giờ thì đủ thứ tiền. Đã có quỹ trường rồi, lại còn thu cả quỹ lớp. Riêng tiền quỹ lớp, tôi chẳng hiểu họ thu làm gì mà mất đứt mỗi cháu 200.000 đồng/học kỳ”.
Trong lớp con chị, có nhiều phụ huynh hoàn cảnh giống chị nhưng ban đại diện xướng ra khoản gì thì vẫn phải tham gia khoản đó. Để giảm chi phí, chị đành phải cắt xén trong phần của riêng mình.
Chẳng hạn, chị không cho cháu thứ hai (học trường THCS Huy Văn, Đống Đa, Hà Nội) ăn bán trú. Hoặc vừa rồi trường tổ chức cho các cháu đi tham quan, phải đóng 100.000 đồng/HS (ăn trưa tự túc), chị cũng cắt. Cháu buồn nhưng thương mẹ nên chẳng than phiền gì!
Theo nhiều phụ huynh ở các trường khác, giới hạn khoản thu quỹ lớp ở mức 200.000 đồng/HS/ học kỳ và không phát sinh thêm là tương đối nhân đạo.
Hầu hết các trường ngoài khoản thu quỹ lớp (từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng/năm học) còn có quỹ trường (phổ biến là mức 100.000 đồng/HS/ năm học) và muôn hình vạn trạng các khoản thu phát sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh trường hoặc lớp càng lắm sáng kiến, phụ huynh càng có nhiều lý do để nộp tiền.
Anh T., một phụ huynh Trường Mầm non Thực hành H. (Đống Đa, Hà Nội), phàn nàn: “Năm ngoái, quỹ lớp của con tôi tổng cộng gần 900.000 đồng. Năm nay, hôm họp phụ huynh thống nhất đóng 300.000 đồng/HS/học kỳ. Nhưng vừa rồi, một số phụ huynh nổi hứng nảy ra ý định mua gỗ về lát sàn cho các con. Chẳng hiểu quỹ lớp sẽ lạm phát lên thành bao nhiêu đây”.
Anh T. nhận xét: “Theo tôi biết, không chỉ ở trường con tôi mới có chuyện một tập thể đông đảo phụ huynh phải chạy theo việc thu chi tuỳ hứng của ban đại diện.
Điều kiện kinh tế, quan điểm giáo dục của mỗi người khác nhau nhưng vì ai cũng sợ bị nhà trường và giáo viên đánh giá không quan tâm tới con nên ít người dám phản đối công khai sáng kiến của một số ít phụ huynh trong ban đại diện.
Về phía các nhà trường, hoặc chính họ gợi ý bằng cách phàn nàn trường đang khó khăn cái này, cái kia, hoặc nếu do ban đại diện chủ động tặng thì nhìn chung đều có tinh thần tiếp nhận càng nhiều càng ít”.
Bất lực
Ban đại diện sinh ra không phải để thu tiền đầu năm học. - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ |
Nếu như dăm bảy năm trở về trước (thời con đầu của chị H. - người được nhắc ở phần trên bài viết này - mới đi học), quỹ phụ huynh là khoản tiền được khống chế ở mức dưới 50.000 đồng/ HS/năm và thực hiện thống nhất trong toàn thành phố thì hiện nay, ở Hà Nội, không có một văn bản nào của cơ quan có trách nhiệm quy định về điều này.
Thực hiện Luật Giáo dục ban hành năm 2005, cả nước không còn tổ chức ban đại diện cha mẹ học sinh liên trường và ở các cấp hành chính. Đương nhiên, hội cha mẹ học sinh các cấp được giải tán. Thay vào đó, ở mỗi trường có một ban đại diện cha mẹ học sinh cấp trường và các ban đại diện cấp lớp.
Theo điều lệ, ban đại diện cha mẹ học sinh (Bộ GD&ĐT ban hành tháng 3 -2008), cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh là cơ quan quản lý giáo dục cấp phòng và sở. Còn trường có nhiệm vụ phối hợp với ban đại diện trong các hoạt động.
Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, trên thực tế của nhiều năm nay, ban đại diện cha mẹ học sinh các trường thực chất là một bộ phận giúp việc của nhà trường và chủ yếu là giúp thu các khoản tiền mà theo quy định nhà trường không được phép thu.
Đây là một lý do để đầu năm học 2009 - 2010, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức một hội nghị về quản lý hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (TP đã phản ánh trên số báo ngày 11-9-2009).
Trước đông đủ cán bộ quản lý giáo dục các quận/huyện, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, ban đại diện cha mẹ học sinh là cầu nối giữa cha mẹ học sinh và nhà trường, giúp họ bày tỏ tâm tư nguyện vọng về những vấn đề liên quan tới chất lượng giáo dục mà con em họ đang hưởng thụ.
Ông Độ nhấn mạnh: “Ban đại diện sinh ra không phải để thu tiền đầu năm học”.
Thể hiện quan điểm ngăn chặn tình trạng loạn thu, Sở GD&ĐT Hà Nội còn đưa ra một quy định trong dự thảo hướng dẫn tăng cường thu chi trong nhà trường: Phụ huynh muốn tự nguyện đóng góp để góp phần nâng cao cơ sở vật chất thì phải có thuyết trình bằng văn bản.
Cơ sở để xác định thuyết trình đó đã được thông qua là năm chữ ký và bốn con dấu của các tổ chức: Ban đại diện cha mẹ học sinh, hiệu trưởng, UBND phường/xã, phòng GD&ĐT, UBND quận/huyện.
Nhưng dự định này bị chính các cán bộ phòng GD&ĐT các quận/huyện phản đối quyết liệt. Hệ quả là trong hướng dẫn tăng cường thu chi mà Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành một tuần sau đó không hề có nội dung này.
Thậm chí ngay cả quy định tiền đóng góp của phụ huynh phải được gửi tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng mà Sở GD&ĐT dự kiến yêu cầu cũng không hiện thực hóa được.
Những khó khăn trong quản lý khiến tình trạng thu - chi do phụ huynh đóng góp ở các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trở thành một thị trường rơi tự do: Không một khoản thu nào có chứng từ, vô số khoản chi không nằm trong khả năng kiểm soát của cơ quan chức năng.
Với lý do đó là việc riêng của ban đại diện cha mẹ học sinh, nhiều trường mặc nhiên gạt hệ thống kế toán đơn vị mình ra khỏi việc này trong khi tổng số tiền huy động được có thể lên tới tiền tỉ ở một đơn vị trường học.