Liệt sỹ Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng trong ký ức đồng đội

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng (khi đó là thượng tá) đang chỉ huy, kiểm tra công tác an toàn trong bắc cầu phao Đuống phục vụ sửa chữa cầu Đuống năm 2010.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng (khi đó là thượng tá) đang chỉ huy, kiểm tra công tác an toàn trong bắc cầu phao Đuống phục vụ sửa chữa cầu Đuống năm 2010.
TPO - “Từ việc làm đường tuần tra biên giới ở Sơn La, bắc cầu phao qua sông Hồng, sông Đuống, rồi cứu người ở đập thủy điện Đạ Dâng…, anh Hùng luôn tâm huyết và quyết tâm thực hiện cho bằng được”. Đó là chia sẻ những người lính Lữ đoàn Công binh 249 khi nhắc đến thủ trưởng cũ của mình.

Ăn đường, ngủ lán với anh em

Ngày 17/10, chúng tôi tìm về Lữ đoàn Công binh 249 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, nơi Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng - một trong 13 cán bộ, quân nhân vừa hy sinh khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) từng làm Tham mưu trưởng và Lữ đoàn trưởng.

6 năm công tác tại đây (2008-2014), Thiếu tướng Hùng để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong tâm trí cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Trong cảm xúc tiếc nhớ trào dâng, thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thạo hồi tưởng lại: “Năm 2008, khi anh Hùng vừa về đơn vị nhận nhiệm vụ thì xảy ra trận lụt lớn ở Hà Nội. Tôi khi đó làm nhiệm vụ lái thuyền vượt sông Nhuệ đến đập Phùng để chuyên chở phương tiện, người dân qua sông. Sau khi cử anh em nhanh chóng đi trinh sát, xác định vị trí, anh ấy lập tức xin ý kiến, quyết định bắc cầu phao để cho người dân thuận tiện qua lại. Mỗi lần thay ca, anh ấy lại đến động viên cán bộ, lính tráng chúng tôi”.

Cuối năm 2008, khi Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hùng dẫn quân lên sơn cước làm đường tuần tra biên giới ở Sốp Cộp (Sơn La), thượng úy Thạo cũng có mặt tại đây khoảng 2 tháng. Hồi đó địa hình hiểm trở, khó khăn, đường vào rất xa, xe chở vật liệu, máy móc không vào được. Chính Thiếu tướng Hùng có sáng kiến bắc cầu phao qua sông để xe trọng tải lớn đi qua, vận chuyển được các nguyên vật liệu cần thiết để làm đường trong những năm tháng ăn đường, ngủ lán cùng đồng đội. “Khi biết tin thủ trưởng gặp nạn, chúng tôi rất đau xót. Nhiều lúc cứ nghĩ, giá như buổi chiều hôm ấy mưa lớn thế, anh ấy dừng xe, sáng hôm sau mới cùng đoàn vào hiện trường thì sự việc đau lòng đã không xảy ra”, anh Thạo trầm giọng nói.

Liệt sỹ Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng trong ký ức đồng đội ảnh 1 Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng (khi đó đang là thượng tá, người đầu tiên từ trái qua) cùng lãnh đạo Bộ tư lệnh Công binh kiểm tra mô hình học cụ huấn luyện thông tin của đơn vị.

Thượng tá Đỗ Hữu Tiềm, Phó Chính ủy Lữ đoàn 249 kể thêm, thời điểm Thiếu tướng Hùng mới về Lữ đoàn công tác, thượng tá Tiềm khi ấy mới là Chính trị viên Đại đội Thông tin 17 và cảm nhận được sự quan tâm, gắn bó với cấp dưới của Thiếu tướng Hùng. “Anh ấy sống rất tình cảm, hay hỏi han, thăm nom, động viên mọi người. Anh rất ít khi mắng và to tiếng với cấp dưới. Có gì cũng ân cần phân tích, chỉ bảo. Với thái độ nghiêm túc, tận tâm khi làm việc để làm sao có hiệu quả cao nhất, anh Hùng là tấm gương để tôi noi theo”, thượng tá Tiềm nói.

Không khoảng cách cán - binh

Đưa chúng tôi đi thăm vườn bưởi sai trĩu quả và những tiểu cảnh sinh động, đẹp mắt trong khuôn viên đơn vị, trung tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Duy Hải, nhân viên Phòng Tham mưu Lữ đoàn 249 cho biết: “Cảnh quan đơn vị chúng tôi xanh - sạch - đẹp như ngày hôm nay có công rất lớn của anh Hùng trong thời gian anh ấy ở đây”.

Từng gắn bó công việc với Thiếu tướng Hùng một thời gian dài, anh Hải cho biết rất khâm phục tính cần cù, chịu khó và sáng tạo của thủ trưởng mình. Anh Hải kể: “Tôi là nhân viên tham mưu, trực tiếp giúp việc cho anh Hùng nên hai anh em thường xuyên trao đổi nhiều vấn đề. Nhiều lần tôi chứng kiến anh ấy làm việc xuyên đêm để hôm sau có thể chỉ đạo công việc chung thuận lợi”. Theo anh Hải, Thiếu tướng Hùng rất chịu khó đọc sách, nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu những cái mới, lúc nào cũng trăn trở bằng mọi giá hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình. Thời gian trước, Lữ đoàn trưởng Hùng còn học thêm chuyên ngành Xây dựng công trình tại Đại học Xây dựng để nâng cao trình độ phục vụ cho công việc.

Liệt sỹ Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng trong ký ức đồng đội ảnh 2 Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng (khi đó đang là thượng tá, người đầu tiên từ phải qua) cùng lãnh đạo Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra nhà điều hành khu kỹ thuật của Lữ đoàn 249.

“Tôi cùng quê với anh nên hay liên lạc hỏi thăm tình hình công việc, gia đình. Từ hôm nhận tin anh Hùng cùng đoàn công tác gặp nạn, tôi liên tục gọi vào cả hai số máy điện thoại của anh rồi chỉ biết hy vọng phép màu sẽ xảy ra… Những ngày qua, anh em trong Lữ đoàn đều rất sốc và thương nhớ. Cứ nghĩ về những hình ảnh của anh ấy, tôi không cầm được nước mắt”, trung tá Hải chia sẻ.

Tiếp mạch câu chuyện, Phó Chính ủy Đỗ Hữu Tiềm nhẹ nhàng nói: “Từng là chỉ huy cao nhất ở Lữ đoàn, nhưng anh Hùng không khiến chúng tôi “sợ” mà còn thêm gần gũi như người thân trong gia đình, bởi anh ấy không phân biệt khoảng cách, sẵn sàng cùng ăn uống, cùng sinh hoạt với tất cả cán bộ, chiến sĩ. Tôi nhớ có lần giáp Tết, Lữ trưởng hỏi “Dưới đơn vị anh em có thiếu gì không?”. Mình cũng trình bày thật, thế là anh giải quyết ngay để anh em đón Tết tốt hơn. Bận chỉ đạo công việc chung đã vất vả, nhưng đời sống, tinh thần của chúng tôi luôn được Lữ trưởng Hùng để ý, quan tâm từ những thứ nhỏ nhất như trang bị thêm bộ ấm chén, phích nước pha trà…”

“Những ý tưởng sáng tạo, quyết đoán của anh Hùng đã đóng góp rất lớn vào việc Lữ đoàn 249 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2 năm vào 2011”.
Thượng tá Đỗ Hữu Tiềm, Phó Chính ủy Lữ đoàn Công binh 249

Người hùng Đạ Dâng

Lữ đoàn Công binh 249 là đơn vị công binh vượt sông dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng. Nhiều năm qua, Lữ đoàn còn được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như rà phá bom mìn, làm đường tuần tra biên giới, tham gia bảo đảm giao thông, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và đối ngoại quân sự…

Trong thời gian Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng công tác ở đây, Lữ đoàn luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng của Binh chủng Công binh. Lữ đoàn được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2 vào năm 2011; Huân chương Chiến công hạng Nhì về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắc cầu phao Chèm, cầu phao Đuống; Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen trong Diễn tập thực binh ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo năm 2013 (ARDEX-13). Bằng trí tuệ, tài chỉ huy cùng phong cách làm việc chắc chắn, quyết đoán, Thiếu tướng Hùng đã thể hiện xuất sắc phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” khi sẵn sàng nhận lãnh những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm ở Binh chủng Công binh và Cục Cứu hộ - Cứu nạn sau này.     

Tháng 12/2014, trong sự cố sập hầm Thuỷ điện Đạ Dâng - Đạ Cho Mo, cùng với các lực lượng tinh nhuệ khác, lực lượng Công binh chuyên trách về cứu hộ cứu nạn và xây dựng công trình quốc phòng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiếu tướng Hùng (khi đó đang là Đại tá - Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh) đã lập chiến công xuất sắc khi cứu thoát 12 công nhân mắc kẹt.  

Liệt sỹ Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng trong ký ức đồng đội ảnh 3 Dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, bộ đội Công binh cùng các lực lượng khác đã lập chiến công Đạ Dâng, giải cứu an toàn 12 công nhân mắc kẹt vào năm 2014. Với thành tích đặc biệt xuất sắc này, đầu năm 2015, ông được Chủ tịch nước ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Sau chiến công này, Thiếu tướng Hùng đã từng chia sẻ rằng: “Đây là sự cố mà các lực lượng cứu hộ của Công binh chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Thời gian và tính mạng của 12 công nhân không cho phép tôi chần chừ, do dự. Cũng thời điểm này, nước trong đường hầm tiếp tục dâng lên đe doạ tính mạng 12 nạn nhân khi mỗi giờ trôi qua mà chưa có phương án cứu hộ nào thực sự an toàn. Tôi xác định đây là thời điểm cần phải tính toán và đưa ra quyết định hệ trọng nhất trong cuộc đời mình cho đến lúc này. Đó chính là quyết định về số phận của 12 công nhân đang dần kiệt sức trong đói, rét; về sự an toàn tính mạng của cán bộ, chiến sĩ công binh và các lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ trong đường hầm; về uy tín của Quân đội nói chung và Binh chủng Công binh nói riêng trước Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Chính tại “chiến trường” Đạ Dâng, sau khi bình tĩnh nghiên cứu, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm chỉ huy và thảo luận với các kỹ sư đầu ngành về thi công đường hầm, địa chất trong Binh chủng, Phó Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hùng đã trực tiếp báo cáo phương án với đoàn công tác của Chính phủ.

Phương án được duyệt, Thiếu tướng Hùng được giao chỉ huy tất cả các lực lượng cứu hộ trong hầm thủy điện mở đường hầm dự bị ở sát mép trong, bên trái của khối sạt trượt, giảm được chiều dài phải đào so với các lực lượng thi công trước khoảng 4,5 mét, đây là đường hầm dự phòng cho đường hầm chính. Đồng thời sẵn sàng làm đường hầm cứu hộ then chốt khi có điều kiện. Việc lính Công binh sau đó nhanh chóng đào thông hầm giải cứu an toàn 12 công nhân sớm hơn gần 2 ngày so với dự kiến, đã chứng minh sự quyết đoán, thông minh của người hùng Đạ Dâng Nguyễn Hữu Hùng... 

Tại thời điểm tham gia đoàn công tác vào khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 và gặp nạn hy sinh vào đêm 12/10, đại tá Nguyễn Hữu Hùng đang giữ các chức vụ: Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu; Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia.
Chiều 17/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định truy thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng đối với đồng chí Nguyễn Hữu Hùng. Hôm nay (18/10), lễ tang 13 cán bộ, quân nhân trong đoàn công tác hy sinh tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày 19/10, lễ tang Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng tiếp tục được tổ chức tại quê nhà Quốc Oai, Hà Nội.

MỚI - NÓNG